Cục THADS tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2022

25/04/2022
Sáng ngày 22/4/2022, Các cơ quan THADS tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2022. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Bích Tần - Cục trưởng Cục THADS. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Cục trưởng, Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục, Lãnh đạo Chi cục THADS các huyện, thành phố cùng toàn thể công chức, người lao động ngành THADS tỉnh Bắc Giang.

Hội nghị đã được nghe báo cáo kết quả công tác THADS 6 tháng đầu năm 2022, phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022. Nhìn chung, công tác THADS 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được thực hiện tốt. Mặc dù ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng toàn ngành đã cùng đoàn kết, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm, kết quả thi hành xong về việc và tiền đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: (1) Trong số 7.479 việc = 761.546.547.000đ (chiếm 82,08% về việc và 58,88% về tiền trong tổng số phải thi hành), đã thi hành xong 4.778 việc (đạt tỷ lệ 63,89%) = 195.723.741.000đ (đạt tỷ lệ 25,7%) tăng 2,66% về việc và 0,36% về tiền so với tỷ lệ đạt được cùng kỳ năm 2021; (2) Đối với thi hành các việc liên quan đến thu hồi nợ của tổ chức tín dụng, đã thi hành được 56 việc = 49.017.644.000đ, đạt tỷ lệ 25,93% về việc và 13,81% về tiền; (3) Đối với thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước, đã thi hành được 4.067 việc = 20.885.640.000đ, đạt tỷ lệ 63,1% về việc và 26,55% về tiền; (4) Đối với thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự đối với người đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, đã thi hành xong 548 việc = 8.416.394.000đ; (5) Đối với thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 49 việc = 4.395.772.000đ. Cùng với đó, tổ chức bộ máy của Cục và các Chi cục tiếp tục được củng cố, kiện toàn; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; mối quan hệ phối hợp với các ngành hữu quan tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả...Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đánh giá nguyên nhân trong 6 tháng vừa qua. Đồng thời, Hội nghị đã triển khai Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban Cán sự Đảng bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính giai đoạn 2022-2026.
Tại Hội nghị, các đại biểu chủ yếu tập trung trao đổi, thảo luận về các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức THADS và đánh giá nguyên nhân như: Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm nên nhiều hoạt động tổ chức thi hành án không thực hiện được hoặc bị chậm tiến độ; Tình hình kinh tế, thu nhập của người phải thi hành án bị giảm sút, không có khả năng thi hành án do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Tính chất nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, địa bàn rộng; số việc theo đơn chiếm tỷ lệ cao trong khi đó biên chế thiếu, tiếp tục bị cắt giảm; Phần lớn loại việc chủ động các đương sự đều đang đi tù hoặc không tài sản, thu nhập, hoặc chỉ có tài sản duy nhất là nhà, đất có giá trị rất cao không tương đương rất khó xử lý dẫn đến lượng án chủ động tồn đọng còn cao...trên cơ sở đó đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Bích Tần- Cục trưởng đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, vượt khó thực hiện “mục tiêu kép” của các đơn vị trong 6 tháng vừa qua. Đồng thời, trong 6 tháng cuối năm 2022, Cục trưởng cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị phải khắc phục khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tổng cục giao trong năm 2022. Cụ thể, yêu cầu các đơn vị: (1)Xác minh đúng thời hạn, đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, xác định đúng việc có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành án, làm căn cứ cho việc tổ chức thi hành các việc có điều kiện thi hành, đồng thời ra quyết định chưa điều kiện đối với các việc chưa có điều kiện thi hành đảm bảo chính xác, đúng pháp luật; (2) Nâng cao chất lượng thi hành án liên quan đến các khoản nợ của các tổ chức tín dụng và các khoản thu cho ngân sách nhà nước, chú trọng việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; (2) Tăng cường giám sát hoạt động kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, đảm bảo các vụ việc thi hành án được tổ chức thi hành đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, hạn chế thấp nhất các quyết định thi hành án phải thu hồi, hủy bỏ, sửa chữa do nguyên nhân chủ quan, không để xảy ra vụ việc phải bồi thường nhà nước; (3) Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thực hiện việc kiểm tra đúng kế hoạch, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong công tác thi hành án. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng quy định của pháp luật. Cục trưởng và các Chi cục trưởng định kỳ tiếp công dân theo quy định, tăng cường công tác đối thoại trực tiếp, hạn chế hiện tượng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Bố trí công chức tiếp công dân là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tế, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, nhiệt tình; (4) Thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan THADS. Đẩy mạnh các phong trào thi đua đã phát động và thực hiện sơ kết, tổng kết theo đúng tiến độ; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những cách làm hay, làm mới có hiệu quả để nhân rộng toàn ngành, thực hiện tốt công tác bình xét thi đua; (5) Tiếp tục phát huy công tác phối hợp liên ngành; chủ động tích cực trong công tác tham mưu, đề xuất nhằm tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác thi hành án; (6) Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến trong THADS và tiếp nhận hồ sơ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, nghiệp vụ của các cơ quan THADS, qua đó nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của các cơ quan THADS và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân trong công tác THADS; (7) Thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, xây mới trụ sở; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục THADS và các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc cho các cơ quan THADS trên địa bàn.
Lê Hùng- VP Cục THADS