Trong năm 2020, với phương châm chủ động, quyết liệt ngay từ đầu năm, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và triển khai công tác tư pháp năm 2020. Trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 120/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 phê duyệt 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Sở Tư pháp năm 2020. Năm vừa qua, Sở Tư pháp đã thực hiện thẩm định 62 dự thảo VBQPPL (bằng 119% so với cùng kỳ năm 2019); góp ý 319 dự thảo văn bản (bằng 130% so với cùng kỳ năm 2019); kiểm tra theo thẩm quyền 11/11 VBQPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành; cập nhật 100% các VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Tổ chức 16 Hội nghị tại cấp huyện, cấp xã tập huấn, tuyên truyền pháp luật cho trên 2.435 đại biểu tham dự.
Tổ chức Tọa đàm hưởng ứng “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2020; tổ chức 02 Hội nghị Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh cho trên 200 đại biểu tham dự; phối hợp tổ chức thành công Chung kết Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” toàn quốc. Sở Tư pháp và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tổ chức ký kết thành công và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trong việc thực hiện kết nối liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tăng cường công tác kiểm tra tổ chức và hoạt động tại các Văn phòng luật sư, Chi nhánh Văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của 10 tổ chức hành nghề luật sư, trong năm 2020 đã thực hiện 292 vụ việc, đạt doanh thu là 594.039.000 đồng (bằng 154% so với cùng kỳ năm 2019 về số tiền). Về đấu giá tài sản các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 122 cuộc đấu giá. Kết quả: 87 cuộc đấu giá thành. Tổng trị giá tài sản đấu giá thành tính theo giá khởi điểm: 118.287.365.903đồng;tổng trị giá tài sản bán được: 123.398.003.634 đồng; chênh lệch giữa tổng giá trị tài sản đấu giá thành so với giá khởi điểm là: 5.110.637.731 đồng; tổng số thù lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được theo quy định: 694.151.069 đồng (bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2019 về số tiền).
|
Qua báo cáo, đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp Lạng Sơn Hoàng Thuý Duyên có một số đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp: Sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó có quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của cơ quan tư pháp địa phương. Tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về luật sư đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút luật sư tham gia vào hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ để có giải pháp cho việc sắp xếp, bố trí biên chế đội ngũ cán bộ pháp chế để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; tổ chức các lớp tập huấn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và ban hành văn bản hướng dẫn về kinh phí Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Có chế độ, chính sách, kinh phí chi hỗ trợ công tác tuyên truyền, PBGDPL đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo; quy định thống nhất mức chi chung cho công tác PBGDPL đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo để động viên và thu hút nguồn nhân lực tham gia công tác PBGDPL. Bộ Tư pháp xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho tỉnh Lạng Sơn, trong đó quan tâm chú trọng đến các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ tư pháp các cấp (tập huấn, hội thảo), công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho đồng bào vùng cao, biên giới, vùng dân tộc ít người.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận, biểu dương kết quả của ngành tư pháp tỉnh Lạng Sơn nỗ lực, vượt khó đã hoàn thành số lượng công việc rất lớn. Thứ trưởng nhận định, Tư pháp Lạng Sơn đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là người gác cổng về các vấn đề pháp lý cho tỉnh, các văn bản pháp quy do HĐND, UBND Tỉnh ban hành đều được Sở Tư pháp tham gia ý kiến, thẩm định, bảo đảm khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.... Việc cung cấp các dịch vụ pháp lý cho người dân, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân được chú trọng thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với các hình thức tuyền truyền, phổ biến pháp luật có nhiều đổi mới, sáng tạo. Tỉnh cũng chú trọng phát triển đội ngũ luật sư, công chứng viên trên địa bàn qua đó tăng cường đội ngũ cung cấp dịch vụ pháp lý phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Chia sẻ với những khó khăn cơ quan Tư pháp gặp phải, Thứ trưởng cũng mong muốn, ngành Tư pháp Lạng Sơn phải nhìn nhận sâu sắc hơn về những nguyên nhân của hạn chế để tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
|
|
Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã dự Hội nghị triển khai công tác năm 2021 của Cục THADS Lạng Sơn. Tại đây Thứ trưởng ghi nhận Lạng Sơn có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, đoàn kết nội bộ được giữ gìn tốt, việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục được quan tâm; tổ chức bộ máy các cơ quan THADS tiếp tục được củng cố, kiện toàn.
Mặc dù do ảnh hưởng covid-19, về kết quả của THADS năm 2020 số lượng việc không tăng nhưng số tiền thụ lý tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhưng bằng nhiều giải pháp Lạng Sơn đã cố gắng khắc phục và đạt được những kết quả ghi nhận.
Thứ trưởng đề nghị năm 2021, THADS Lạng Sơn tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình; chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn công tác THADS; tập chung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc có điều kiện; tăng cường công tác kiểm tra; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với rà soát, sắp xếp kiện toàn tổ chức phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.