Hà Nội tập trung thi hành các vụ án lớn, phức tạp

17/03/2015
Phát biểu tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành pố Hà Nội hôm qua 12/3, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự Lê Hồng Sơn yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự rà soát và lập danh mục các vụ án phức tạp, chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo có biện pháp giải quyết, đồng thời tăng cường công tác thuyết phục vận động để hạn chế các vụ việc phải cưỡng chế thi hành.

Tiếp tục kiện toàn các Ban Chỉ đạo

Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội năm 2014, Cục trưởng Thi hành án dân sự, Phó Ban chỉ đạo Lê Quang Tiến cho biết, hiện nay, toàn thành phố có 30 Ban chỉ đạo Thi hành án ở cấp huyện và 1 Ban Chỉ đạo cấp thành phố. Ngoài các hoạt động thường niên, năm qua Ban chỉ đạo đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án cùng cấp. Vì vậy nhiều vụ việc thi hành án khó khăn, tồn đọng kéo dài trên địa bàn đã được thi hành dứt điểm.

Ban Chỉ đạo Thi hành án cũng chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự phối hợp chặt chẽ với các trại giam, trại tạm giam tuyên truyền vận động người thi hành án đang chấp hành hình phạt tù và thân nhân của họ chấp hành nghĩa vụ thi hành án dân sự. Ban chỉ đạo đã làm tốt việc phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các Sở, Ban, Ngành thành phố và chính quyền các cấp trong việc giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự,.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Thi hành án thành phố, năm 2014 Thi hành án dân sự Hà Nội đã giải quyết xong trên 25 ngàn việc, đạt tỷ lệ hơn 91%; giải quyết số tiền gần 4666.802.169.000 đồng, đạt tỷ lệ 90%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại, đến nay Hà Nội đã có 08 Văn phòng Thừa phát lại, bước đầu hoạt động được người dân đón nhận.

Để hoạt động của Ban chỉ đạo hiệu quả hơn trong năm 2015, Cục trưởng Lê Quang Tiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm hướng dẫn Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự theo hướng quy định chặt chẽ, đầy đủ, minh bạch hơn về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thi hành án hiện nay; đề nghị Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân chỉ đạo các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện, thị xã quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ quan Thi hành án….cũng như tăng cường công tác phối hợp.

 

Cưỡng chế là giải pháp cuối cùng

Hoạt động của Ban Chỉ đạo thành phố trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, song theo Phó Giám đốc Công an Hà Nội Đinh Văn Toản thì vẫn còn những hạn chế như một số vụ án tồn đọng lâu ngày chưa được giải quyết, một số bản án tuyên chưa đúng thực tế, công tác vận động, thuyết phục nhiều lúc chưa được nhuần nhuyễn…từ đó, Phó Giám đốc Công an đề nghị: Tòa án (đặc biệt là cấp phúc thẩm của Tòa án tối cao) phải xác minh kỹ để đảm bảo ban hành các bản án đúng pháp luật, rõ ràng, khách quan, tạo thuận lợi cho thi hành án khi thi hành. Trong giải quyết đơn thư cần tránh tình trạng người dân phải chờ đợi quá lâu dẫn đến khiếu kiện.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Sơn đặc biệt lưu ý kết quả thi hành án dân sự của Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ của toàn hệ thống thi hành án trên cả nước. Do vậy thời gian tới, Hà Nội cần phát huy những kết quả đạt được; tập trung cho việc thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sẽ có hiệu lực từ 1/7/2015); phấn đấu thi hành đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; trong đó tập trung thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng. Phó Tổng cục trưởng cũng đề nghị lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao công tác thi hành án dân sự; Tổng cục sẽ giúp Bộ trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn luật để việc triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự thực sự hiệu quả.

Ghi nhận những đóng góp của công tác thi hành án dân sự trong sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự Lê Hồng Sơn cũng chỉ ra những tồn tại của công tác này cũng như hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án các cấp. Phó Chủ tịch yêu cầu năm 2015 Hà Nội phải khắc phục tình trạng án tồn đọng, tăng cường kỷ luật công vụ; rà soát và lập danh mục các vụ án phức tạp, chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo có biện pháp giải quyết, đồng thời tăng cường công tác thuyết phục vận động để hạn chế các vụ án phải cưỡng chế thi hành. “Chấp hành viên, cán bộ thi hành án phải là người nhạy cảm, linh hoạt để giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu và tự nguyện chấp hành, cưỡng chế chỉ là giải pháp cuối cùng”.

Thu Hằng