Tại Hội nghị các đại biểu đã nghe đồng chí Phạm Văn Lãnh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh – Phó trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh báo cáo tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự năm 2014, triển khai Chương trình công tác năm 2015. Theo đó, trong năm 2014, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, tổ chức Nhà nước là đối tượng phải thi hành án nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thi hành án; chỉ đạo Sở Lao động thương binh & xã hội phối hợp với Cục Thi hành án dân sự ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khấu trừ tiền của người phải thi hành án là đối tượng hưởng chế độ thương binh, người hưởng chế độ chính sách như thương binh; thường xuyên tổ chức các cuộc họp để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vụ việc còn khó khăn, vướng mắc,... Nhờ vậy, kết quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Tổng cục Thi hành án dân sự giao, cụ thể:
Tổng số phải thi hành của toàn tỉnh 3.281 việc (trong đó số việc có điều kiện thi hành 2.779 việc; số việc chưa có điều kiện thi hành 502 việc). Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 2.583 việc, đạt tỷ lệ 92,95%, vượt 0,95% so với chỉ tiêu được giao. Tổng số tiền phải thi hành 139.803.286.000 đồng (trong đó số tiền có điều kiện thi hành 80.371.111.000 đồng; số tiền chưa có điều kiện thi hành 59.432.175.000 đồng). Trong số tiền có điều kiện thi hành đã thi hành xong 65.890.764.000 đồng, đạt tỷ lệ 81,98%, vượt 0,98% so với chỉ tiêu được giao. Giảm số việc chuyển kỳ sau đạt 11% (vượt 1% so với chỉ tiêu được giao). Công tác chỉ đạo, điều hành đã đi vào nề nếp, sâu sát, quyết liệt hơn; tổ chức, bộ máy tiếp tục được củng cố, kiện toàn; công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm, kỷ cương, kỷ luật được tăng cường. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai có hiệu quả, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên. Công tác kiểm tra có sự chuyển biến tích cực; chất lượng công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ được nâng lên…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản thì trong năm 2014 vẫn còn xảy ra tình trạng một số vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; công tác chỉ đạo phối hợp tổ chức thi hành án dân sự, hỗ trợ thi hành án của Ban chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh đối với một số cơ quan, sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện còn hạn chế. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu…
Bàn về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2015, hầu hết các đại biểu đều nhất trí cho rằng các cơ quan, đơn vị thành viên Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cần tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự; cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực được giao; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án dân sự theo lĩnh vực, địa bàn được phân công; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về việc chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao công tác thi hành án dân sự; tăng cường kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án theo hướng sâu, rộng với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân – Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của cơ quan Thi hành án dân sự và các thành viên Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự trong thời gian qua, đồng thời, đồng chí cũng yêu cầu thời gian tới Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đối tượng phải thi hành án dân sự; tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện gắn với công tác đôn đốc, kiểm tra; đề cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng theo từng lĩnh vực phụ trách; thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về việc chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự,...
Triển khai các đợt thi hành án tập trung gắn với việc tổ chức cưỡng chế thi hành án các vụ có tài sản lớn; giải quyết dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành, không để tồn đọng kéo dài, nhất là những vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng,… Cục Thi hành án dân sự làm tốt công tác tham mưu, đồng thời có kế hoạch thi hành án cụ thể, sát tình hình thực tế. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thi hành án, qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, góp phần thiết thực vào việc giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Quang Thành – Cục THADS Quảng Bình