Những nguyên tắc cần được tuân thủ để nâng cao chất lượng công tác báo cáo số liệu thi hành án

07/08/2014
Hiện nay, các cơ quan Thi hành án dân sự có hai hệ thống báo cáo số liệu chính là báo cáo tài chính do kế toán nghiệp vụ lập (theo quy định tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC) và báo cáo thống kê do chấp hành viên lập (theo quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-BTP). Mỗi loại báo cáo thực hiện một chức năng khác nhau nhằm phục vụ cho từng mục đích cụ thể trong quản lý, điều hành hoạt động thi hành án dân sự. Hai loại báo cáo này được tiến hành ghi chép độc lập nhưng đều xuất phát từ những căn cứ giống nhau đó là: Biên lai thu tiền thi hành án, biên bản về thi hành án, quyết định về thi hành án,… và đều phản ánh kết quả hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự.


Trong những năm qua, công tác báo cáo số liệu thi hành án đã từng bước được nâng cao, nhờ đó giúp cho Tổng cục Thi hành án dân sự và cơ quan Thi hành án dân sự ở các địa phương có thể sử dụng các báo cáo trở thành một công cụ quản lý hiệu quả. Thông qua báo cáo số liệu thi hành án, cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự các cấp thực hện điều chỉnh phương hướng, kế hoạch triển khai nhiệm vụ phù hợp cho từng giai đoạn, nhằm mục đích thực hiện đạt chỉ tiêu thi hành án do cấp trên giao, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà nước, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.   

Theo các quy định về công tác báo cáo thi hành án, Biểu mẫu B02-CT, B02-TH của báo cáo tài chính có những tiêu chí tương đồng với Biểu mẫu 05/TK-THA, 06/TK-THA, 07/TK-THA của báo cáo thống kê, do đó sự thống nhất về số liệu đối với từng tiêu chí giữa các biểu mẫu báo cáo nói trên là yêu cầu mang tính bắt buộc. Thực tiễn triển khai cho thấy tình trạng chênh lệch số liệu trong cùng một tiêu chí giữa các biểu mẫu báo cáo vẫn còn xảy ra, nguyên nhân của vấn đề này bắt nguồn chủ yếu từ sự chủ quan trong ghi chép báo cáo, cho nên để nâng cao hiệu quả công tác báo cáo số liệu thi hành án, các chấp hành viên, kế toán nghiệp vụ, cán bộ tổng hợp cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau.

Một là, kịp thời cập nhật những số liệu phát sinh mới

Để tồn đọng việc nhập số liệu có thể dẫn đến tình trạng bỏ sót, ghi chép không đầy đủ thực tế phát sinh. Những trường hợp đến gần thời hạn nộp báo cáo mới cập nhật các số liệu sẽ làm tăng khối lượng công việc ở một thời điểm không đáng có, cộng với áp lực về thời gian sẽ dễ gây ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo và khó tránh khỏi việc gặp thiếu sót. Vì vậy, ngay khi có những căn cứ để lập báo cáo, cần khẩn trương cập nhật những phát sinh mới trong hoạt động thi hành án vào báo cáo theo quy định, đảm bảo kịp thời, đầy đủ và chính xác.

Hai là, ghi chép một cách khách quan, minh bạch số liệu báo cáo 

Sự đồng nhất về số liệu giữa hai hệ thống báo cáo phải đảm bảo phản ánh đúng kết quả tổ chức thi hành án. Không được “Bẻ cong”, làm sai lệch số liệu để tạo ra báo cáo đồng nhất giữa các chỉ tiêu trên mặt số học nhưng lại không phản ánh đúng thực tế kết quả hoạt động thi hành án. Việc ghi chép báo cáo phải thực hiện trên cơ sở các căn cứ khách quan, minh bạch được lấy ra từ chính trong quá trình tổ chức thi hành các vụ việc.

Ba là, trao đổi cung cấp thông tin về các căn cứ để ghi báo cáo

Việc trao đổi, cung cấp thông tin qua lại giữa chấp hành viên, cán bộ thi hành án và kế toán nghiệp vụ sẽ giúp các bên có đầy đủ những dữ liệu để thực hiện báo cáo đúng quy định. Hiện nay, do các quy định của pháp luật về quản lý quy trình thủ tục thi hành án khá chặt chẽ nên về cơ bản thông tin về nguồn dữ liệu để ghi chép báo cáo đã được chuyển tải khá đầy đủ đến tất cả các bên thực hiện. Có thể kể đến, đó là quyết định về thi hành án, biên lai thu tiền thi hành án (những căn cứ cơ bản để ghi chép báo cáo) đều do ít nhất từ hai bên trở lên thực hiện và theo dõi qua lại. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp cá biệt dễ làm sai lệch số liệu, đó là trường hợp chấp hành viên lập biên bản thỏa thuận thi hành án việc giao nhận tiền, tài sản tay ba giữa bên được thi hành án và bên phải thi hành án, nhưng không giao biên bản này cho kế toán nghiệp vụ làm căn cứ để ghi sổ kế toán. Do đó, ở một mức độ nào đó yếu tố cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình tác nghiệp sẽ góp phần khắc phục được tình trạng sai sót trong công tác báo cáo số liệu.   

Bốn là, thống nhất về cách thức ghi chép

Tạo sự đồng thuận trên cơ sở quy định của pháp luật trong triển khai thực hiện báo cáo, nguyên tắc này xuất phát từ các quy định đặc thù của từng loại báo cáo, như: Kỳ báo cáo, đơn vị tính,… Theo quy định tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC, kỳ báo cáo đối với Biểu mẫu B02-CT, B02-TH là quý, năm (không lấy số lũy kế từ đầu năm), trong khi đó Biểu mẫu 05/TK-THA, 06/TK-THA, 07/TK-THA được thực hiện số liệu lũy kế từ đầu năm, mặt khác đơn vị tính của báo cáo thống kê là 1.000 đồng trong khi báo cáo tài chính là đồng, bởi vậy khi triển khai thực hiện công tác báo cáo đòi hỏi phải có sự chỉ đạo để thống nhất trong đơn vị về cách thức ghi chép giữa hai hệ thống báo cáo.  

Năm là, duy trì đối chiếu số liệu thường xuyên, liên tục trong các kỳ báo cáo

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định đến chất lượng công tác báo cáo số liệu thi hành án. Việc đối chiếu số liệu sẽ giúp phát hiện ra những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch khách quan do quy định đặc thù của từng loại báo cáo cũng như tìm ra sai sót để sớm khắc phục khi thực hiện báo cáo. Thực tế cho thấy, nếu duy trì công tác đối chiếu vào định kỳ hàng tháng sẽ giúp giảm thiểu một cách đáng kể khối lượng công việc phải thực hiện, do chỉ cần đối chiếu các vụ việc có phát sinh mới trong kỳ báo cáo, mà số vụ việc như vậy trong một tháng chắc chắn ít hơn trong một quý hoặc năm. Đối chiếu số liệu được xem như là một đợt rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện báo cáo góp phần đảm bảo sự thống nhất theo quy định giữa hai hệ thống báo cáo. 

Con số thống kê, báo cáo là những con số biết nói, do đó việc lập báo cáo tài chính, báo cáo thống kê chính xác có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp một phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án. Từ đó, nâng cao chất lượng công tác báo cáo số liệu thi hành án cần được các đơn vị quan tâm, chú trọng hơn nữa.

Lê Ngọc Anh