Tham dự buổi Tọa đàm có Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, Trưởng, phó phòng chuyên môn thuộc Cục, lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, các Chấp hành viên đang tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng và đại diện 60 tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn thành phố.
Thời gian vừa qua quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự thực hiện có hiệu quả. Đó là nhận định chung giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng và Cục Thi hành án dân sự thành phố . Từ ngày 01/10/2017 đến ngày 30/7/2018 các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng Ngân hàng là 564 việc ( tăng 53 việc so với cùng kỳ năm 2017), tương ứng với số tiền là 4.511.952.126.000đồng, tăng 2.790.291.674.000đ so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 4.6% về việc và 79 % về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Kết quả: trong số việc loại này, đã giải quyết được 75 việc thu được số tiền là 158.203.854.000 đồng, đạt tỷ lệ 19% về việc và 3.6% về tiền. Loại vụ việc này không nhiều nhưng lại chiếm tỷ lệ rất lớn về giá trị trong tổng số phải thi hành, tạo áp lực lớn cho cơ quan thi hành án trong việc hoàn thành chỉ tiêu được giao về giá trị.
Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn như: Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao,tình trạng chây ỳ, chống đối, cản trở việc thi hành án xảy ra phổ biến, đặc biệt khi cơ quan thi hành án tiến hành xử lý tài sản để thi hành án; Một số tài sản sau hai lần hạ giá nhưng không bán được, động viên ngân hàng, các tổ chức tín dụng nhận tài sản để trừ vào nghĩa vụ thi hành án nhưng ngân hàng, tổ chức tín dụng từ chối nhận; Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thực tiễn áp dụng còn có ý kiến khác nhau như vấn đề ưu tiên thanh toán án phí, tiền thuế thu nhập do chuyển nhượng bất động sản trong mọi trường hợp khi xử lý tài sản thế chấp, hỗ trợ người phải THA không còn điều kiện để tạo lập nơi ở mới như tiền thuê nhà ở trong thời gian 12 tháng...cũng đang đặt ra khó khăn trong việc thi hành án; Việc xử lý tài sản thế chấp là phương tiện giao thông nhưng việc xác minh tài sản rất khó khăn thậm chí không xác định được người đang quản lý, sử dụng phương tiện đã gây trở ngại lớn và tốn kém nhiều thời gian để xác minh làm rõ và dến khi xử lý kê biên thì tài sản bị xuống cấp, giá trị tài sản còn lại rất thấp không đủ để thi hành án. Hơn nữa rất nhiều trường hợp giá trị tài sản thế chấp khi xử lý không đủ để thi hành án phần gốc và lãi vay của ngân hàng nên việc thi hành án không thể kết thúc, làm tăng số án tồn đọng tại cơ quan thi hành án nhưng không thể thi hành.
Phát biểu tại buổi tọa đàm lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và một số tổ chức tín dụng Ngân hàng bày tỏ sự đồng thuận cao về kết quả thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn thời gian qua và chia sẻ những khó khăn phức tạp với cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên việc nhận tài sản do bán đấu giá không có người mua rất khó khăn với các tổ chức tín dụng Ngân hàng trong thủ tục xử lý tài sản, vì nhiều chủ tài sản khiếu nại không đồng ý cho Ngân hàng nhận tài sản và khi nhận tài sản Ngân hàng phải có đơn đề nghị đình chỉ việc yêu cầu thi hành án…
Thay mặt Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố, đồng chí Trần Phước Thu – Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đã tiếp thu các ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm và giải đáp thỏa đáng các thắc mắc của một số tổ chức tín dụng, ngân hàng, đồng chí cũng mong rằng các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết thi hành án; đẩy mạnh phối hợp trong công tác xác minh, thông báo thi hành án, kê biên và thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.
Mai Thanh Phương
Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng