Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác thi hành án dân sự. Mặc dù chịu sự ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nhưng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh đã kịp thời tổ chức các cuộc họp liên ngành với một số thành viên Ban Chỉ đạo để tập trung giải quyết ngay một số việc án khó khăn, vướng mắc trong phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án, từ đó nhanh chóng xử lý các tình huống xảy ra giải quyết tốt một số việc án phức tạp tại địa phương. Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, thành phố thực hiện tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành cùng với sự tham gia của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh để bàn bạc, thống nhất và kịp thời cho ý kiến chỉ đạo để cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết ngay một số vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp, khó khăn, vướng mắc hoặc tổ chức cưỡng chế thi hành những vụ việc phức tạp. Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, thành phố đã thành lập nhiều Tổ vận động giáo dục, thuyết phục trong thi hành án và đã vận động thuyết phục thành công nhiều việc án phức tạp, tồn đọng nhiều năm, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, việc thành lập các Tổ vận động tại các huyện là việc làm sáng tạo và thiết thực nhằm thực hiện tốt công tác dân vận, nắm vững thông tin vụ việc án, tâm tư nguyện vọng của các bên đương sự trong thi hành án để có giải pháp thỏa thuận phù hợp pháp luật, góp phần giải quyết tranh chấp trên tinh thần hòa hợp, tránh ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, năm 2020 các cơ quan Thi hành án dân sự đã thụ lý gồm:
Về việc: tổng số giải quyết là 20.330 việc, trong đó có điều kiện thi hành là 16.354 việc, chiếm 81,28% trong tổng số phải thi hành; Số chưa có điều kiện là 3.408 việc, chiếm 16,94% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành là 16.354 việc, đã thi hành xong là 13.387 việc, tăng 122 việc (tăng 0,92%) so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 81,86% (tăng 5,91%) so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn 1,86% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao 80,00%; còn chuyển kỳ sau 3.325 việc, giảm 876 việc (giảm 20,85%) so với cùng kỳ năm 2019 (4.201 việc).
Về tiền: tổng số giải quyết là 1.425 tỷ 667 triệu 618 nghìn đồng, trong đó có điều kiện thi hành là 908 tỷ 804 triệu 953 nghìn đồng, chiếm 65,54% trong tổng số phải thi hành; Số chưa có điều kiện là 404 tỷ 734 triệu 080 nghìn đồng, chiếm 29,19% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành là 908 tỷ 804 triệu 953 nghìn đồng, đã thi hành xong là 447 tỷ 793 triệu 913 nghìn đồng, tăng 68 tỷ 955 triệu 327 nghìn đồng (tăng 18,20%) so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 49,27% (tăng 6,54% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn 11,27% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao là 38,00%); còn chuyển kỳ sau 534 tỷ, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2019 (507 tỷ) .
Tham dự tại Hội nghị các đại biểu đã phát biểu, đóng góp đầy trách nhiệm và tâm huyết, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, nhân tại Hội nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã trao Giấy khen cho 07 công chức Tư pháp xã đã phối hợp tốt, hỗ trợ tích cực trong công tác thi hành án dân sự năm 2020.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh-Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự đánh giá cao vai trò quan trọng của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự 02 cấp, sự nỗ lực, phấn đấu và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan Thi hành án dân sự và đề nghị các ngành, địa phương có liên quan quan tâm thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:
1. Các cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự 02 cấp tiếp tục quan tâm lãnh chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu và phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan tổ chức thi hành nghiêm các Bản án, Quyết định của Tòa án. Đối với những vụ việc án khó khăn, phức tạp cần có thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm nhằm đảm bảo quyền lợi ích của các đương sự.
Chính quyền cơ sở phải phối hợp tốt với Cơ quan Thi hành án dân sự để tổ chức vận động, thuyết phục các đương sự trong thi hành án và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tự nguyện chấp hành tốt pháp luật về thi hành án dân sự, không để phát sinh điểm nóng, dư luận xã hội không tốt, bức xúc của các bên trong thi hành án; các cơ quan, tổ chức liên quan cần nghiêm túc thực hiện và tuân thủ đúng, đủ các quy định pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
Đối với đảng viên, công chức, viên chức là người có nghĩa vụ thi hành án phải nêu cao ý thức tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án dân sự, trường hợp cố tình trì hoãn, cản trở, không thi hành án thì phải được xử lí nghiêm minh; các cơ quan Thi hành án dân sự phải quyết tâm và có trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ; phải tích cực chủ động tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự đối với những vụ việc phức tạp, khó khăn, vướng mắc.
2. Các ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, xã cần xác định công tác thi hành án dân sự là nhiệm vụ chung của cả Hệ thống chính trị nhằm đảm bảo các phán quyết của Tòa án nhân dân phải được thi hành trên thực tế. Do đó, phải thực hiện tốt công tác phối hợp tổ chức thi hành án dân sự trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
3. Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện cần xác định việc thành lập các tổ vận động tại huyện là việc làm sáng tạo và thiết thực nhằm thực hiện tốt công tác dân vận, nắm vững thông tin vụ việc án, tâm tư nguyện vọng của các bên đương sự trong thi hành án để có giải pháp thỏa thuận phù hợp pháp luật, góp phần giải quyết tranh chấp trên tinh thần hòa hợp, tránh gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, an toàn xã hội nên cần được nhân rộng. Song để đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, thành phố cần kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế đối với những trường hợp đã qua vận động giáo dục thuyết phục mà cố tình trì hoãn, chống đối không thi hành án.
4. Đề nghị các cơ quan Thi hành án sự trong tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, chủ động xây dựng Kế hoạch và tập trung tổ chức thi hành án trong năm 2021; tăng cường công tác tham mưu Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cùng cấp tổ chức họp thống nhất cho ý kiến tháo gỡ đối với những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp, những vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau; các cơ quan Thi hành án dân sự nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của chấp hành viên nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao tỷ lệ thi hành án, bảo đảm năm sau cao hơn năm trước; tổ chức theo dõi thi hành án đối với 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác vận động, giáo dục, thuyết phục nhưng phải cương quyết cưỡng chế thi hành các việc án có điều kiện mà cố tình trì hoãn không thi hành án, nhất là các việc án kinh tế, tham nhũng, án có giá trị lớn, án tín dụng, ngân hàng, mở lối đi và án thụ lý nhiều năm chưa thi hành xong; chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tự kiểm tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục các hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm, nhất là vi phạm trong kê biên, xử lý tài sản để thi hành án, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án dân sự và tiếp công dân.
Đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh quan tâm củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo đúng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng công tác, chuyên môn nghiệp vụ,…cho đội ngũ công chức, chấp hành viên, đảm bảo lực lượng này đủ năng lực, bản lĩnh và trình độ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cũng như quan tâm tạo nguồn nhân sự của ngành theo đúng chuẩn, chất để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh.
Phạm Tấn Khánh - Văn phòng Cục