Những năm qua, án liên quan đến tín dụng ngân hàng tại tỉnh Thanh Hóa ngày một tăng cao, khi nền kinh tế phát triển, doanh nghiệp và cá nhân có cơ hội và điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn, nhưng song song cùng với đó là những khoản nợ khổng lồ khi doanh nhiệp và cá nhân gặp khó khăn, đặc biệt, những năm gần đây khi tình hình kinh tế chưa được cải thiện nhiều, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp thì cũng là lúc nợ xấu diễn ra trên quy mô lớn. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện quyết liệt các biện pháp để xử lý triệt để nợ xấu - một trong những tác nhân có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa và Cục THADS tỉnh Thanh Hóa cũng không ngừng nổ lực trong việc xử lý nợ xấu, dù trong quá trình phối hợp gặp không ít những khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên, nhìn lại thì những kết quả đã đạt được là rất khả quan. Việc phối hợp thực hiện Quy chế của hai ngành đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng, cơ bản bảo đảm được quyền lợi của các bên đương sự theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Thanh An - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, đồng chủ trì Hội nghị nhận định, quá trình 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp đã ghi nhận nhiều sự nỗ lực của cả hai ngành trong công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện. Trong đó, NHNN tỉnh Thanh Hóa thường xuyên hướng dẫn, phổ biến giáo dục pháp luật về tín dụng ngân hàng và pháp luật khác có liên quan nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đồng thời cử một lãnh đạo Chi nhánh tham gia thành viên Ban chỉ đạo THADS của tỉnh nhằm đảm bảo cho công tác THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng quy định của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản để cho vay, kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa tài khoản, tài sản, khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan THADS các cấp trong việc tổ chức thi hành các vụ việc có liên quan đến tín dụng, ngân hàng, đặc biệt là các vụ việc phức tạp, kéo dài. Theo kỳ, NHNN tỉnh tổng hợp tình hình xử lý nợ xấu, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để phối hợp tháo gỡ hoặc đề nghị Cục THADS tỉnh và cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu thông qua công tác THADS.
Cục trưởng Bùi Mạnh Khoa - đồng chủ trì Hội nghị cũng nhận định, thông qua công tác phối hợp, Cục THADS tỉnh đã thành lập tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, thống kê, rà soát tìm hiểu nguyên nhân; chỉ đạo tăng cường hoạt động thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THADS, đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát các vụ việc bán đấu giá tài sản không thành trên địa bàn toàn tỉnh để từ đó có hướng chỉ đạo, phối hợp giải quyết và tổ chức thi hành có hiệu quả các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Cục trưởng Bùi Mạnh Khoa cho rằng sự bắt tay hợp tác, phối hợp giữa NHNN và Cơ quan THADS trên địa bàn trong thời gian vừa qua đã giúp cho các vụ việc THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng được xử lý nhanh hơn, số vụ việc và số tiền được giải quyết năm sau cao hơn năm trước, nhiều vụ việc tồn đọng lâu năm, phức tạp được xử lý dứt điểm.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, toàn tỉnh có 126 vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, tương đương 337,305 tỷ đồng, trong năm, thi hành xong 31/90 vụ việc có điều kiện thi hành = 91,583 tỷ đồng. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 572 vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng = 1.058 tỷ đồng, trong năm, đã thi hành xong 164/390 vụ việc có điều kiện thi hành = 269.628 tỷ đồng.
Thuận lợi là thế, song số vụ việc phải giải quyết chuyển kỳ sau hàng năm vẫn còn tương đối nhiều, nguyên nhân là do trong quá trình tổ chức thi hành án, người phải thi hành án là doanh nghiệp thường lợi dụng vào các quy định của Luật Phá sản năm 2014 để nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, nhằm mục đích trốn tránh, kéo dài việc thi hành án. Nhiều vụ việc có tài sản thế chấp là ô tô, tàu biển vv...... đến giai đoạn tổ chức thi hành án, qua công tác xác minh vẫn không xác định được tài sản ở đâu và do ai quản lý. Một số vụ việc cơ quan thi hành án đã kê biên tài sản nhưng trong quá trình xử lý tài sản đương sự chống đối bằng nhiều hình thức như khiếu nại, tố cáo với mục đích kéo dài việc thi hành án...
Để giải quyết những khó khăn, nâng cao kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng, tại Hội nghị, Cục THADS tỉnh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác rà soát, phân loại các vụ việc thi hành án; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vụ việc có giá trị thi hành lớn, các vụ việc mà tài sản bảo đảm ở nhiều nơi; thực hiện tốt hơn nữa quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Cục THADS tỉnh và các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, kết hợp hài hòa, mềm dẻo giữa tuyên truyền, vận động đương sự chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, vừa quyết liệt tổ chức kê biên, cưỡng chế tài sản để đảm bảo thi hành án.
Sau khi nghe ý kiến phân tích, nhận định, đánh giá của Hội nghị, ông Nguyễn Than An - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa thay mặt ban lãnh đạo hai ngành kết luận:
Sau 5 năm thực hiện Quy chế 01/QCPH/NHNN-CTHADS, kết quả thu hồi nợ vay của các tổ chức tín dụng qua công tác THADS rất tốt, số vụ việc và số tiền thu nợ đều đạt cao. Phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp, trên cơ sở chủ trương của Ngân hàng Trung ương và Bộ Tư pháp, lãnh đạo hai ngành thống nhất gia hạn hiệu lực của Quy chế 01/QCPH/NHNN-CTHADS thêm 5 năm.
Về phía Ngân hàng, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin liên quan đến khách hàng, tài sản thế chấp đảm bảo nghĩa vụ vay vốn; cung cấp các thông tin khác liên quan đối với người phải thi hành án theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Tiếp tục phối hợp đề nghị Tòa án khi xét xử cần tuyên rõ nghĩa vụ phải thi hành án đối với từng tài sản thế chấp, xác định cụ thể số tiền đối với từng hợp đồng thế chấp để khi tổ chức thi hành Cơ quan THADS có cơ sở đẩy nhanh tiến độ thi hành án. Kịp thời phối hợp với Cơ quan THADS để xem xét tháo gỡ các vụ việc khó khăn, vướng mắc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và cùng hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giải phóng nguồn vốn theo các quy định hiện hành, phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Về phía cơ quan THADS, Giám đốc NHNN Chi nhánh Thanh Hóa đề nghị Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Chi cục THADS các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng mà các tổ chức tín dụng là người được thi hành án.
Kết thúc Hội nghị, các thành phần tham gia của hai ngành hoàn toàn nhất trí những nội dung đã được nêu ra. Cục trưởng Bùi Mạnh Khoa phát biểu cảm ơn sự quan tâm của NHNN Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa và mong rằng thời gian tới Cục THADS và NHNN Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp, thực hiện tốt những nội dung đã ký kết trong Quy chế phối hợp, góp phần đưa công tác phối hợp giữa hai ngành đi vào nề nếp, chất lượng, hiệu quả, tạo điều kiện để mỗi ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đồng thời, bảo đảm việc THADS được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án tín dụng, ngân hàng nói riêng và công tác THADS trên địa bàn tỉnh nói chung; tăng cường phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.