Trong 10 tháng năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 nhưng Cục THADS tỉnh Khánh Hòa đã tích cực chỉ đạo các Chi cục THADS trực thuộc triển khai quyết liệt toàn diện, đồng bộ, sâu sát, kịp thời các mặt công tác. Các nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác năm cơ bản được triển khai thực hiện theo tiến độ và đạt được một số kết quả tích cực. Về việc, đạt tỉ lệ 72,43%, tăng 6,01% so với cùng kỳ năm 2020. Về tiền, đạt tỉ lệ 39,70%, tăng 2,70% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan THADS Khánh Hòa cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Theo Cục trưởng Đặng Đình Quyền, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các cá nhân, tổ chức, đương sự ngại tiếp xúc, thậm chí có trường hợp không tiếp xúc do lo sợ lây nhiễm dịch bệnh; việc đi cơ sở, bám sát địa bàn của cán bộ, Chấp hành viên bị hạn chế; kinh tế bị ảnh hưởng nên người phải thi hành án không có khả năng để thi hành án do phải ngừng hoạt động kinh doanh; một số vụ việc cưỡng chế huy động lực lượng đành phải lùi thời gian do tránh tiếp xúc đông người, nhiều việc thông báo, xác minh điều kiện thi hành án không thực hiện được; việc kê biên cưỡng chế tài sản bị chậm trễ ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi hành án…
Để khắc phục khó khăn nêu trên, Cục trưởng cho biết Cục THADS tỉnh sẽ tiếp tục chủ động, linh hoạt hơn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị và địa phương. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động; tập trung giải quyết án có điều kiện thi hành, án có giá trị lớn, khó khăn phức tạp; tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận và trả hồ sơ theo thủ tục một cửa và hỗ trợ trực tuyến; vận hành phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành và báo cáo thống kê THADS; tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích...
Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang diễn ra rất nhanh, rất nguy hiểm, Cục trưởng Cục THADS Đà Nẵng Trần Phước Thu cho biết Cục đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện triệt để nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”. Các đơn vị chủ động có phương án làm việc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo quản tài liệu, hồ sơ và bảo vệ tài sản cơ quan phù hợp với mọi tình huống dịch bệnh. Tuyên truyền để công chức và người lao động nâng cao ý thức, tự giác chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Cục trưởng cũng yêu cầu thủ trưởng đơn vị quyết định phương án bố trí công việc phù hợp để thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao và chịu trách nhiệm về việc công chức, người lao động lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh. Theo dõi các trường hợp công chức và người lao động liên quan đến các trường hợp Covid-19 phải cách ly theo quyết định của chính quyền địa phương hoặc nhiễm dịch, báo cáo Cục THADS thành phố để theo dõi.
Cũng là một trong những tỉnh phía Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, Cục trưởng Cục THADS Đồng Nai Phan Văn Châu cho biết hiện nay Cục và các Chi cục chỉ bố trí một số công chức đến cơ quan để xử lý các công việc thật sự cần thiết. Do đó, các công việc liên quan đến phối hợp với chính quyền, tiếp xúc với đương sự phải dừng lại hết, đơn vị chủ yếu chỉ giải quyết công việc không liên quan đến người dân. Vì vậy, một trong những giải pháp hữu hiệu Cục đang triển khai đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành và giải quyết công việc thông qua hệ thống mail, nhóm zalo, họp zoom… Cục trưởng hy vọng mỗi công chức sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn để cuối năm các kết quả công tác đạt được khả quan.
Còn tại Hà Nội, do thành phố cũng đang thực hiện giãn cách xã hội nên các lĩnh vực công tác, trong đó có THADS cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo chia sẻ của Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Phạm Văn Dũng, hiện nay, công chức chỉ đến cơ quan, đơn vị để xử lý công việc thật sự cần thiết, trong khi đó, hồ sơ thi hành án lại không được cầm về nên gây khó khăn trong việc xử lý hồ sơ. Mặt khác, khâu quan trọng trong công tác THADS là tiếp xúc đương sự, xác minh thi hành án, thẩm định giá, đấu giá tài sản, phối hợp chính quyền địa phương để tổ chức cưỡng chế… lại không thể tiến hành. Do đó, có thể nói mọi hoạt động đều gặp rất nhiều trở ngại. Trong khi đó, đương sự vẫn tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo mà Chấp hành viên không thể tiến hành xác minh trả lời đơn thư, ảnh hưởng tới kết quả đánh giá công việc do chậm tiến độ.
Cũng theo Cục trưởng THADS Hà Nội, một số quy trình của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tư pháp như công an, viện kiểm sát, thi hành án đều quy định thời hạn. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp dịch bệnh, địa phương phải thực hiện giãn cách thì có được coi đó là trở ngại khách quan để không tính vào thời hạn giải quyết không? Vì vậy, Lãnh đạo Cục mong muốn Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần có hướng dẫn chung đối với cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước khác khi giải quyết công việc có thời hạn mà không thể thực hiện được thì tính vào trở ngại khách quan để tránh vi phạm thời hạn, xảy ra khiếu nại về sau.
Kim Quy
Nguồn: baophapluat.vn