Bình Định: Đoàn Giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh giám sát tại Cục THADS tỉnh

12/04/2022
Ngày 07/4/2022, Đoàn Giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Lý Tiết Hạnh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/202016 đến ngày 01/7/2021” tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Tham dự Đoàn Giám sát có các đồng chí là Đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các thành viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan: Công an tỉnh, TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Thanh Tra tỉnh, UBMTTQVN tỉnh và các cơ quan, ban, ngành có liên quan của tỉnh.

Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh: Trong thời gian qua Cấp ủy, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81-KH/TU ngày 11/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Quy định số 11-Qđi/TW ngày 18/02/2019 của  Bộ Chính trị và Quy chế số 08- QC/TU ngày 29/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo… trong các cơ quan Thi hành án dân sự để quán triệt công chức, người lao động thực hiện; tăng cường kiểm tra công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đúng theo qui định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, kéo dài. Nhờ đó, đã góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được giao. Theo báo cáo, từ 01/7/202016 đến ngày 01/7/2021, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã tiếp 458 lượt công dân (tiếp thường xuyên 265 lượt, tiếp định kỳ của lãnh đạo 193 lượt). Tổng số vụ việc được tiếp nhận là 334 việc (khiếu nại: 77 việc; tố cáo: 16 việc, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu giải quyết: 241 việc) và đều thuộc lĩnh vực thi hành án. Kết quả: đã hướng dẫn, trả lời, giải quyết theo thẩm quyền 334 việc. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo: đã tiếp nhận tổng cộng 383 đơn khiếu nại, đã thụ lý, giải quyết xong: 383 đơn, đạt tỷ lệ 100%; về tố cáo đã tiếp nhận: 59 đơn có nội dung tố cáo và đã giải quyết xong: 59 đơn, đạt tỷ lệ 100%.
Qua giám sát, Đoàn Giám sát đã đánh giá cao kết quả công tác thi hành án dân sự của tỉnh đã đạt được trong 5 năm qua, đặc biệt là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cả giai đoạn 5 năm và từng năm đều đạt 100% không có đơn tồn đọng. Qua đó, đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế  trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự thời gian qua, nhất là một số vụ việc thi hành án phức tạp kéo dài nhiều năm đến nay chưa giải quyết xong; có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện tốt hơn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian đến. Đối với những bất cập của các qui định pháp luật về thi hành án dân sự cần được kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp với các qui định pháp luật có liên quan và thực tiễn thi hành án dân sự.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã giải trình một số vấn đề có liên quan theo yêu cầu của Đoàn; tiếp thu những ý kiến góp ý của các thành viên Đoàn giám sát, nhất là những tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự nói chung và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng. Thời gian đến, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đồng thời tăng cường công tác phối hợp nhằm khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế, có giải pháp phù hợp để tập trung tổ chức chức thi hành án nhằm hạn chế việc khiếu nại, tố cáo, phấn đầu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Hoàng Chương