Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác thi hành án dân sự

14/04/2021
Trong 6 tháng đầu năm, công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tổng số việc giải quyết xong trong 06 tháng đầu năm đã đạt chỉ tiêu kế hoạch, cụ thể đạt xong 20.124 việc, đạt tỷ lệ 46,17%; toàn thành phố vượt 5,42% chỉ tiêu kế hoạch 06 tháng. Việc thực hiện các chỉ tiêu khác như “Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật”; chỉ tiêu về “Chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; đăng tải kịp thời, đầy đủ danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo quy định của pháp luật”; chỉ tiêu “Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án”, ... luôn được đảm bảo và thực hiện tốt.

Tuy nhiên, tổng số tiền giải quyết xong trong 06 tháng đầu năm chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao, cụ thể: Giải quyết xong hơn 6.445 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 12,91% (so với chỉ tiêu được giao 40,1%/năm). Cùng với đó, Cục THADS thành phố thụ lý các vụ đại án hình sự kinh tế, tham nhũng có giá trị phải thu đặc biệt lớn, tài sản phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau. Theo quy định thì phải thực hiện ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi đương sự có tài sản, điều kiện thi hành án; trong khi thực tế yêu cầu phải xử lý xong tài sản của đương sự tại Thành phố Hồ Chí Minh xong mới xác định được các khoản nghĩa vụ còn lại để thực hiện ủy thác. Điều này, một mặt đã tạo ra khó khăn cho các Chấp hành viên trong quá trình xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, một mặt làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án do phải xử lý xong tài sản tại Thành phố Hồ Chí Minh rồi mới thực hiện việc ủy thác đi địa phương khác.
Mặt khác, để đảm bảo thủ tục thi hành án, việc tống đạt cho đương sự là các bị cáo đang chấp hành hình phạt tại trại giam Bộ Công an đòi hỏi chấp hành viên phải đi lại nhiều lần mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu chung. Trong một số trường hợp, đương sự đang chấp hành hình phạt trong một vụ án nhưng là bị cáo trong một vụ án khác, thì việc tiếp xúc thực hiện tống đạt rất khó khăn do phải theo đúng trình tự thủ tục quy định của Bộ Công an.
Cùng với đó, một số vụ việc đại án phải xét xử nhiều giai đoạn có liên quan với nhau như (vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn,...), khi Tòa án xét xử xong thì mới chuyển giao toàn bộ bản chính giấy tờ nhà đất, do đó đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án, thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 và kết quả công tác THADS 06 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm 2021, Lãnh đạo Cục tập trung chỉ đạo các đơn vị cần thực hiện ngay một số giải pháp: Tăng cường chỉ đạo các Chi cục, Chấp hành viên tập trung nguồn lực, nhân lực xử lý các vụ việc thi hành án có tài sản, giá trị phải thi hành lớn; tập trung xử lý tài sản đảm bảo trong các vụ việc tín dụng, ngân hàng, khẩn trương giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; tập trung xử lý thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng; Rà soát, tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài; Thực hiện đúng quy trình tổ chức thi hành án, công khai, minh bạch thủ tục hành chính THADS, hạn chế thấp nhất các sai sót; chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giải quyết án có trọng tâm, trọng điểm theo từng đơn vị hoặc theo tính chất loại vụ việc thi hành án; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong toàn Hệ thống, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thường xuyên bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách theo phương châm “hướng về cơ sở”; Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm những Chấp hành viên để hồ sơ tồn đọng nhiều mà không có lý do, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực hay suy thoái về đạo đức, lối sống; Tập trung quyết liệt thi hành án đối với các vụ việc tham nhũng - kinh tế, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình lựa chọn thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, đảm bảo khách quan, công khai minh bạch.
Hy vọng với sự quyết tâm, nỗ lực và những giải pháp cụ thể sẽ giúp ngành THADS thành phố Hồ Chí Minh vượt qua những khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.
Cẩm Tú