Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định

24/10/2023


Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã làm việc với Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định về tình hình, kết quả công tác thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) thành pháp luật của Nhà nước theo Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW, ngày 07/8/2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng chí Đoàn Hồng Ngọc, Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Ban Nội chính Trung ương chủ trì buổi làm việc. Tham gia Đoàn Kiểm tra, có đại diện cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đại diện các Bộ: Công an, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội. Đồng chí Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Sở; đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục tham gia làm việc với Đoàn Kiểm tra.
 Theo chương trình làm việc, đi vào buổi làm việc lần lượt đồng chí Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng cục THADS tỉnh báo cáo tình hình và kết quả công tác thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp, chức năng, nhiệm vụ của Cục Thi hành án dân sự từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/6/2023, trong đó đã tập trung nhấn mạnh các nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hoá, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; kết quả thể chế hoá, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, lĩnh vực đấu thầu, lĩnh vực đấu giá tài sản, lĩnh vực giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự; kết quả thể chế hoá, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật trong lĩnh vực thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kết quả hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao v.v..

Trên cơ sở báo cáo của Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Đoàn Kiểm tra tập trung trao đổi những nội dung mang tính chất nóng, nhạy cảm, như trong lĩnh vực của Sở Tư pháp quản lý có nội dung về giám định tư pháp; lĩnh vực đấu giá tài sản; công chứng v.v... Đối với trong lĩnh vực đấu giá tài sản, có bất cập trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá theo qui định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP, ngày 08/02/2022 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Theo đó, còn có qui định chưa phù hợp với thực tiễn, như qui định người có tài sản có quyền đưa ra các điều kiện, tiêu chí để lựa chọn tổ chức đấu giá, như: tổ chức đấu giá có số tiền thuế nộp hàng năm vào ngân sách nhà nước cao, tổ chức đấu giá có năng lực, uy tín v.v.. nên đã mặc nhiên loại trừ các tổ chức  đấu giá tài sản khác do chưa đủ thời gian hoạt động để đáp ứng các tiêu chí mà người có tài sản đưa ra, nhất là các doanh nghiệp đấu giá mới được thành lập, nên phải ngừng hoạt động.
Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự, các thành viên của Đoàn Kiểm tra quan tâm đến việc thi hành án đối với việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế làm sao để thu hồi nhanh nhất, triệt để nhất cho ngân sách nhà nước. Vấn đề bán đấu giá tài sản trong lĩnh vực thi hành án dân sự vẫn còn nhiều qui định chưa rõ, còn nhiều khoảng trống. Về bản chất, việc đấu giá tài sản thi hành án có tính chất cưỡng chế, bắt buộc để thực hiện bản án, quyết định của Tòa án, khác với tính chất đấu giá tài sản tự nguyện trong quan hệ pháp luật dân sự. Do đó, khi bán đấu giá nếu áp dụng trình tự thông thường sẽ chưa đáp ứng được yếu tố đặc thù trong THADS như: Quyền nhận lại tài sản của người phải thi hành án trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc; việc bán đấu giá theo thủ tục rút gọn; việc xác định đấu giá tài sản thi hành án không thành; việc xử lý tiền đặt trước của người tham gia đấu giá.
Lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã kiến nghị với Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực  nghiên cứu, xem xét đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung các qui định của Luật Đấu giá tài sản, Luật thi hành án dân sự và các Luật có liên quan còn có qui định chồng chéo, vướng mắc trên thực tiễn; đồng thời, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành qui định pháp luật của Nhà nước thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, ngăn chặn, loại bỏ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.  
   Võ Công Hoàng