Những trở ngại từ nhận thức chưa đầy đủ về “Thừa phát lại”
Theo ghi nhận được từ các Thừa phát lại, thời gian đầu mới thành lập, Văn phòng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi tiếp cận với người dân, họ chưa biết Thừa phát lại là ai, làm những việc gì, ngay cả những cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa biết nhiều về Thừa phát lại, một số người vẫn còn “Mù mờ” về khái niệm Thừa phát lại và còn rất xa lạ với loại hình dịch vụ này. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa có sự phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại trong quá trình tác nghiệp, có trường hợp từ chối phối hợp, cung cấp thông tin theo yêu cầu vì cho rằng Văn phòng Thừa phát lại là cơ quan tư nhân, không đủ thẩm quyền đề nghị hỗ trợ, phối hợp. Những nhận thức đó chính là sự trở ngại cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp, điều đó cũng đã làm cho Văn phòng lúc đầu hoạt động cầm chừng, doanh thu thấp, trong khi đó chi phí cho hoạt động hàng ngày không nhỏ.
Xác định việc tuyên truyền, tiếp cận người dân là điểm đột phá
Đại diện Văn phòng Thừa phát lại cho biết: Bên cạnh khó khăn đó vẫn có những thuận lợi. Thuận lợi trước hết là lãnh đạo tỉnh rất quan tâm thực hiện chủ trương này, đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền qui định này đến người dân; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp và tạo điều kiện để Thừa phát lại hoạt động. Về phía Văn phòng Thừa phát lại Bình Định cũng không ỷ lại sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, đã chủ động tiên phong, xâm nhập vào đời sống xã hội bằng nhiều hình thức, từng bước tháo gỡ khó khăn, đổi mới phong cách phục vụ, tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp cận với người dân, doanh nghiệp. Ngoài việc phát hành các tờ rơi, Văn phòng Thừa phát lại còn phối hợp với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thành phố trong các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật để lồng ghép giới thiệu các loại hình dịch vụ để mọi người biết và gần gũi hơn với Thừa phát lại. Từ những “động thái” này, đã tạo sự chuyển biến rõ nét, khái niệm “Thừa phát lại” đã dần đi vào nhận thức của người dân, doanh nghiệp và đến nay nhiều người biết về Thừa phát lại và đến yêu cầu thực hiện ngày càng nhiều.
Phối hợp là công việc thường xuyên của Thừa phát lại
Văn phòng Thừa phát lại rất coi trọng công tác phối hợp, đã phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quy Nhơn, Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn ký kết các Quy chế phối hợp trong tổ chức thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, thông báo, tống đạt các giấy tờ của Tòa án và thi hành án; phối hợp với các cơ quan liên quan trong hoạt động hàng ngày; chủ động phối hợp, giới thiệu đến các tổ chức, cá nhân về việc lập vi bằng, đây là cơ sở pháp lý rất cần thiết để sử dụng và dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Đến nay, số lượng các vụ việc được yêu cầu xác minh, số vụ việc thông báo, tống đạt của các cơ quan Thi hành án và Tòa án chuyển giao thực hiện và các loại vi bằng được yêu cầu thực hiện ngày càng tăng lên đáng kể so với trước đây, doanh thu của Văn phòng tính đến thời điểm này cơ bản đã trang trải được cho hoạt động hàng ngày. Cũng cần đánh giá rằng, hoạt động Thừa phát lại chắc có lẽ vẫn còn khó khăn ở phía trước và vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng với những gì làm được trong thời gian qua cho thấy, Thừa phát lại Bình Định đã có bước khởi sắc, góp phần chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với xã hội, với Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự trong một số hoạt động tư pháp, điều đó cho thấy, Thừa phát lại đã từng bước đi vào cuộc sống, bước đầu đã được xã hội và người dân Bình Định đón nhận.
Ông Trần Quang Phụng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Bình Định chia sẻ: Thừa phát lại là một hoạt động mang tính đặc thù, nhằm chia sẻ và thực hiện một số công việc của các cơ quan Tư pháp mà có thể xã hội hóa để chuyển giao cho xã hội đảm nhận, nhằm giảm tải công việc cho cơ quan Tư pháp. Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi về cơ chế và tiềm năng khai thác, Thừa phát lại của tỉnh vẫn còn những khó khăn trong công tác phối hợp, nhận thức của người dân vẫn còn thấp, cần phải tiếp tục tuyên truyền, rất mong các cấp chính quyền chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa phát lại thực hiện nhiệm vụ. Văn phòng Thừa phát lại Bình Định luôn luôn lắng nghe, chia sẻ, cùng gánh vách trách nhiệm với nhà nước, tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và xã hội.
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại của Ban Chỉ đạo thực hiện chế định Thừa phát lại Trung ương tổ chức vào ngày 04/12/2014 tại Hà Nội, các đại biểu dự Hội nghị đã đánh giá rất cao vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện chế định Thừa phát lại, giúp người dân tiếp cận dịch vụ bình đẳng, an toàn. Thí điểm Thừa phát lại là tiền đề quan trọng và chúng ta có quyền tin tưởng rằng, việc thí điểm nhất định sẽ thành công, nghề Thừa phát lại sẽ khẳng định được vị trí, vai trò là người bạn đồng hành, hỗ trợ hữu ích cho các cơ quan Tư pháp và mọi người dân, tổ chức trong nền tư pháp dân chủ, vì dân.
Theo NĐ số 61/2009/NĐ-CP, ngày 24/7/2009 và NĐ số 135/2013/NĐ-CP, ngày 18/10/2013 của Chính phủ qui định như sau: Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc cơ quan Thi hành án dân sự. Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án. |
Công Hoàng