Công tác vận động, thuyết phục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả công tác thi hành án dân sự

30/01/2015
Thi hành án dân sự là quá trình tổ chức thi hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; khi người phải thi hành án không tự nguyện thì cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rằng việc kiên trì vận động, thuyết phục trong nhiều vụ việc là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả thi hành án dân sự, hạn chế chi phí cưỡng chế; ngăn ngừa việc khiếu nại và ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương, nhất là đối với những vụ việc lớn, phức tạp. Để công tác vận động, thuyết phục đạt hiệu quả, đòi hỏi chấp hành viên phải có kinh nghiệm, vận dụng đúng pháp luật; nắm rõ các tình tiết, diễn biến vụ việc, tâm lý của các bên đương sự và phát huy sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, công tác vận động, thuyết phục luôn được chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự coi trọng và đã giải quyết thành công nhiều vụ việc. Điển hình gần đây nhất là việc thi hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 23/2012/QĐST-KDTM ngày 11/6/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, theo đó tại thời điểm tháng 5/2012, Công ty cổ phần dệt may xuất khẩu Hải Phòng (Công ty Dệt may Hải Phòng) phải trả cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Ngân hàng) số tiền là 41.601.069.453 đồng và các khoản lãi phát sinh.

Nhận thấy đây là vụ việc có số tiền phải thi hành lớn, có thể phát sinh nhiều khó khăn, phức tạp, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định thi hành án số 78/QĐ-CTHA ngày 10/12/2012 và giao cho Chấp hành viên Ngô Văn Hòa tổ chức thi hành. Quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên đã tiến hành đầy đủ các trình tự, thủ tục thi hành án và kiên trì vận động, thuyết phục nhưng đại diện của Công ty Dệt may Hải Phòng không hợp tác, trốn tránh việc thi hành án và ủy quyền cho Luật sư khiếu nại, kiến nghị nhằm kéo dài vụ việc.

Sau nhiều lần vận động, thuyết phục không có kết quả, Chấp hành viên đã tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Dệt may Hải Phòng gồm: Toàn bộ hệ thống nhà điều hành, nhà xưởng, các vật kiến trúc được xây dựng trên diện tích 19.945m2 đất thuê và quyền sử dụng đất thuê tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 048954, vào sổ cấp giấy chứng nhận số 00699 QSDĐ/số 3093TP/2003 do UBND thành phố Hải Phòng cấp ngày 26/11/2003 cho Công ty Dệt may Hải Phòng; đồng thời giao cho Công ty Dệt may Hải Phòng có trách nhiệm trông coi, bảo quản tài sản đã kê biên chờ xử lý của cơ quan Thi hành án dân sự.

 

Sau khi kê biên tài sản, chấp hành viên đã tiến hành các trình tự, thủ tục để bán đấu giá theo quy định. Qua 04 lần bán đấu giá tài sản, 03 lần giảm giá tài sản nhưng không có người tham gia đấu giá, chấp hành viên đã thuyết phục được Ngân hàng nhận tài sản đã kê biên để đối trừ nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ.

Để đảm bảo việc giao tài sản theo đúng quy định pháp luật, chấp hành viên tiếp tục kiên trì thông báo, nhiều lần thuyết phục đại diện của Công ty Dệt may Hải Phòng tự nguyện giao tài sản nhưng vẫn không có kết quả cho dù trước đó đã cam kết giao tài sản. Căn cứ các quy định pháp luật, chấp hành viên đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, chính quyền địa phương lập kế hoạch cưỡng chế chi tiết, thận trọng để bảo đảm cho việc tổ chức giao tài sản. Mặc dù kế hoạch cưỡng chế được Công an thành phố Hải Phòng, Công an quận Dương Kinh, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và chính quyền địa phương ủng hộ, quyết tâm thực hiện, nhưng bằng kinh nghiệm của mình và mong muốn việc giao tài sản không ảnh hưởng đến trật tự an ninh tại địa phương, đặc biệt là vào thời điểm chuẩn bị đón Xuân Ất Mùi 2015, chấp hành viên tiếp tục tổ chức buổi làm việc vào sáng ngày 28/01/2015 để thuyết phục, giải thích cho đại diện của Công ty Dệt may Hải Phòng về những thiệt hại, hậu quả của việc phải tổ chức cưỡng chế và trách nhiệm pháp lý đối với hành vi không chấp hành án, cản trở việc thi hành án. Trên cơ sở thuyết phục có lý, có tình với tinh thần tôn trọng pháp luật, buổi làm việc đã đưa lại thành công: Đại diện Công ty Dệt may Hải Phòng tự nguyện bàn giao tài sản đã kê biên để thi hành án.

Vào hồi 15 giờ 30 phút ngày 28/01/2015, trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng đã hoàn tất việc giao tài sản cho Ngân hàng mà không phải thực hiện kế hoạch cưỡng chế, góp phần vào việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức trong đời sống xã hội.

Phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo,

Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng