Mô hình Bộ Tư pháp quản lý thống nhất thi hành án trên thế giới: Mang lại nhiều lợi ích đáng kể!

03/02/2009
Đó là kinh nghiệm quốc tế mà GS.Rob Allen – Giám đốc Trung tâm quốc tế về nghiên cứu nhà tù (trường King’s College thuộc Đại học London, Anh) - đã khẳng định sau khi nghiên cứu các mô hình quản lý thi hành án (THA), nhất là quản lý hệ thống nhà tù trên thế giới.


Đảm bảo tính chất dân sự và văn hóa quyền con người

Trong những năm gần đây đã xuất hiện xu thế chuyển trách nhiệm quản lý nhà tù sang Bộ Tư pháp. Trên thế giới, phần lớn các nhà tù và cơ sở giam giữ thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và/hoặc Bộ Công an, quân đội, Bộ Y tế và các cơ quan giáo dục/phúc lợi xã hội. Theo kinh nghiệm của nhiều nước mà GS.Rob Allen đã đúc kết, nếu nhà tù thuộc quyền kiểm soát của quân đội thì không thể đáp ứng được những yêu cầu phù hợp với các qui tắc quốc tế để bảo vệ mọi quyền pháp lý của con người, cho phép Quốc hội kiểm soát và các tổ chức xã hội dân sự tiếp cận đối với tù nhân và các cơ sở giam giữ. Điều đó có thể xâm hại và làm tổn thương tới tính chất dân sự và văn hóa quyền con người vốn là những yếu tố cần thiết của hệ thống nhà tù dân sự, cũng như có nguy cơ ảnh hưởng đến tính công bằng của quá trình tố tụng hình sự.

GS.Rob Allen cũng thấy rằng, nếu không có sự tách bạch rõ ràng giữa cơ quan quản lý cảnh sát và cơ quan quản lý nhà tù có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu nhà tù thuộc kiểm quyền soát của cảnh sát hay trong cùng cơ quan của Chính phủ thì có thể nảy sinh nguy cơ là cán bộ điều tra sử dụng việc giam giữ nghi phạm làm công cụ điều tra hay như một phương tiện để ép buộc người đó phải thú nhận lời buộc tội đối với mình. Điều này có khả năng dẫn đến việc hành hạ, tra tấn hay các hành vi làm hạ thấp nhân phẩm khác.

Trên cơ sở nhìn ra những bất lợi nếu để quân đội hay cảnh sát quản lý hệ thống nhà tù, GS.Rob Allen nhận định, việc giao trách nhiệm về tư pháp hình sự cho Bộ Tư pháp có thể mang lại nhiều lợi ích tích cực hơn. Điều đó thể hiện ở việc, Bộ Tư pháp dường như là mảnh đất màu mỡ hơn cho cải cách chính sách về các lĩnh vực như tố tụng hình sự, đưa ra các hình phạt thay thế cho tù giam và cải thiện điều kiện trong các nhà tù, so với Bộ Công an hay Bộ Nội vụ.

Bên cạnh đó, với các biện pháp bảo vệ thích hợp, Bộ Tư pháp có thể tạo điều kiện để ngành tòa án tham gia hoạch định chính sách hình sự và đạt được các mục tiêu chung của hệ thống hình phạt và hệ thống tư pháp. Bộ Tư pháp cũng có vị thế thuận lợi hơn nhiều cơ quan khác trong Chính phủ nhằm đảm bảo cho các cơ quan liên quan (y tế, giáo dục, chính quyền địa phương) có thể tham gia giúp phạm nhân cải tạo, xây dựng lại cuộc đời. Bộ Tư pháp cũng có thể góp phần tăng cường niềm tin của công chúng đối với hệ thống tư pháp hình sự và các hoạt động tư pháp khác bằng cách thức phù hợp với những giá trị bao trùm của mình. Tuy nhiên, GS.Rob Allen không phủ nhận vai trò của các cơ quan khác, bên cạnh vai trò chủ đạo của Bộ Tư pháp, trong quản lý THA như Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ LĐTB&XH chịu trách nhiệm về cải tạo, giáo dục đối với những đối tượng dưới 18 tuổi phạm pháp, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về khám chữa bệnh cho tù nhân trong thời gian thụ án…

Hiệu quả từ thực tế

Ngày 31/8/1998, Nga đã chính thức sát nhập hệ thống quản lý phạm nhân hình sự do cơ quan THA liên bang (FSES) quản lý vào Bộ Tư pháp (trừ các hình thức kỷ luật quân sự) như một điều kiện để được công nhận quy chế thành viên của EU. Sau khi chuyển giao, trách nhiệm quản lý hệ thống nhà tù ở Nga đã được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ hơn nhiều về mặt chính trị; nâng cao nhận thức của xã hội về việc phải quan tam và tham gia trong việc xây dựng hệ thống nhà tù, cũng như góp phần cải thiện mỗi quan hệ với các cơ quan có thẩm quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này. Năm 2002, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nga Yuri Kalinin cũng từng đánh giá, việc chuyển giao trách nhiệm quản lý nhà tù cho Bộ Tư pháp Nga “là một trong những bước đi có ý nghĩa nhất nhằm đảm bảo chắc chắn hơn việc tuân thủ các qui tắc về tính pháp lý và các quyền con người”.

Tại Thái Lan, việc chuyển giao trách nhiệm quản lý nhà tù sang Bộ Tư pháp là một phần của chương trình cải tổ bộ máy Chính phủ, trong đó có việc chuyển giao vai trò giám sát Văn phòng Ban Phòng chống ma túy từ Thủ tướng sang Bộ Tư pháp. Cục Cải tạo và giam giữ phạm nhân (Bộ Tư pháp Thái Lan) nhận xét, từ khi chuyển giao trách nhiệm cải tạo, giam giữ sang Bộ Tư pháp chưa có vấn đề gì lớn xảy ra, nhưng việc chuyển giao này đã dẫn đến các bước cải cách khác trên quan điểm cho rằng “giam giữ an toàn không chỉ là giữ tù nhân trong một vòng kiểm soát mà còn là đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của họ và đối xử với họ một cách công bằng”. Từ đó, các điều kiện trong nhà tù đã được cải thiện nhờ việc triển khai các hoạt động thanh tra và kiểm toán ở cấp quốc gia và cấp địa phương, tù nhân được khiếu nại khi bị đối xử tàn tệ, các bước đổi mới về tố tụng hình sự đã được tiến hành xây dựng nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Ở Trung Quốc, Bộ Tư pháp, thông qua Cục Quản lý nhà tù, có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát việc THA và cải tạo, giam giữ phạm nhân cũng như các vấn đề liên quan đến nhà tù. Công việc bắt đầu từ tháng 5/1983 khi các nhà tù và các trại cải tạo lao động được chuyển sang từ Bộ Công an. Từ đó, hầu hết các nhà tù đều do Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố quản lý, điều hành và bản thân Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý, điều hành 1 nhà tù. Đối với công tác quản lý cải tạo lao động, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ chính là giám sát cải tạo lao động, về các công việc hành chính, giáo dục cảnh sát thực hiện nhiệm vụ cải tạo và đạo tạo nghiệp vụ cho người bị giam giữ. Vai trò giám sát của Bộ Tư pháp Trung Quốc trong THA không chỉ mang tính hình thức. Phòng Cải tạo lao động của Bộ Tư pháp có trách nhiệm thu thập dữ liệu thống kê về số người bị giam giữ tại các trại cải tạo lao động và đã đóng góp tích cực cho việc đổi mới hệ thống giam giữ, cải tạo ở nước này.

TS.Zhou Yong (Giám đốc Viện Phòng ngừa tội phạm thuộc Bộ Tư pháp Trung Quốc) khẳng định, việc chuyển giao trách nhiệm quản lý hệ thống nhà tù sang Bộ Tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thiện công việc quản lý nhà tù, hệ thống tư pháp, củng cố hoạt động của các nhà tù, hệ thống pháp luật, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền con người.

Hiện Việt Nam đang “chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác THA” theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Vì thế, những mô hình quản lý THA các nước sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm cho Việt Nam trong tiến trình này./.

Huệ Chi

Mô hình Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm quản lý nhà tù hiện được áp dụng ở tất cả 47 quốc gia trong Liên minh châu Âu (trừ Tây Ban Nha), hầu hết các nước châu Mỹ, nhiều nước châu Phi và một số nước châu Á. Một số nước thuộc Liên Xô (cũ) chuyển nhà tù sang Bộ Tư pháp quản lý, những nước còn lại do Bộ Nội vụ quản lý nhà tù. Phần lớn các nước Trung Đông, nhà tù thuộc Bộ Nội vụ quản lý. Ở Kazakstan, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm quản lý tù nhân đã bị kết án, còn Bộ Nội vụ thì chịu trách nhiệm quản lý những đối tượng tạm giam chờ xét xử.