Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng 21 năm xây dựng và phát triển

04/08/2014
Cùng với các lĩnh vực tư pháp khác, công tác thi hành án dân sự thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhìn lại chặng đường 21 năm xây dựng và trưởng thành, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã có bước phát triển, lớn mạnh vượt bậc. Những thành quả mà công tác thi hành án dân sự thu được đã đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Ngành Tư pháp Việt Nam. Từ chỗ là các Phòng Thi hành án dân sự thuộc Sở Tư pháp; Đội Thi hành án dân sự thuộc Phòng Tư pháp với ba không vào năm 1993 (không trụ sở, không cơ sở vật chất, không phương tiện làm việc). Đến nay, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã trở lên lớn mạnh, có tổ chức từ cấp tỉnh xuống cấp cơ sở với 129 cán bộ, công chức. Trong chặng đường đó, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã trải qua ba giai đoạn lịch sử với rất nhiều thăng trầm và biến động mà mỗi giai đoạn đều gắn liền với những sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác thi hành án dân sự tỉnh nhà.

Giai đoạn thực hiện theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993:

Trong giai đoạn này, nhằm từng bước thống nhất việc quản lý công tác hành chính – tư pháp của Chính phủ, tạo điều kiện để Tòa án tập trung thực hiện nhiệm vụ xét xử, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, tại kỳ họp thứ I ngày 06/10/1992, Quốc hội Khóa IX đã ban hành Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Ngày 21/4/1993, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự, làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống cơ quan Thi hành án; hình thành cơ chế quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự và tổ chức thi hành án dân sự. Cùng với các cơ quan Thi hành án dân sự trên toàn quốc được thành lập nói chung. Phòng Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng được thành lập theo Quyết định số 46/QĐ-BTP, ngày 08/6/1993 với 07 Đội Thi hành án huyện, thị được thành lập và đi vào hoạt động. Trong thời gian đầu khi tách từ cơ quan Tòa án, công tác thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn (13 chấp hành viên), nhưng ngay bước đầu các cơ quan Thi hành án thi hành đạt kết quả rất khả quan. Số án từ Tòa án chuyển giao và thụ lý năm 1994 là 2099 vụ, cơ quan Thi hành án đã thi hành xong hoàn toàn là 920 vụ, đạt tỷ lệ 43,83%; tổng số tiền và tài sản đưa ra thi hành ước tính trị giá khoảng 9.867.521.000đ; cơ quan Thi hành án đã thi hành ước tính đạt 4.607.441.000đ (46,69%).

Giai đoạn thực hiện theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004:

Ngày 14/01/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 với nhiều đổi mới quan trọng về thi hành án dân sự, trong đó có cả đổi mới về tổ chức, cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự và trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Trên cơ sở của Pháp lệnh này, nhiều văn bản hướng dẫn về công tác thi hành án dân sự đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc cho công tác thi hành án dân sự, như: Nghị định số 164/2004/NĐ-CP, ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án; Nghị định số 173/2004/NĐ-CP, ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự. Đặc biệt, ngày 11/4/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo quy định của Nghị định này, cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, từ chỗ là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp, đã trở thành hệ thống cơ quan tương đối độc lập. Đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự tiếp tục được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Năm 2008, các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 108 cán bộ, trong đó có 27 chấp hành viên.

Do được quan tâm hoàn thiện về thể chế, kiện toàn về tổ chức, bộ máy và cơ sở vật chất nên công tác thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng giai đoạn này có nhiều chuyển biến, tác động trực tiếp đến kết quả thi hành án dân sự. Chỉ trong năm 2008, tổng số thụ lý là 6.178 việc, tăng 1.162 việc so với năm 2007 (trong đó số việc có điều kiện thi hành là 4.555 việc). Kết quả thi hành xong là 3.954 việc, đạt tỷ lệ 86,81%. Về giá trị (gồm tiền và giá trị tài sản): Tổng số đã thụ lý: 287.287.630.000 đồng tăng 35.104.129.000 đồng so với năm 2007 (trong đó số tiền có điều kiện thi hành là 86.904.444.000 đồng). Kết quả thi hành xong là 52.823.987.000 đồng đạt tỷ lệ 60,78%. Đáng chú ý là trong giai đoạn này, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài đã được tổ chức thi hành dứt điểm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân. Đồng thời tạo tiền đề nâng cao kết quả, chất lượng công tác thi hành án trong những năm tiếp theo.

Giai đoạn thực hiện theo Luật Thi hành án dân sự:

Để tiếp tục củng cố, hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy công tác thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả. Ngày 14/11/2008 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự. Có thể nói rằng, với sự ra đời của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thể chế về thi hành án đã cơ bản được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn để công tác thi hành án dân sự nói chung và công tác thi hành án dân sự Sóc Trăng nói riêng có được kết quả như hiện nay.

Đến nay, Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng có 10 đơn vị Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc, với tổng biên chế được Bộ Tư pháp giao là 111 biên chế (trong đó cấp tỉnh 21, cấp huyện 90), số lượng chấp hành viên là 33 (trong đó cấp tỉnh 04, cấp huyện 29). Trình độ chuyên môn có 79 Đại học, 17 Trung cấp. Về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc đến nay đã được đầu tư, đổi mới căn bản. Có 09/11 trụ sở làm việc của các cơ quan Thi hành án dân sự đã được xây dựng mới, khang trang đáp ứng đủ phòng làm việc cho cán bộ, công chức. Trang thiết bị phục vụ cho công tác cơ bản đã đáp ứng cho công việc như: Xe ô tô, máy photocopy, máy vi tính….

Cùng với sự hoàn thiện về thể chế, kết quả công tác thi hành án dân sự Sóc Trăng tiếp tục có bước phát triển đáng ghi nhận. Chỉ trong quý IV năm 2009, tổng số thụ lý là 6.678 việc, tăng 500 việc so với năm 2008 (trong đó số việc có điều kiện thi hành là: 4.652 việc. Kết quả thi hành xong là 3.866 việc, đạt tỷ lệ 83,10% (vượt chỉ tiêu 5,10%). Về giá trị (gồm tiền và giá trị tài sản): tổng số đã thụ lý là 311.660.120.000 đồng tăng 24.372.490.000 đồng so với năm 2008 (trong đó số tiền có điều kiện thi hành là 95.583.918.000 đồng). Kết quả thi hành xong là 63.974.266.000 đồng, đạt tỷ lệ 66,93% (vượt chỉ tiêu 8,93%).

Với những thành tích và đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ năm 1993 trở lại đây tập thể và cá nhân các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã được Chính phủ, Bộ, Ngành, tỉnh tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý như Chiến sĩ thi đua toàn quốc, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều danh hiệu khác.

Nhìn lại chặng đường 21 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn có những khó khăn, hạn chế nhất định, song được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, của Tổng cục Thi hành án dân sự, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng thuận của các cơ quan, Ban, Ngành, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, từng bước khẳng định được vai trò, vị thế của ngành.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong 21 năm qua, cán bộ, công chức   các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng quyết tâm nỗ lực không ngừng, cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa..

Vĩnh Phong

Văn phòng - Cục THADS tỉnh Sóc Trăng