Tham dự Hội nghị có đ/c Nguyễn Thị Thu Huyền, Quyền Cục trưởng; đ/c Bùi Văn Sơn và đ/c Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng; Lãnh đạo các phòng thuộc Cục, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, kế toán hành chính sự nghiệp, kế toán nghiệp vụ thi hành án và các đ/c Chi Cục trưởng, Phó Chi cục trưởng và công chức có thành tích cao được công nhận năm 2024 từ
“Chiến sỹ thi đua cơ sở” trở lên. Năm 2024, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã triển khai, thực hiện kịp thời, đồng bộ các chương trình, kế hoạch công tác đề ra. Kết quả Cục THADS tỉnh đã đạt chỉ tiêu Tổng cục thi hành án dân sự giao, cụ thể: Trong số có điều kiện thi hành, số việc thi hành xong đạt tỉ lệ 90,47%, vượt 6,82% so với chỉ tiêu được giao năm 2024; số tiền thi hành xong đạt tỉ lệ 16,79%, thiếu 29,96% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao năm 2024.
Để đạt được các kết quả trên, Cục THADS tỉnh Hà Giang đã làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, gắn với tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra; tăng cường phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu.
Để triển khai thực hiện thắng lợi, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ tiêu về THADS, theo dõi THAHC năm 2025 do Bộ Tư pháp; Tổng cục THADS giao, Cục THADS tỉnh Hà Giang đã xác định 15 nhóm nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch công tác trọng tâm năm 2025 của Bộ Tư pháp với các giải pháp như: (1) Các đơn vị tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp công tác THADS, trong đó tập trung thi hành có hiệu quả các vụ việc thi hành án có giá trị lớn, việc thi hành án liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, án kinh doanh thương mại, những vụ việc có khó khăn, phức tạp, kéo dài, án có điều kiện trên 01 năm chưa thi hành xong. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối hợp với TAND, VKSND, Công an, các cơ quan, đơn vị chuyên môn trực thuộc của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố để tăng cường xác minh điều kiện thi hành án, phân loại, xử lý, cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật. (2) Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ; tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục thi hành án, nhất là các thủ tục liên quan đến kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra và tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm. (3) Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, kể cả cán bộ quản lý khi có sai phạm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, có hành vi nhũng nhiễu, những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, hạn chế về năng lực, trình độ. Đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa, thường xuyên giáo dục phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động…
|
|
Tại Hội nghị được nghe nhiều ý kiến tham luận của các đơn vị về những giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác THADS, theo dõi THAHC; đồng thời triển khai Nghị định số 152/NĐ-CP ngày 15/11/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Nghị định số 33/2020/NĐ-CP và một số văn bản mới của Tổng cục THADS; Thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp; Thông báo kết luận của Ban chỉ đạo Bộ Tư pháp về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” tại phiên họp thứ hai ngày 16/12/2024.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đ/c Nguyễn Thị Thu Huyền - Quyền Cục trưởng yêu cầu, trong năm 2025 lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục và các Chi cục THADS trực thuộc tiếp tục nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Quy định số 183-QĐ/TW về bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, theo dõi thi hành án hành chính giai đoạn 2022 - 2026... Triển khai việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo phù hợp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp như yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Rà soát, xây dựng kế hoạch và thực hiện việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị./.