Thanh Hóa: Nhiều đột phá trong chỉ đạo và tổ chức thi hành án

13/07/2022


Nhận định năm 2022 là năm có nhiều thách thức, khó khăn đối với công tác Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Thanh Hóa nói riêng, các vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số tiền phải thi hành của toàn tỉnh, nhiều vụ việc diễn biến phức tạp, xử lý tài sản để thi hành án khó khăn, chậm tiến độ. Nhiều vụ việc sau khi thụ lý, xác minh tài sản bảo đảm chưa rõ ràng, tài sản còn chồng lấn, không đúng với hiện trạng tài sản như hợp đồng thế chấp, đặc biệt có những loại tài sản thế chấp là công trình xây dựng xây chồng lấn sang đất của người thứ ba liền kề (loại việc rất khó xử lý khi không có sự thỏa thuận của người thứ ba)... số vụ việc này chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng số tiền rất lớn, khó thi hành hoặc còn nhiều vướng mắc khi tổ chức thi hành. Nhiều vụ việc tài sản kê biên đã được giảm giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người tham gia đấu giá, một số trường hợp bán được tài sản thì giá trị giao dịch rất thấp, không đủ thực hiện nghĩa vụ trả nợ; tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân bị giảm sút do hậu quả của tình hình dịch bệnh kéo dài hơn hai năm qua... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và kết quả thi hành án toàn ngành THADS tỉnh Thanh Hóa.
Nhằm ngăn chặn được những khó khăn và duy trì kết quả đã đạt được từ những năm trước đó, ngay từ đầu năm công tác 2022, Cục THADS đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị huy động mọi nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được giao, tăng cường công tác rà soát, xác minh phân loại án, tập trung quyết liệt giải quyết ngay các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là những vụ việc có số tiền phải thi hành lớn. Tại các cuộc họp sơ kết, tổng kết hàng tháng, hàng quý, Cục THADS đều đề nghị các đơn vị phải báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện công việc, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc hoặc xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có hướng giải quyết, chỉ đạo kịp thời. Hàng tháng, hàng quý, Lãnh đạo Cục duy trì chế độ giao ban định kỳ để kịp thời nắm bắt tình hình, đưa ra các giải pháp, hướng xử lý, giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Cục THADS chỉ đạo từng đơn vị xây dựng, ban hành Kế hoạch công tác THADS năm 2022 trên cơ sở tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi hành án; quán triệt, tổ chức tốt các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt các chỉ tiêu về việc, tiền; thực hiện tốt công tác đoàn kết nội bộ; thực hiện thật nghiêm các quy định của pháp luật và thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong toàn ngành THADS tỉnh Thanh Hóa. Quan tâm và tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án; nâng cao chất lượng công tác dân vận và phát động phong trào thi đua; tuyên truyền phổ biến pháp luật trong công tác thi hành án. Từng đơn vị tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ đạo THADS các cấp chỉ đạo đối với những vụ việc có những khó khăn, vướng mắc, phức tạp, chưa có sự thống nhất ý kiến của các ngành, có khả năng ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Cục và các Chi cục luôn coi công tác phối hợp trong THADS là nhiệm vụ quan trọng, qua đó thường xuyên triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy chế phối hợp. Chất lượng phối hợp với các cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Trại giam, Trại tạm giam, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội ngày càng chặt chẽ, nề nếp đem lại hiệu quả rõ nét. Ban Chỉ đạo THADS hai cấp hoạt động tích cực, có hiệu quả, thường  xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ cùng với cơ quan THADS kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung giải quyết dứt điểm những vụ án điểm, những việc khó thị hành.
Với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh, Cục trưởng và Lãnh đạo Cục đã có nhiều nỗ lực và mạnh dạn cải tiến, đổi mới trong công tác THADS, đặc biệt là trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính và trong đổi mới phương thức làm việc. Hướng mạnh đến địa bàn cơ sở, nắm bắt kịp thời những hồ sơ, vụ việc có khó khăn, vướng mắc tại các Chi cục để kịp thời tháo gỡ, chỉ đạo giải quyết; tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra trong nội bộ, chú trọng kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS, kiểm tra theo chuyên đề về trình tự, thủ tục thi hành án nhằm phát hiện những thiếu sót để qua đó chấn chỉnh, khắc phục. Tiếp tục chấn chỉnh ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hoá công vụ trong toàn ngành THADS tỉnh Thanh Hóa. Nâng cao vai trò và trách nhiệm Tổ kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính của Cục trong công tác kiểm tra đột xuất tại các đơn vị trực thuộc trên địa bàn về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nghiêm túc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chăm lo đời sông của cán bộ, công chức, người lao động. Đây mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án.
Với trọng tâm “Nâng cao hiệu quả thi hành các bản án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, Cục THADS đã thành lập lập tổ công tác đặc biệt do đồng chí Cục trưởng làm Tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ việc tín dụng, ngân hàng có giá trị thi hành lớn trong tỉnh. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét các vấn đề một cách khách quan, toàn diện, tại các cuộc kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề của Cục THADS tỉnh đối với một số Chi cục trên địa bàn toàn tỉnh, đồng chí Cục trưởng trực tiếp tham gia, chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị có án tín dụng ngân hàng tập trung xác minh, kê biên, xử lý tài sản, không đơn vị nào để xảy ra tình trạng án tín dụng ngân hàng có điều kiện mà không tổ chức thi hành hoặc chậm tổ chức thi hành. Chấp hành viên nào có biểu hiện nể nang, né tránh việc cưỡng chế kê biên thì phải xem xét xử lý ngay. Các đồng chỉ Thủ trưởng đơn vị tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thi hành án và chỉ đạo Chấp hành viên đẩy nhanh tiến độ trong việc thực hiện kê biên, xử lý tài sản đưa ra bán đấu giá. Cùng với đó là quán triệt đến từng Chấp hành viên thực thi nghiêm kỷ luật, kỹ cương trong đơn vị. Trong quá trình tổ chức thi hành án có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo lãnh đạo Cục, Phòng Nghiệp vụ để có hướng tháo gỡ, khắc phục. Các đồng chí Chi cục trưởng, Chấp hành viên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền; chủ động trong việc đấu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền cơ sở, Ban chỉ đạo THADS để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng chí Chi cục trưởng căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi đơn vị để phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, người lao động tại đơn vị mình vừa bảo đảm hiệu quả công tác quản lý cán bộ, đồng thời giúp quá trình tổ chức, vận hành mọi hoạt động được thông suốt, chất lượng. Cán bộ, công chức chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Chi cục và trước pháp luật, các Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Cục về việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của cá nhân Chi cục trưởng, cán bộ, công chức trong đơn vị và chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đơn vị mình. Đồng chí nào để xảy ra tình trạng chậm tổ chức thi hành án, kéo dài việc tổ chức thi hành án, tổ chức thi hành án không kịp thời, không dứt điểm, không đúng quy định pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước Cục trưởng, Lãnh đạo Cục.
Đối với các Chi cục, căn cứ chỉ tiêu được giao ngay từ đầu năm công tác và Kế hoạch phát động phong trào thi đua số 15/KH-CTHADS ngày 20/02/2022 với chủ đề "Toàn Hệ thống thi hành án dân sự đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt khó, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao", hầu hết các Chi cục quán triệt ngày nào cũng là ngày thi đua để về đích, nhằm khơi dậy tinh thần hăng hái thi đua sôi nổi của cán bộ, công chức trên tất cả các mặt, lĩnh vực công tác. Tăng cường công tác xác minh và phân loại án, tập trung giải quyết các vụ việc có tài sản đảm bảo, có điều kiện nhưng chưa thi hành và án liên quan đến ngân hàng, tổ chức tín dụng và  kinh tế, tham nhũng; tập trung xác minh, thông báo và xử lý dứt điểm các vụ việc có thể thi hành xong, nâng cao chỉ tiêu thi hành án; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến lề lối làm việc, tăng cường kỷ cương kỷ luật công vụ, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc trên cơ sở tinh thần trách nhiệm, nâng cao thái độ phục vụ nhân dân; trú trọng công tác tự kiểm tra, tự rà soát kết quả, hồ sơ thi hành án, tự khắc phục các tồn tại trong công tác chuyên môn, đảm bảo chính xác về số liệu hồ sơ và số liệu thống kê báo cáo, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục thi hành án.
Kết quả cho thấy, trong 09 tháng đầu năm, tổng số vụ việc toàn tỉnh phải giải quyết là 16.324 việc, trong đó số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển số theo dõi riêng) 5.888 việc; Số thụ lý mới 10.436 việc. Sau khi trừ đi số ủy thác 125 việc, số thu hồi, hủy quyết định thi hành án 04 việc, tổng số phải thi hành 16.195 việc.
Trong số 16.195 việc phải thi hành, số có điều kiện thi hành là 13.086 việc, số chưa có điều kiện là 3.095 việc. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 9.167 việc, đạt tỷ lệ 70,05%. Số việc chưa có điều kiện thi hành đã chuyển số theo dõi riêng 1.722 việc. Sô việc chuyên kỳ sau 7.028 việc.
Về tiền: Trong 09 tháng/2022, toàn tỉnh có tổng số phải giải quyết 2.612 tỷ 658 triệu 590 nghìn đồng, trong đó số cũ chuyển sang 1.581 tỷ 982 triệu 893 nghìn đồng, số thụ lý mới 1.030 tỷ 675 triệu 697 nghìn đồng (trừ số đã chuyển số theo dõi riêng).
Sau khi trừ đi số ủy thác 79 tỷ 212 triệu 896 nghìn đồng, số thu hồi, hủy quyết định thi hành án 2 tỷ 098 triệu 178 nghìn đồng; tổng số còn phải thi hành 2.531 tỷ 347 triệu 516 nghìn đồng, trong đó số có điều kiện thi hành 1.308 tỷ 493 triệu 329 nghìn đồng, số chưa có điều kiện 1.200 tỷ 449 triệu 970 nghìn đồng (trừ số đã chuyên số theo dõi riêng) .
Trong số có điều kiện thi hành 1.308 tỷ 493 triệu 329 nghìn đồng, đã thi hành xong 427 tỷ 694 triệu 997 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 32,69%. Tổng số tiền chưa có điều kiện thi hành đã chuyển số theo dõi riêng 262 tỷ 106 triệu 130 nghìn đông; Sô tiền chuyên kỳ sau 2.103 tỷ 652 triệu 519 nghìn đồng.
So với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ giải quyết xong về việc và về tiền đều tăng. Đặc biệt, tỷ lệ thi hành xong về tiền tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 9,39%). Một số đơn vị đạt tỷ lệ giải quyết cao về việc và tiền như: Chi cục Như Xuân (81,57% về việc, 67,14% về tiền); Quan Hóa (90,79% về việc, 66,4% về tiền); Thọ Xuân (82,03% về việc, 63,58% về tiền), Vĩnh Lộc (84,14% về việc, 42,79 % về tiền); Lang Chánh (86,3% về việc, 46,84% về tiền); Thiệu Hóa ((75,5% về việc, 44,61% về tiền).
Với tinh thần quyết tâm, phấn đấu và chủ trương quyết liệt trong chỉ đạo và trong tổ chức thi hành án, có thể tin tưởng rằng 03 tháng cuối năm 2022, toàn ngành THADS tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì, phấn đấu đạt và vượt mức chỉ tiêu 82% về việc và 41,6% về tiền mà Tổng cục THADS giao cho ngành THADS tỉnh Thanh Hóa.
Lê Thị Phương