Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa: Nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao

25/10/2021
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đất nước ta tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Với riêng Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS), đây là năm chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946 - 19/7/2021), đồng thời là năm thứ hai hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.


Hưởng ứng những sự kiện quan trọng đó, ngay từ đầu năm công tác, Cục THADS tỉnh Thanh Hóa đã chủ động bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện nhiều biện pháp, chỉ đạo kịp thời, sâu sát các cơ quan THADS trong tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoặt động trên các mặt. Việc thi hành các khoản nợ của tổ chức tín dụng, ngân hàng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung chỉ đạo giải quyết; công tác tổ chức cán bộ, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại-tố cáo tiếp tục được tăng cường, chú trọng; việc hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ được thực hiện kịp thời, góp phần quan trọng trong việc xử lý có hiệu quả những vụ án lớn, phức tạp. Sau khi kết thúc năm, toàn ngành THADS tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ mà cấp trên giao cho.
Theo thống kê, năm 2021 tỉnh Thanh Hóa có tổng số việc phải thi hành là 19.704 việc, trong đó số có điều kiện thi hành 16.501 việc; Số chưa có điều kiện 3.173 việc (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng). Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 13.857 việc, đạt tỷ lệ 83,98% (thấp hơn 0,76% về tỷ lệ giải quyết so với cùng kỳ năm 2020). Vượt 1,48% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao.
Về tiền, tổng số phải thi hành là 2.043.438.572.000 đồng, trong đó số có điều kiện thi hành 972.502.274.000 đồng; Số chưa có điều kiện 912.219.315.000 đồng (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng). Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong là 454.781.656.000 đồng, đạt tỷ lệ 46.76% (cao hơn 5,1% về tỷ lệ giải quyết so với cùng kỳ năm 2020). Vượt 6,66% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao.
Có thể nói, để đạt được kết quả nêu trên là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cán bộ, công chức trong toàn ngành, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, các cấp uỷ đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Tuy nhiên, kết quả đạt được về việc và tiền dù đã đạt và vượt mức chỉ tiêu mà cấp trên giao nhưng tỷ lệ giải quyết xong về việc thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (0,76%). Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thanh Hóa là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19, dịch bùng phát rơi vào thời điểm những tháng cuối của năm công tác 2021 (tháng 6, 7, 8, 9/2021), những tháng có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi kết quả thi hành án, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu “về đích” của các Chấp hành viên. Đặc thù của công tác THADS là muốn thi hành được các bản án, quyết định của Tòa án thì bắt buộc phải gặp gỡ, tìm hiểu, động viên, thuyết phục đương sự và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan có thẩm quyền từ khâu phân loại, xác minh điều kiện thi hành án đến vận động, thuyết phục và kê biên, cưỡng chế, bán đấu giá, giao tài sản. Việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, không tụ tập đông người, nhất là thời gian giãn cách xã hội khiến cho các đơn vị THADS không thể tiếp xúc đương sự và phối hợp với địa phương, cơ quan chức năng để thực hiện các tác nghiệp thi hành án. Quá trình truy tìm, xử lý tài sản bị kéo dài, đặc biệt là quá trình truy tìm, xác minh làm rõ các thông tin về tài sản liên quan đến thi hành các bản án, quyết định về tham nhũng, kinh tế, tín dụng, ngân hàng, án trọng điểm, các vụ việc có khó khăn, phức tạp, nhất là vụ việc cưỡng chế đối với tài sản bán đấu giá thành, dẫn đến chậm tiến độ xử lý vụ việc.
Bên cạnh đó,  tình hình dịch bệnh kéo dài hơn một năm qua, việc giãn cách, cách ly khiến cho thu nhập của người dân, doanh nghiệp, trong đó có người phải thi hành án giảm sút, ảnh hưởng tới khả năng thi hành nghĩa vụ về tài sản của người phải thi hành án.
Khi chính quyền địa phương cho phép đón công dân từ vùng dịch trở về (vào các tháng 6, tháng 7, tháng 8/2021) thì hầu như tất cả lực lượng của địa phương đều ưu tiên tập trung cho công tác này, từ khâu chuẩn bị nơi cách ly tập trung (trường học, trạm xá...) đến việc canh gác, quan tâm, theo dõi... do đó, công tác xác minh, phối hợp với chính quyền địa phương cũng phần nào bị hạn chế. Thậm chí các cơ quan thi hành án cũng ngại tiếp xúc vì hạn chế tối đa việc giao tiếp, tránh trường hợp bị lây nhiễm.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, tác nghiệp tổ chức thi hành án, có thể kể đến một số nguyên nhân khác như:
Số lượng việc thuộc diện chưa có điều kiện thi hành tồn đọng, kéo dài qua nhiều năm tương đối lớn (năm 2021 số chưa có điều kiện 3.173 việc, tăng 962 việc so với cùng kỳ năm 2020, tương đương 19,69%), số việc này tồn đọng từ năm này qua năm khác, năm sau cao hơn năm trước khiến cho số việc chuyển kỳ sau luôn cao và số việc này phần lớn là không giải quyết được, điều này đồng nghĩa với việc không giải quyết được án tồn đọng. Trong số những vụ việc này người phải thi hành án hoặc đang chấp hành hình phạt tù, bỏ đi khỏi địa phương, không rõ địa chỉ hoặc không có tài sản để thi hành án, mặc dù thời gian kéo dài song những trường hợp này họ không có khả năng để thi hành một phần nghĩa vụ, vì thế cũng không thực hiện được việc xét miễn, giảm thi hành án.
Một số vụ việc thi hành án mà các tổ chức tín dụng cho vay tín chấp hoặc cho thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai, các trường hợp này khi phải đưa ra tổ chức thi hành án đều không có điều kiện thi hành vì người phải thi hành án không có tài sản gì hoặc tài sản trong tương tương lai chưa hình thành, nên việc tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp phải thi hành án không có điều kiện thi hành, không còn hoạt động tại trụ sở đã đăng kí... số việc này qua nhiều năm cũng không thể giải quyết được dẫn đến tồn đọng việc thi hành án.
Các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số tiền phải thi hành của toàn tỉnh (năm 2021, Thanh Hóa có 633 việc = 1.649.059.975.000đ. Số có điều kiện thi hành là 433 = 988.501.365.000đ. Đã giải quyết xong 130 việc = 276.658.649.000đ), trong khi điều kiện kinh tế của các đối tượng phải thi hành án khó khăn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thi hành án. Nhiều vụ việc có giá trị thi hành lớn, diễn biến phức tạp, xử lý tài sản để thi hành án khó khăn, chậm tiến độ. Nhiều trường hợp tài sản kê biên đã được giảm giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người tham gia đấu giá, đặc biệt là các vụ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh để thi hành án.
Tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, khó khăn; một số tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng là quyền sử dụng đất bị thay đổi hiện trạng; tài sản bán đấu giá nhiều lần không có người mua do thời hạn nhà nước cho thuê đất đã hết, nhà nước có quy hoạch mục đích sử dụng khác hoặc tài sản hình thành trên đất trong tương lai nhưng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nhà nước lại thu hồi đất để sử dụng mục đích công cộng… Số việc này hàng năm đều tăng cả về việc, về tiền và về tính chất phức tạp.
Cùng với đó, ý thức chấp hành bản án, quyết định của người phải thi hành án còn hạn chế, nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo nhằm mục đích trì hoãn, kéo dài thời gian thi hành án.
Những khó khăn nêu trên cũng đồng thời là những khó khăn chung của toàn ngành, tuy nhiên, đối với công tác THADS của tỉnh Thanh Hóa nói riêng thì đây là những nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ giải quyết về việc thấp hơn so với cùng kì năm 2020.
Nhằm khắc phục những hạn chế đó, năm 2022 Cục THADS tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều phương hướng, nhiệm vụ, trong đó đề cao việc phấn đấu thi hành án xong các khoản thu cho ngân sách nhà nước, các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng; tập trung, quyết liệt thi hành các vụ việc kinh tế, tham nhũng, đặc biệt là những vụ việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi; quyết liệt trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm đảm bảo hoàn thành và vượt mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi THAHC được Nghị Quyết của Quốc Hội, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giao.