Nâng cao hiệu quả công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật – Giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong tình hình mới.

15/04/2015
Công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính đã, đang và sẽ là vấn đề được rất nhiều nhà lãnh đạo từ cấp Trung ương đến địa phương hết sức quan tâm, bởi đây là nền tảng cơ bản, là điều kiện thúc đẩy vô cùng quan trọng để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị cũng như hiệu lực quản lý vi mô và vĩ mô của các cấp lãnh đạo, bên cạnh đó kỷ cương, kỷ luật hành chính còn là công cụ quản lý, điều hành vừa giúp thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ ở cơ sở vừa giữ vững chế độ thủ trưởng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác của ngành Thi hành án dân sự trước những yêu cầu của tình hình nhiệm vụ trong thời kỳ mới – thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.


Những năm gần đây, Bộ Tư pháp, Tổng Cục Thi hành án dân sự đã triển khai rất nhiều các biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính. Có thể thấy cùng với những giải pháp quản lý điều hành hữu hiệu khác thì việc quyết liệt triển khai chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật hành chính đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, người lao động ngành Thi hành án dân sự, góp phần tạo nên sức mạnh tập thể to lớn, khả năng làm việc chuyên nghiệp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận xuất phát từ ý thức, thái độ, tác phong nghiêm chỉnh, chuẩn mực của mỗi người, nhờ đó ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng tầm vị thế của ngành Thi hành án dân sự trong thời kỳ cả nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, bước nhanh, bước mạnh, bước vững chắc vào quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những biến chuyển trong hoạt động công vụ, công chức đã góp phần làm thay đổi diện mạo nền hành chính nhà nước nói chung và ngành Thi hành án dân sự nói riêng, đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động ngành Thi hành án dân sự đã từng bước được xây dựng, hoàn thiện và nâng cao về chất lượng, lớn mạnh về lực lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước và yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không ít cán bộ, công chức trong ngành Thi hành án dân sự làm việc còn thiếu tích cực, thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật lao động, còn sao nhãng với công việc, ít đầu tư công sức, tâm huyết cho nhiệm vụ được giao; chưa chuyên tâm để nâng cao kỹ năng làm việc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; khi tiếp xúc với đối tượng có lúc, có nơi còn chưa tốt; vẫn còn vài trường hợp chưa chấp hành nghiêm túc quy chế làm việc nơi công sở, thiếu trách nhiệm trong xử lý công việc, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác. Chính vì vậy, việc thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, triệt để, thường xuyên công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự đóng vai trò vô cùng quan trọng và trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật ngày càng đi vào nền nếp, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ được giao, các cơ quan Thi hành án dân sự cần triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp cụ thể thể như sau:

Một là, tiếp tục tăng cường phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện sâu rộng nội dung các văn bản liên quan đến việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan Thi hành án dân sự bao gồm: Chỉ thị số 01/CT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự; Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020; Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 25/3/2013 của Bộ Tư pháp về việc cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp không uống rượu, bia trong ngày làm việc; Công văn số 356/TCTHADS-TCCB ngày 13/2/2014 triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/2/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương; Công văn số 1026/TCTHADS-VP ngày 16/4/2014 của Tổng Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với các cán bộ, công chức Thi hành án dân sự; Và các Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của CBCC, viên chức ngành Tư pháp; Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên tới toàn thể CBCC, người lao động trong toàn đơn vị thông qua các văn bản chỉ đạo, các cuộc họp giao ban, các buổi sinh hoạt chính trị, các buổi sinh hoạt chấp hành viên… để những nội dung này dần dần được khắc sâu vào tâm trí, suy nghĩ, hành động của từng cán bộ, công chức, người lao động. Bên cạnh đó, cần thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức các lớp học bồi dưỡng, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, các cuộc thi viết tìm hiểu,…. ;

Hai là, gắn liền công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị Thi hành án dân sự với phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Trên cơ sở phát triển từng chuyên đề, từng nội dung trọng tâm tùy theo từng thời điểm cụ thể, phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị đối với nội dung này, tổ chức cho các cán bộ, công chức ký cam kết cụ thể và quyết tâm thực hiện với nỗ lực và ý chí phấn đấu cao nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng về tinh thần và tính tự giác, gương mẫu trong việc chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật mà tất cả cán bộ, công chức, người lao động cần noi theo, do đó gắn liền việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ mang lại kết quả thiết thực, rõ nét.

Ba là, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị đối với việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính: mà cụ thể là Lãnh đạo Cục, Chi cục trưởng, Trưởng phòng Chuyên môn trong việc thực hiện nghiêm túc việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó để có thể làm gương và khích lệ tinh thần tự giác chấp hành của các cán bộ, công chức, người lao động. Đồng thời thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm của các cá nhân trong đơn vị và phải kiểm điểm, không được xét thi đua, khen thưởng nếu để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị vi phạm pháp luật.

 Bốn là, đưa chỉ tiêu chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị trở thành một chỉ tiêu cơ bản, quan trọng để bình xét thi đua khen thưởng, đánh giá đảng viên cuối năm bên cạnh các chỉ tiêu khác để khích lệ tinh thần tự giác chấp hành, thực hiện của cán bộ, công chức, người lao động, đây chính là điều kiện thúc đẩy rất quan trọng để các cán bộ, công chức, người lao động nỗ lực, quyết tâm tốt hơn nữa để thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao và nâng cao năng lực, tính tự giác chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính tại cơ quan đơn vị. Cần có hình thức tuyên dương, khen thưởng cũng như khiển trách, kỷ luật, xử phạt nghiêm minh để phát huy khả năng chấp hành kỷ cương, kỷ luật một cách tốt nhất, mang lại hiệu quả cao nhất;

Năm là, triển khai thực hiện tốt các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc tại cơ quan, đơn vị: Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, người lao động, đảng viên, tăng cường giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng và phát huy vai trò của văn hóa công sở nhằm hình thành thói quen, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, người lao động; Từng cá nhân phải xác định nhiệm vụ của mình, thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, phấn đấu khắc phục những tồn tại, sửa chữa những khuyết điểm, làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao trên cơ sở bản giao ước cụ thể đã được ký kết ngay từ đầu năm; Trưởng các Phòng Chuyên môn, các Chi cục trưởng cần xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao đồng thời phải thực sự gương mẫu để các cán bộ, công chức, người lao động noi theo; Cần bảo đảm trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc phù hợp với tính chất, đặc thù công việc; Thường xuyên kiểm tra chất lượng, tiến độ hoàn thành nhiệm vụ được giảo của từng cán bộ, công chức, người lao động; Trong sinh hoạt định kỳ của Chi bộ, Phòng chuyên môn, Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện cần thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế và đề ra hướng khắc phục hiệu quả theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, người lao động không chỉ đơn thuần là quản lý hành chính về mặt thời gian mà cần gắn công tác này với nâng cao chất lượng công việc, rèn luyện ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị; Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, người lao động khách quan, sát đúng nhằm động viên, khuyến khích, đề nghị xét khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức làm việc có năng suất, hiệu quả cao. Đồng thời kiên quyết hạ bậc thi đua cũng như đề nghị xử lý kỷ luật dối với những cán bộ, công chức, người lao động thường xuyên vi phạm kỷ luật, kỷ cương của cương, làm việc kém hiệu quả để phát huy tác dụng răn đe kịp thời, mang lại hiệu quả tác động cao nhất.

Sáu là, cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan Thi hành án dân sự từ những việc làm cụ thể nhất: Quán triệt cụ thể, rõ ràng và xử lý nghiêm minh tình trạng uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; nghiêm ấm hút thuốc lá trong phòng làm việc làm ảnh hưởng đến môi trường, hiệu quả, chất lượng công tác, uy tín của cơ quan, đơn vị cũng như của cán bộ, công chức; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tạo điều kiện để cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của cán bộ, công chức, người lao động trong việc tổ chức thi hành án dân sự và trong mọi mặt của đời sống xã hội; giữ gìn vệ sinh môi trường khuôn viên cơ quan xanh, sạch, đẹp tạo nên không gian làm việc thoáng đãng, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc cũng như tạo nên bộ mặt cho cơ quan, đơn vị; Chấp hành nghiêm túc quy định mặc trang phục Ngành Thi hành án dân sự, đeo bảng tên, cấp hàm đầy đủ trong giờ làm việc; luôn để điện thoại chế độ im lặng hoặc chế độ rung trong giờ làm việc, đặc biệt là khi tham gia hội họp, sinh hoạt chuyên đề; không nói chuyện, trao đổi riêng tại các buổi hội nghị, họp cơ quan để tạo nên không khí nghiêm túc; không tiếp đương sự tại phòng làm việc mà phải thực hiện hoạt động này tại Phòng tiếp dân của cơ quan;…. Chính từ những việc làm nhỏ nhất này dần dần sẽ tạo nên thói quen tốt về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan, đơn vị một cách hiệu quả nhất, cơ bản nhất;

Bảy là, việc triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan Thi hành án dân sự dù đó là giải pháp nào cũng nên thực hiện theo một quy trình cụ thể với các bước cơ bản như sau:

- Bước 1: Nắm bắt rõ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, chú trọng đến những vấn đề cần chấn chỉnh, cần thay đổi;

- Bước 2: Đề ra hệ thống các giải pháp phù hợp, thiết thực để thực hiện tốt việc nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính tại cơ quan, đơn vị;

- Bước 3: Triển khai thực hiện có hiệu quả, thường xuyên, liên tục, đồng bộ hệ thống các giải pháp đã đề ra, có thể có sự thay đổi một cách linh động sao cho phù hợp nhất, mang lại kết quả cao nhất;

- Bước 4: Đánh giá, rút kinh nghiệm, có hình thức khen thưởng, xử phạt nghiêm minh;

- Bước 5: Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, tiếp tục đề ra những cách làm hay, những giải pháp tối ưu để phát huy tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, để công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, triệt để hơn nữa đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng Cục Thi hành án dân sự: tiếp tục ban hành các văn bản với các chế định khen thưởng, xử phạt nghiêm minh, công bằng, hợp lý đối với việc thực hiện các quy định về kỷ cương, kỷ luật hành chính để công tác này thật sự trở thành công tác trọng tâm của mỗi cơ quan, đơn vị; cấp thêm kinh phí để đảm bảo cho cán bộ, công chức, người lao động có trang thiết bị, phương tiện làm việc tốt; các đơn vị duy trì có hiệu quả hoạt động của trang thông tin điện tử của đơn vị; nghiên cứu ứng dụng các phần mềm quản lý, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, các cuộc thi tiềm hiểu về nội dung chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan Thi hành án dân sự; thường xuyên chỉnh trang môi trường trong khuôn viên trụ sở cơ quan đảm bảo xanh – sạch – đẹp; đồng thời tổ chức các lớp học bồi dưỡng về công tác quản lý, chú trọng đến nội dung phát huy hiệu quả công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan Thi hành án dân sự bằng những giải pháp, những cách làm hay thật sự phát huy hiệu quả. Đồng thời, có thể tổ chức thêm các hội nghị trực tuyến để các đơn vị có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về cách thức thực hiện việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị sao cho hiệu quả và phát triển bền vững nhất.

Chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính không nằm ngoài mục đích củng cố rèn luyện đạo đức, giáo dục thái độ làm việc tự giác và khuyến khích sự chủ động sáng tạo của cán bộ, công chức, người lao động theo hướng làm việc đúng đắn, đúng kỷ luật kỷ cương hành chính, cũng là căn cứ cụ thể để mỗi cán bộ, công chức, người lao động tự rèn luyện để trở thành người công dân của xã hội hiện đại, có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Đây cũng là cơ sở để họ đấu tranh với những hạn chế, khuyết điểm của bản thân để ngày một hoàn thiện mình hơn, đấu tranh với những tiêu cực của tập thể, của các cá nhân khác với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc, cũng là thước đo, là mục tiêu, là động lực phấn đấu để mỗi người không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức lối sống. Chính vì vậy có thể khẳng định chắc chắn rằng việc nâng cao hiệu quả công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật chính là giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự trong tình hình mới mà các cơ quan Thi hành án dân sự cần ý thức rõ và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để ngày càng nâng cao vị thế của đơn vị mình, góp phần hoàn thành tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Hạnh Nguyên