Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự ở Gia Lai

29/03/2018
Công tác thi hành án dân sự có tính chất đặc thù riêng trong hoạt động của hệ thống các cơ quan Tư pháp. Với vai trò là thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, nếu chỉ nói đến vai trò của ngành Thi hành án dân sự mà không trực tiếp tham gia công tác giải quyết án thì không ít suy nghĩ cho rằng thi hành án là việc đơn giản dễ làm, bởi làm theo quyết định của Toà án và hệ thống văn bản điều chỉnh thì không nhiều.


Thực tế thi hành các vụ việc cho thấy công tác thi hành án dân sự không hề đơn giản, không ít các vụ việc có tính chất phức tạp mà quá trình thi hành án cần vận dụng nhiều quy định, cần sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của các cơ quan hữu quan và sự phối kết hợp của nhiều ban, ngành liên quan. Có những vụ án kéo dài rất nhiều năm với nhiều lý do khác nhau mà các cơ quan chưa thống nhất để giải quyết dứt điểm dẫn đến người dân liên tục kéo đến trụ sở để chửi bới, gây mất an ninh, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn cho cơ quan và an toàn tính mạng cho cán bộ, công chức hệ thống cơ quan thi hành án; nhiều vụ việc không giải quyết được do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành.
Hàng năm, một số lượng lớn các vụ việc mới phát sinh với tính chất ngày càng phức tạp, các vụ việc chưa có điều kiện thi hành liên quan đến tín dụng, ngân hàng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn (do tài sản thế chấp có giá trị thực tế rất thấp so với giá trị phải thi hành) dẫn đến việc tồn đọng án tại hệ thống cơ quan thi hành án dân sự ngày càng gia tăng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án và các quy định pháp luật liên quan chưa thực sự hiệu quả. Trình độ, năng lực cán bộ, Chấp hành viên có nhiệm vụ thi hành án chưa cao; thái độ phục vụ, tiếp dân chưa được chú trọng đúng mức; Chấp hành viên chưa tổ chức xác minh điều kiện thi hành án trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế (nhiều trường hợp Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế căn cứ theo giấy tờ do đương sự cung cấp hoặc hồ sơ do Tòa án cung cấp mà chưa tiến hành xác minh trên thực tế dẫn đến khi tổ chức thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc, thậm chí là cưỡng chế sai quy định); một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có sai sót gây bức xúc cho đương sự nhưng cơ quan thi hành án vẫn tổ chức thi hành dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo; một số đơn vị chưa chú trọng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa triệt để; vẫn còn tình trạng đùn đẩy lên cấp trên, để công dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp nhiều, tạo điểm nóng;…
Bước sang năm 2018, công tác thi hành án dân sự ở Gia Lai tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh; sự đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng của tập thể Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh; sự đồng thuận, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức toàn hệ thống thi hành án dân sự tỉnh và sự phối hợp kịp thời của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành có liên quan công tác thi hành án có những bước chuyển biến rõ nét: Kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền trong 05 tháng cơ bản đạt chỉ tiêu được giao (Tổng cục Thi hành án giao cho tỉnh Gia Lai năm 2018 phải đạt 72% về việc và 32% về tiền), đã thi hành xong 2.589/6.095 việc (đạt 43,72% so với số việc có điều kiện thi hành) và thi hành xong 53.744.977/513.153.693 ngàn đồng (đạt 15,73% so với số tiền có điều kiện thi hành). Sự đoàn kết, phối hợp của tập thể Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh và sự đồng thuận, quyết tâm, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động toàn hệ thống thi hành án dân sự tỉnh bước đầu đã được quan tâm, chấn chỉnh. Mối quan hệ phối hợp kịp thời của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành có liên quan được củng cố, tăng cường (Lãnh đạo Cục đã bố trí lịch làm việc, tranh thủ sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo với Thường trực cấp ủy, Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện và làm việc, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động của 17 Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện; tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp với Trại giam Gia Trung; thường xuyên phối hợp làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong công tác kiểm sát thi hành án).
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự; tạo sự đột phá trong công tác quản lý điều hành và kết quả công tác thi hành án năm 2018, tạo đà cho những năm tiếp theo, Hệ thống cơ quan thi hành án ở tỉnh Gia Lai cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên; chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, chống trì trệ trong đội ngũ cán bộ thi hành án; quán triệt, yêu cầu Chấp hành viên tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức cũng như tinh thần trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành án; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục, trong đó chú trọng việc thỏa thuận thi hành án (trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên cần phải tổ chức để các đương sự thỏa thuận về việc thi hành án) để đương sự tự nguyện thi hành án hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc phải cưỡng chế thi hành án.
Hai là, hoạt động thi hành án dân sự là thực thi phán quyết của Tòa án hoặc tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên và các cơ quan thi hành án không chỉ tập trung vào phần quyết định của Tòa án mà cần nghiên cứu nội dung bản án, quyết định của Tòa án, đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan. Trường hợp phát hiện những điểm chưa rõ, có sai sót thì căn cứ điểm d, đ khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự tham mưu người có thẩm quyền yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành; kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật.
Đối với các vụ việc phải cưỡng chế thi hành án, yêu cầu Chấp hành viên thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án đầy đủ trước khi tiếp tục áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế; tránh trường hợp Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế chỉ căn cứ vào giấy tờ tài sản mà không tiến hành xác minh trực tiếp.
Ba là, trong quá trình thi hành án, yêu cầu Chấp hành viên thực hiện đúng và đầy đủ trình tự thủ tục thông báo về thi hành án theo quy định tại Điều 39, 40, 41, 42, 43 Luật Thi hành án dân sự. Về trình tự xử lý tài sản kê biên, Chấp hành viên phải ban hành văn bản để thông báo cho đương sự biết theo quy định của Luật Thi hành án dân sự tại Điều 98 về trình tự định giá tài sản; Điều 99 về quyền yêu cầu định giá lại; Điều 101 về quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá và quyền nhận lại tài sản trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc; Điều 104 về trình tự xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành… Hiện nay vẫn còn một số Chấp hành viên có nhận thức việc thông báo bán đấu giá tài sản kê biên là trách nhiệm của Công ty bán đấu giá nên không tiến hành thông báo cho đương sự biết dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo và nguy cơ bị hủy kết quả bán đấu giá.
Bốn là, tổ chức tốt việc tiếp công dân để kịp thời nắm bắt tình hình cũng như tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người có đơn khiếu nại, tố cáo từ đó tập trung, chủ động giải quyết khiếu nại, tố cáo triệt để ngay từ cơ sở không để phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cần vận dụng linh hoạt kỹ năng dân vận trong công tác tiếp dân, trực tiếp thực hiện việc đối thoại với công dân trước khi trả lời.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước tỉnh Gia Lai để phối hợp, đề nghị Ngân hàng chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay giảm thiểu tình trạng tài sản thế chấp có giá trị thực tế rất thấp so với giá trị phải thi hành; phối hợp hiệu quả với cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của pháp luật.
Đào Trọng Giáp
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai