Những giải pháp bền vững cho công tác thi hành án dân sự tại huyện miền núi cao Tương Dương, Nghệ An

29/06/2015
Tương Dương là huyện miền núi vùng cao phía tây tỉnh Nghệ An, với diện tích tự nhiên 281.129,37 ha (chiếm 17% diện tích toàn tỉnh Nghệ An, gần gấp đôi diện tích cả tỉnh Thái Bình), trong đó diện tích đất nông nghiệp chỉ có 901,09 ha (chiếm 0,32% diện tích tự nhiên); địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, có 03 xã chưa có điện thắp sáng, đường bộ chưa vào đến nơi, từ trung tâm xã đến trung tâm huyện cách hàng trăm km. Tương Dương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thuộc huyện nghèo, trình độ dân trí còn thấp và là địa bàn trọng điểm về ma túy, người nghiện nhiều, đối tượng phạm pháp hình sự về ma túy lớn.

Số việc phải thi hành án dân sự tuy không lớn, bình quân mỗi năm phải thi hành 470 việc nhưng chủ yếu là án hình sự, trong đó đa số là tội danh ma túy, số lượng phải thi hành án phí và tiền phạt lớn. Theo thống kê của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tương Dương, bình quân có trên 70% số việc trên tổng số thụ lý là án hình sự, trong số đó có gần 60% tội danh ma túy.

Công tác thi hành án dân sự trong một thời gian dài chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền cấp cơ sở, trong khi đó quy định của pháp luật chưa thực sự có sự ràng buộc trách nhiệm. Mọi khó khăn đổ dồn lên đầu chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án trong khi áp lực về chỉ tiêu cấp trên giao cho rất cao. Chi phí cơ quan thi hành án dân sự chi ra cho việc tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án rất lớn và mất nhiều thời gian mà kết quả đạt được không cao. Kinh phí chi ra so với kết quả thu về được ví như “đốt bó đuốc to để tìm một que diêm vậy”.

Giải pháp nào để tạo được hiệu quả có tính bền vững và lâu dài, đỡ tốn công sức cho cán bộ, chấp hành viên và đỡ tốn chi phí của nhà nước là nỗi trăn trở của tập thể lãnh đạo cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện. Công tác rà soát các việc phải thi hành án được thực hiện nhằm tìm ra những khó khăn chủ yếu nhất để đề ra các giải pháp cơ bản. Những điều kiện về tự nhiên, phong tục tập quán như: mùa nào là mùa mưa, mùa nào là mùa làm nương rẫy của bà con… tất cả đều được tính đến. Rồi công tác phối hợp chưa tốt là do ai, do từ nội tại cơ quan thi hành án hay do chính quyền địa phương đều được đánh giá một cách khách quan. Tranh thủ và tạo không khí cởi mở, dân chủ cho cán bộ, công chức trong cơ quan góp ý thẳng thắn; tập thể lãnh đạo cơ quan thống nhất cần phải lấy ý kiến của các cơ quan, ban ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn. Với quyết tâm không mệt mỏi, với sự tham mưu tích cực từ phía cơ quan thi hành án dân sự huyện, lãnh đạo UBND huyện đồng ý tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng công tác trên địa bàn huyện. Những nguyên nhân đã được tìm thấy, vậy giải pháp nào, hay “liều thuốc” nào để nhằm nâng cao hiệu quả công tác trên địa bàn huyện một cách bền vững, ổn định mang tính lâu dài nhất đã dần được tìm ra.

Với đặc thù địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, án ma túy lớn, đa số là việc không có điều kiện thi hành án thì việc tập trung “dàn hàng ngang” để thi hành như các địa bàn miền xuôi là không thể có hiệu quả cao và chi phí không đủ để trang trải. Vì các trường hợp người phải thi hành án liên quan đến tội danh ma túy thường phải chấp hành hình phạt tù lâu năm, số ở nhà hoặc mãn hạn về cũng bỏ đi khỏi địa phương, không rõ địa chỉ. Tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện trình ra Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện đồng ý phối hợp với Tòa án nhân dân huyện để vận động đương sự nộp ngay tại phiên tòa xét xử. Lúc đầu có nhiều ý kiến chưa thống nhất với giải pháp này nhưng cơ quan thi hành án dân sự huyện đã đưa ra được những lý do thuyết phục: việc vận động tạm thu trên cơ sở người phải thi hành án tự nguyện, thuận lợi cho người phải thi hành án không phải mất thời gian đến tại cơ quan thi hành án dân sự để nộp, đối với người phải thi hành án phải chấp hành hình phạt tù thì việc nộp sớm tiền thi hành án dân sự tạo điều kiện cho họ được xét giảm, đặc xá sau này, đối với cơ quan thi hành án dân sự thì giúp cho chấp hành viên, cán bộ thi hành án đỡ phải làm các thủ tục tống đạt văn bản, xác minh, giảm được chi phí cho nhà nước. Cùng với những nội dung khác trong công tác phối hợp với Tòa án thì việc phối hợp vận động tạm thu tại phiên tòa đã được quy định trong Quy chế phối hợp giữa Chi cục Thi hành án dân sự huyện với Tòa án, Công an huyện và Viện Kiểm sát nhân dân huyện.

Nhận thấy công tác phối hợp thi hành án dân sự chưa được thực hiện tốt, nhất là phối hợp với chính quyền cấp xã, nguyên nhân một phần do chấp hành viên và cán bộ thi hành án chưa gắn kết với lãnh đạo địa phương; một nguyên nhân ảnh hưởng lớn đó là do cơ quan Thi hành án dân sự chưa tham mưu tích cực với Ủy ban nhân dân huyện để cụ thể hóa trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc phối hợp tại cơ sở. Chỉ thị số 21/2011/CT-UBND ngày 07 tháng 09 năm 2011 của Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương về việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện được ban hành, trong đó có nội dung yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thành lập Ban Phối hợp thi hành án cấp xã nhằm giúp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện phối hợp thi hành án dân sự tại địa phương. Sau khi Chỉ thị của Ủy ban nhân dân huyện được ban hành, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện vào cuộc quyết liệt, giao cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện phối hợp với Phòng Tư pháp huyện hướng dẫn mẫu Quyết định thành lập Ban phối hợp và Quyết định phân công thành viên trong Ban phối hợp thi hành án dân sự cấp xã. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Thi hành án dân dự huyện là Chi cục Thi hành án dân sự huyện thường xuyên đôn đốc, đánh giá hoạt động của các Ban Phối hợp thi hành án dân sự cấp xã, kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện có công văn chỉ đạo đối với các xã, thị trấn thực hiện chưa tốt. Trong năm 2014, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện 100% Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký kết quy chế phối hợp trong thi hành án dân sự với Chi cục Thi hành án dân sự huyện.

Từ việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban phối hợp thi hành án dân sự và thực hiện ký kết Quy chế phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự, có thể nói đây là một giải pháp cụ thể có tính ràng buộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã đối với công tác thi hành án dân sự. Để đánh giá đúng tình hình phối hợp, động viên đối với tập thể, cá nhân cấp xã làm tốt trong công tác thi hành án dân sự, tập thể lãnh đạo cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện hàng năm tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi hành án dân sự. Tại Hội nghị tổng kết đã đánh giá khách quan các đơn vị làm tốt, phê bình những đơn vị chưa làm tốt. Nhiều tập thể, cá nhân được biểu dương, trong 03 năm qua đã có 06 tập thể và 06 cán bộ cấp xã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen.

Những kết quả đạt được, nhận thấy các giải pháp mà tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tương Dương đã áp dụng trong thời gian qua là có hiệu quả và bền vững. Năm 2011: Giải quyết xong 344 việc /353 việc có điều kiện giải quyết, đạt 97,5% (vượt 12,5% so với chỉ tiêu Cục Thi hành án dân sự tỉnh giao); số tiền thu được 462.605.000 đồng/511.312.000 đồng có điều kiện, đạt 90,5 % (vượt so với chỉ tiêu giao 25,5%). Năm 2012: Giải quyết xong 329 việc/340 việc có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 97% (vượt 7% so với chỉ tiêu được giao); số tiền thu được 549.929.000 đồng/588.715.000 đồng có điều kiện, đạt tỷ lệ 93%, (vượt 13% so với chỉ tiêu được giao). Năm 2013: Giải quyết xong 371 việc/390 việc có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 95% (vượt 7% so với chỉ tiêu được giao); số tiền thu được 1.119.230.000 đồng/1.258.529.000 đồng có điều kiện, đạt tỷ lệ 89% (vượt 12% so với chỉ tiêu được giao). Năm 2014: Giải quyết xong 395 việc/403 việc có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 98% (so với chỉ tiêu được giao năm vượt 7%); số tiền thu được 900.564.000 đồng/987.712.000 đồng có điều kiện, đạt tỷ lệ 91% (so với chỉ tiêu được giao năm 2014 vượt 9%).

Nguyễn Trung