Điều 162 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự như sau:
“Điều 162. Hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự
1. Đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai nhưng không có mặt để thực hiện việc thi hành án mà không có lý do chính đáng.
2. Cố tình không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay.
3. Không thực hiện công việc phải làm hoặc không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định.
4. Có điều kiện thi hành án nhưng cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
5. Tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
6. Không thực hiện yêu cầu của chấp hành viên về việc cung cấp thông tin, giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án mà không có lý do chính đáng.
7. Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
8. Chống đối, cản trở hay xúi giục người khác chống đối, cản trở; có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ trong thi hành án; gây rối trật tự nơi thi hành án hoặc có hành vi vi phạm khác gây trở ngại cho hoạt động thi hành án dân sự nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
9. Phá hủy niêm phong hoặc hủy hoại tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
10. Không chấp hành quyết định của chấp hành viên về việc khấu trừ tài khoản, trừ vào thu nhập, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án.”
Và những quy định này được cụ thể hóa tại Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Như vậy Luật Thi hành án dân sự 2008 và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã quy định khá đầy đủ và chi tiết các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, có tác động tích cực đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự của các cơ quan Thi hành án dân sự, góp phần không nhỏ vào mục đích hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội và của cấp trên giao hàng năm.
Tuy nhiên, trong thực tiễn tổ chức việc thi hành án vẫn còn tồn tại phổ biến hành vi chưa được quy định để làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm hành chính, gây khó khăn cho chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự. Từ thực tiễn xin được nêu một trường hợp cụ thể như sau:
Theo Bản án số 05/2014/HNGĐ-ST ngày 18/6/2014 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Y thì bà Đ.T.C phải chịu 5.000.000 đồng tiền án phí dân sự có giá ngạch sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản được chia. Sau khi Bản án số 05/2014/HNGĐ-ST nói trên có hiệu lực thi hành, Chi cục Thi hành án dân sự huyện X đã ra Quyết định thi hành án chủ động thi hành về khoản tiền án phí 5.000.000 đồng đối với bà Đ.T.C và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành. Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên trực tiếp giải quyết hồ sơ thi hành án trên đã thực hiện các trình tự, thủ tục và nhiều lần trực tiếp tống đạt quyết định và các văn bản thi hành án cho bà Đ.T.C. Tuy bà Đ.T.C không có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm gì đối với chấp hành viên, nhưng không nhận văn bản và cũng không ký biên bản của cơ quan Thi hành án.
Như vậy, thực tế hành vi không nhận quyết định, văn bản của bà Đ.T.C đã gây khó khăn cho chấp hành viên trong quá trình giải quyết việc thi hành án. Nhưng nếu áp dụng quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP thì không có quy định nào để xử lý hành vi này của bà Đ.T.C. Đây chính là một kiểu hành vi chống đối của người phải thi hành án diễn ra nhiều trong thực tế, nhưng chưa được quy định cụ thể nên chưa có cơ sở để xử lý, vô hình chung đã gây khó khăn trong quá trình giải quyết thi hành án dân sự.
Từ thực tế trên thiết nghĩ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định 110/2013/NĐ-CP cần nghiên cứu, xem xét sửa Điều 162 Luật Thi hành án dân sự và Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP theo hướng bổ sung thêm hành vi không nhận quyết định, văn bản của cơ quan Thi hành án vào những hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự để có cơ sở xử lý góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự./.
Kiều Cao Hạnh
Chi cục THADS huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.