1. Pháp luật về thi hành án hành chính
- Luật Tố tụng hành chính đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 24/11/2010 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2011. Luật đã diành chương XVI gồm 8 điều, từ Điều 241 đến Điều 248 để quy định về thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Theo đó, thì thẩm quyền của cơ quan Thi hành án dân sự được mở rộng hơn so với quy định trước đây.
Trước khi có Luật Tố tụng hành chính thì phạm vi, thẩm quyền của cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thi hành Bản án, Quyết định hành chính của Tòa án được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, cụ thể:
“Đối với bản án, quyết định của Toà hành chính, cơ quan Thi hành án dân sự chỉ thụ lý và ra quyết định thi hành án đối với phần nghĩa vụ về tài sản như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, giao lại đất đai được tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của Toà án. Những nội dung khác của bản án, quyết định như tuyên bác đơn kiện, giữ nguyên quyết định hành chính hoặc huỷ quyết định hành chính, không tuyên rõ các quyền và nghĩa vụ cụ thể về các khoản tài sản nêu trên thì do cơ quan hành chính có thẩm quyền thi hành”.
Hiện nay, Luật Tố tụng hành chính đã quy định cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền đôn đốc người phải thi hành án là Cơ quan ban hành quyết định hành chính thi hành án, đồng thời thông báo bằng văn bản với cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án để chỉ đạo việc thi hành án.
Ngoài ra, Luật tố tụng hành chính cũng giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính “Cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này và theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, có thể thấy việc tổ chức thi hành Bản án, Quyết định hành chính của Tòa án và việc quản lý công tác thi hành án hành chính hiện nay đã tương đối thống nhất và toàn diện.
2. Sơ lược về trình tự thủ tục thi hành án hành chính.
a. Đối tượng thi hành án hành chính
Đối tượng thi hành án hành chính đó là những bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành theo Điều 241 Luật Tố tụng hành chính bao gồm:
“1. Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
2. Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.
3. Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án.
4. Quyết định theo thủ tục đặc biệt của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 240 của Luật này.
5. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án mặc dù có khiếu nại, kiến nghị.”
b. Thủ tục thi hành án hành chính
Hiện nay thủ tục thi hành án hành chính có thể được khái quát thông qua các bước sau:
Bước một, cấp, gửi trích lục và giải thích bản án, quyết định của Tòa án. Cũng giống như đối với các bản án, quyết định dân sự, kinh tế, lao động … khác, Điều 166 Luật tố tụng hành chính quy định về việc cấp, gửi trích lục bản án hành chính của Tòa án cấp sơ thẩm, cụ thể:
“Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự được Tòa án cấp trích lục bản án; Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải cấp, gửi bản án cho các đương sự và Viện Kiểm sát cùng cấp; Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp, gửi bản án đã có hiệu lực pháp luật cho các đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện”
Bên cạnh đó, Điều 208 Luật Tố tụng hành chính quy định về gửi bản án, quyết định phúc thẩm như sau “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho các đương sự, Toà án và Viện kiểm sát đã giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện”.
Bước hai, thi hành và yêu cầu thi hành bản án quyết định hành chính.
- Thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Điều 243 quy định:
“1. Việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính quy định tại Điều 241 của Luật này được thực hiện như sau:
a) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án để thi hành;
c) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị hủy không còn hiệu lực. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc phải thực hiện bản án, quyết định của Tòa án;
d) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải đình chỉ thực hiện hành vi hành chính đó, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;
đ) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;
e) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri thì người phải thi hành án phải thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung đó khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án;
g) Trường hợp Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thi hành ngay khi nhận được quyết định;
h) Các quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
2. Người phải thi hành án phải thông báo bằng văn bản về kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó”
- Yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Điều 244 quy định:
“1. Trường hợp người phải thi hành án không thi hành án thì người được thi hành án có quyền yêu cầu người phải thi hành án thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 243 của Luật này.
2. Trường hợp hết 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc hết thời hạn thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án mà người phải thi hành án không thi hành án thì người được thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản đối với người phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 243 của Luật này.
3. Trường hợp người phải thi hành án không thi hành bản án, quyết định của Tòa án thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản quy định tại khoản 2 Điều này, người được thi hành án có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm đôn đốc việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Khi nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đôn đốc người phải thi hành án thi hành án và thông báo bằng văn bản với cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án để chỉ đạo việc thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát thi hành án.
4. Khi nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm mở sổ theo dõi, quản lý việc thi hành án của người được thi hành án. Người được thi hành án có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự bản sao bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan để chứng minh đã có đơn đề nghị hợp lệ nhưng người phải thi hành án cố tình không thi hành án.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản đôn đốc người phải thi hành án thực hiện việc thi hành án theo đúng nội dung của bản án, quyết định của Tòa án”
- Trách nhiệm thực hiện yêu cầu thi hành án, Điều 245 quy định:
“1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự về việc đôn đốc thi hành bản án, quyết định của Tòa án, người phải thi hành án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.
2. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này nhưng người phải thi hành án không thi hành án, không thông báo kết quả thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi cho cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp để theo dõi, giúp cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án chỉ đạo việc thi hành án.
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của cơ quan thi hành án quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án phải xem xét, chỉ đạo việc thi hành án theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan thi hành án biết”
Như vậy, khác với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây. Thủ tục thi hành án hành chính hiện nay đã được Luật tố tụng hành chính quy định tương đối rõ ràng. Trình tự các giai đoạn thi hành án hành chính, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan cũng được Luật nêu cụ thể giúp cho các chủ thể có trách nhiệm thi hành án thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình đảm bảo quyền và lợi ích cho người được thi hành án.
Bên cạnh đó, với trình tự, thủ tục luật định người được thi hành án có thể biết được tiến trình thi hành án đối với vụ việc của mình, kịp thời khiếu nại, kiến nghị với các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của họ. Đồng thời đây là một trong những cơ sở giúp cho các cơ quan nhà nước cấp trên kiểm tra việc thi hành án hành chính của cơ quan nhà nước cấp dưới trong việc thi hành án hoặc tổ chức thi hành án, kịp thời xử lý những sai phạm trong hoạt động thi hành án đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
3. Thực trạng tổ chức thi hành án hành chính tại TP.Hồ Chí Minh
a. Số liệu các bản án, quyết định hành chính của Tòa án trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Qua công tác tổng kết, đánh giá tình hình thi hành các bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án hành chính ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ năm 1996 đến ngày 30/6/2009 thì tổng số các bản án và quyết định hành chính trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là 1.244 bản án, quyết định, trong đó có 363 bản án, quyết định của Tòa án nhân dân thành phố (số vụ tạm đình chỉ và đình chỉ là 118 vụ, chiếm tỷ lệ 32,5%; số vụ chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện là 32 vụ, chiếm tỷ lệ 8,82%) và 881 bản án, quyết định của Tòa án nhân dân quận, huyện (số vụ tạm đình chỉ và đình chỉ là 423 vụ, chiếm tỷ lệ 48,01%; số vụ hủy quyết định hành chính là 128 vụ, chiếm tỷ lệ 14,53%).
Qua so sánh đối chiếu số liệu, nhận thấy số lượng bản án, quyết định hành chính tăng đều qua các năm. Đặc biệt, nổi lên số lượng bản án, quyết định hành chính tăng nhiều vào năm 2007.
Kết quả phân tích, thống kê các bản án, quyết định hành chính của Tòa án trên địa bàn Thành phố từ năm 1996 đến năm 2008 (do Tòa án nhân dân Thành phố và Tòa án nhân dân của 16/24 quận, huyện cung cấp) cho thấy bên bị kiện phần lớn là Ủy ban nhân dân các cấp, cụ thể:
- Ủy ban nhân dân thành phố: 282 vụ (chiếm 77,69% trong tổng số bản án, quyết định hành chính của Tòa án nhân dân thành phố).
- Ủy ban nhân dân quận, huyện: 260 vụ (chiếm 29,51% trong tổng số bản án, quyết định hành chính của Tòa án nhân dân quận, huyện), 106 vụ (chiếm 29,2% trong tổng số bản án, quyết định hành chính của Tòa án nhân dân thành phố).
- Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn: 9 vụ (chiếm 1,02% trong tổng số bản án, quyết định hành chính của Tòa án nhân dân quận, huyện), 15 vụ (chiếm 4,13% trong tổng số bản án, quyết định hành chính của Tòa án nhân dân thành phố).
Ngoài ra, người bị kiện chiếm số lượng tương đối lớn là cơ quan thuế, cụ thể:
- Cục Thuế thành phố: 11 vụ (chiếm 3,03% trong tổng số bản án, quyết định hành chính của Tòa án nhân dân thành phố).
- Chi cục Thuế quận, huyện: 18 vụ (chiếm 2,04% trong tổng số bản án, quyết định hành chính của Tòa án nhân dân quận, huyện).
Bên bị kiện còn có các cơ quan sau: Cục Hải quan, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Tư pháp, Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Văn hóa và thông tin, các Phòng công chứng, …
Từ tháng 7/2009 đến tháng 6/2013, theo số liệu do Văn phòng Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh cung cấp, tổng số các bản án và quyết định hành chính được ban hành trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là 710 bản án, quyết định, trong đó có 179 bản án, quyết định của Tòa án nhân dân thành phố và 531 bản án, quyết định của Tòa án nhân dân quận, huyện.
b. Tình hình tổ chức thi hành bản án, quyết định hành chính tại thành phố Hồ Chí Minh
Thời gian qua, cơ quan Thi hành án dân sự chủ yếu thụ lý thi hành các khoản thu án phí hành chính không có giá ngạch và các khoản sung công nộp ngân sách Nhà nước. Trình tự tổ chức thi hành án giống như các vụ việc thi hành án dân sự khác, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên thụ lý thi hành. Việc thi hành các bản án, quyết định hành chính diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả cao do phần lớn các khoản phải thi hành này có giá trị thấp nên người phải thi hành án chấp hành đầy đủ, đúng quy định.
Theo số liệu thống kê từ năm 2008 đến ngày 30/9/2014 của các cơ quan Thi hành án dân sự tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy số việc thi hành án hành chính không nhiều và tổng giá trị thi hành cũng không lớn (kể cả số việc và giá trị chưa có điều kiện thi hành). Quyết định thi hành án chủ động chiếm gần như hầu hết trong tổng số việc phải thi hành. Cụ thể:
* Về việc:
Tổng thụ lý từ năm 2008 đến 2014 là 1.448 việc
* Đối với công tác đôn đốc thi hành án hành chính:
Thi hành Luật Tố tụng hành chính, tính đến tháng 12/2014, các cơ quan Thi hành án dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý 33 đơn yêu cầu đôn đốc việc thi hành án hành chính, trên cơ sở đó, các cơ quan thi hành án dân sự đã có văn bản đôn đốc và thi hành xong 18 vụ việc.
4. Đặc điểm trong thi hành án Hành chính.
Đặc điểm của loại án hành chính là Tòa án xét xử quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, mà nguyên đơn là công dân (cá nhân, tổ chức), bị đơn là cơ quan nhà nước, hoặc cá nhân- đại diện cho Nhà nước ban hành quyết định hành chính.
- Nếu bản án, quyết định của Tòa án công nhận quyết định hành chính của cơ quan nhà nước là đúng pháp luật, thì việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa chính là việc tổ chức thi hành quyết định hành chính của cơ quan đã ban hành. Cơ quan ban hành quyết định hành chính là người tổ chức thi hành quyết định hành chính. Nếu người phải thi hành án không chấp hành, sẽ bị cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế thi hành để bảo đảm quyết định hành chính được thi hành - tức là bảo đảm bản án của Tòa án được thi hành; cá nhân cố tình không chấp hành bản án, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Nếu Tòa án tuyên huỷ một phần hoặc hủy toàn bộ quyết định hành chính, thì việc thi hành án là việc cơ quan nhà nước khôi phục lại các quyền lợi cho cá nhân, tổ chức mà quyết định hành chính đã huỷ bỏ, hoặc không thừa nhận. Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan ban hành quyết định hành chính là bị đơn trong vụ án, lại là cơ quan tổ chức thi hành bản án. Nói cách khác, cơ quan ban hành quyết định hành chính vừa là cơ quan tổ chức thi hành án vừa là cơ quan phải thi hành án. Còn cơ quan Thi hành án dân sự trong phạm vi thẩm quyền của mình chỉ có thể ra văn bản đôn đốc thi hành, mà không có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế như trong thủ tục thi hành án dân sự.
Trên đây là những đặc điểm quan trọng khác hẳn với việc thi hành các bản án dân sự, kinh tế, … với các bản án, quyết định dân sự, kinh tế, … thì người có trách nhiệm thi hành án là người phải thi hành án, nhưng việc tổ chức thi hành án, cưỡng chế thi hành án đều do cơ quan thi hành án dân sự tiến hành, nếu các bên đương sự không tự nguyện thi hành.
5. Khó khăn vướng mắc trong thực tiễn thi hành án Hành chính.
- Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì cơ quan ban hành quyết định hành chính vừa là cơ quan tổ chức thi hành án vừa là cơ quan phải thi hành án, nhưng thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý khi cơ quan này không chấp hành án dẫn đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa phần nào còn hạn chế, kém hiệu quả.
Trong năm 2014, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thụ lý 20 việc đôn đốc thi hành án hành chính. Đã giải quyết xong 11 việc còn lại 9 việc đang tổ chức thi hành.
Trong thực tế thì không phải lúc nào cơ quan ban hành quyết định hành chính cũng đồng ý với kết quả xét xử của Tòa án hành chính, cơ quan này luôn có xu hướng bảo vệ quyết định hành chính mà mình đã ban hành. Do đó, việc cơ quan hành chính không nghiêm chỉnh chấp hành bản án hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong trường hợp cơ quan ban hành quyết định hành chính không đồng ý thi hành bản án hành chính, hoặc cố tình trì hoãn việc thi hành bản án thì không có cơ quan nào tiến hành cưỡng chế việc thi hành bản án này được, mặt dù Luật Tố tụng dân sự đã quy định:
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hiện tại rất khó xác định được cụ thể cá nhân nào trong cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm thi hành bản án hành chính. Do vậy, việc xử lý cơ quan hành chính không thi hành, trì hoãn việc thi hành án trên thực tế mới chỉ dừng lại ở mức độ: “Hết thời hạn quy định nhưng người phải thi hành án không thi hành án, không thông báo kết quả thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi cho cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp để theo dõi, giúp cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án chỉ đạo việc thi hành án”. Trong khi đó, với người dân, nếu là bên phải thi hành án, thì người thi hành là cơ quan hành chính Nhà nước sẽ tiến hành cưỡng chế, xử lý ngay. Như vậy, có thể thấy trong thực tế vẫn có sự bất bình đẳng giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân trong mối quan hệ pháp luật hành chính. Mặc dù về mặt lý luận và các quy định pháp luật vẫn thể hiện sự bình đẳng.
- Cơ quan thi hành án dân sự còn lệ thuộc địa phương về mặt tổ chức, nhân sự, nên phần nào hạn chế, khó khăn trong công tác tổ chức thi hành án hành chính.
Luật Tố tụng hành chính có những quy định rất tiến bộ khi mở rộng cửa khởi kiện cho người dân, hướng tới sự bình đẳng giữa các bên trong tố tụng. Tuy nhiên, liên quan đến công tác thi hành án, một số quy định của luật đã bộc lộ những bất cập, chưa góp phần tích cực giúp người thắng kiện đòi lại được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, thể hiện ở mặt sau:
Luật tố tụng hành chính quy định cho cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương mà tòa sơ thẩm đã xét xử có quyền đôn đốc cơ quan, người có thẩm quyền phải thi hành án. Tuy nhiên, tính hiệu quả của việc đôn đốc này trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi vì cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong rất nhiều trường hợp là cấp dưới của cơ quan - người phải thi hành án. Do vậy, suy cho cùng thì cơ quan THA dân sự địa phương cũng chỉ có trách nhiệm gửi văn bản đôn đốc chứ không có quyền lực “nặng ký” nào như cưỡng chế buộc bên phải thi hành bản án của tòa cả. Nói cách khác, văn bản của một cơ quan nhỏ đôn đốc một cơ quan lớn hơn thì hiệu lực thực tế của việc đôn đốc này rất thấp, thậm chí không có tác dụng nếu như cơ quan phải thi hành án cố tình kéo dài, trì hoãn việc thi hành án.
Tại Điều 245 có quy định khi người phải thi hành án không thi hành, không thông báo kết quả thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật… Trên thực tế, chưa có cơ quan thi hành án nào đề nghị Ủy ban nhân dân cấp trên xử lý trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp dưới. Nguyên nhân của thực trạng này là vì chính bản thân cơ quan thi hành án dân sự ở một mức độ nào đó còn phải lệ thuộc chính quyền địa phương về mặt tổ chức, nhân sự và trong một số trường hợp còn lệ thuộc cả về vấn đề tài chính và cơ sở vật chất. Do vậy, việc tạo áp lực buộc các cơ quan, ban ngành và Ủy ban nhân dân cùng cấp phải thi hành bản án, quyết định hành chính, dù sao đi nữa vẫn là một vấn đề hết sức tế nhị.
- Hạn chế trong hoạt động kiểm sát việc thi hành các bản án, quyết định hành chính.
Hoạt động kiểm sát việc thi hành các bản án, quyết định hành chính là một trong những công tác để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính. So với quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây thì Luật tố tụng hành chính đã chính thức ghi nhận việc kiểm sát thi hành án hành chính. Tuy nhiên quy định còn chưa cụ thể, gây khó khăn cho Viện kiểm sát trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Do vậy, công tác kiểm sát hoạt động thi hành án hành chính hiện nay vẫn chưa phát huy hết hiệu quả.
- Bất cập khi xử lý vi phạm trong hoạt động thi hành án hành chính
Theo quy định của Luật tố tụng hành chính có ba nhóm biện pháp chế tài có thể áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án: xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự. Những quy định này rất hợp, tùy tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, tùy đối tượng vi phạm mà áp dụng biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó hàng loạt các văn bản pháp luật khác như Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tổ chức Hội đồng dân dân và Ủy ban nhân dân có quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nhà nước, cấp phó của người đứng đầu và của những người có nhiệm vụ quyền hạn khác khi vi phạm pháp luật, không làm tròn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thế nhưng có rất ít cơ quan, người có thẩm quyền nào áp dụng các quy định pháp luật đó để xử cơ quan, cá nhân người vi phạm về thi hành án.
Thực tế ít có người bị xử lý hình sự về tội không chấp hành, cản trở việc thi hành án dù có hành vi chống đối quyết liệt, kéo dài, nghiêm trọng, hiếm có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật vì không thi hành án hoặc không tổ chức thi hành án.
Theo chúng tôi dẫn đến tình trạng trên là vì hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc xử lý vi phạm này như thế nào gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
Ví dụ như khi cần xử phạt hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính nhưng thẩm quyền xử phạt là cơ quan nào, thủ tục ra sao thì vẫn chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể.
Khác với thi hành án dân sự khi quy trách nhiệm thi hành án về một đầu mối là cơ quan thi hành án dân sự thì việc xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự đơn giản hơn rất nhiều còn trong thi hành án hành chính, người đứng đầu cơ quan nhà nước không thi hành án có bị xử phạt không? Hoặc Luật tố tụng hành chính quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sai phạm trong thi hành án hành chính, nhưng hiện nay luật chưa xác định rõ trong trường hợp nào là trách nhiệm của người đứng đầu, trong trường hợp nào trách nhiệm cá nhân trong hoạt động thi hành án, do vậy, rất khó xử lý được.
6. Kiến nghị.
Từ những bất cập, hạn chế như đã nêu trên, theo chúng tôi Pháp luật về thi hành án hành chính cần sửa đổi, bổ sung theo hướng:
- Quy định cụ thể về trách nhiệm thi hành bản án, quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, cần cụ thể hóa những trường hợp thuộc trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu và trường hợp thuộc về trách nhiệm của tập thể cơ quan phải thi hành án.
- Theo quy định của pháp luật, nếu tổ chức, cá nhân không chấp hành bản án có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước pháp luật dù là cá nhân hay tổ chức, pháp nhân đều bình đẳng. Nếu xét về lý, nếu bên phải thi hành án là tổ chức, chính quyền thì càng phải gương mẫu, chấp hành pháp luật. Ngày 25/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc triển khai công tác thi hành án hành chính. Chỉ thị nêu rõ:
"Thực tiễn thi hành Luật thời gian qua cho thấy, công tác thi hành án hành chính chưa được triển khai đầy đủ, vẫn còn tình trạng nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành nghiêm túc. Nguyên nhân chính là do tính chất phức tạp của công tác thi hành án hành chính; nhận thức về công tác thi hành án hành chính của các cấp, các ngành còn hạn chế; tại một số địa phương, các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác này...”. Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, yêu cầu quy rõ trách nhiệm để xử lý. Do vậy, cần nghiên cứu, quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế, biện pháp cưỡng chế thi hành bản án hành chính trong trường hợp cơ quan ban hành quyết định hành chính bị thua kiện nhưng cố tình trì hoãn, không chấp hành bản án để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo đảm bản án được thi hành, nhất là bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân với cơ quan Nhà nước trong mối quan hệ pháp luật tố tụng hành chính.
- Do hoạt động thi hành án hành chính có những đặc thù riêng, vì vậy trong công tác kiểm sát cũng cần có những quy định mang tính đặc thù, phù hợp với thi hành án hành chính. Cần có những quy định pháp luật rõ ràng hơn về công tác kiểm sát trong lĩnh vục thi hành án hành chính, để đảm bảo được hiệu quả của hoạt động kiểm sát trong lĩnh vực thi hành án nói chung và trong hoạt động thi hành án hành chính nói riêng, nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân trong hoạt động thi hành án hành chính.
- Xử lý vi phạm trong lĩnh vực tư pháp nói chung, trong hoạt động thi hành án hành chính nói riêng là một trong những chế định quan trọng của pháp luật nhằm đấu tranh phòng và chống các vi phạm pháp luật, đảm bảo nguyên tắc pháp chế, góp phần đưa các bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án được thực thi trên thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực thi hành án dân sự cũng như thi hành án hành chính còn không ít khó khăn, hạn chế, do đó, cần có thêm những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về cơ chế xử lý vi phạm trong thi hành án nói chung và thi hành án hành chính nói riêng, góp phần nâng cao tính khả thi của các quy định pháp luật.
Hồ Quân Chính – Cục THADS Tp.HCM