Cơ quan thi hành án dân sự có được trao đổi vật chứng vụ án hay không?

15/12/2009

Nội dung vụ việc như sau: Tại Bản án số 45/2007/HSST ngày 28/11/2007 của TAND huyện Phổ Yên tỉnh T.Ng xét xử đối với Trần Anh Minh về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 1 Điều 202, Bộ luật hình sự (BLHS) đã tuyên xử như sau:



“… Tuyên phạt bị cáo Trần Anh Minh 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng kể từ ngày tuyên án.

Về hình phạt bổ sung: áp dụng khoản 5 Điều 202, BLHS cấm bị cáo lái xe ô tô trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật.

Về vật chứng: áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) ô tô hạng B2 số Z641341 do Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cấp ngày 26/6/2006 mang tên Trần Anh Minh (theo biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan Công an và Cơ quan thi hành án dân sự (CQTHADS) huyện Phổ Yên ngày 19/10/2007)…”.

Bản án không có kháng cáo, kháng nghị và ngày 28/12/2007, Bản án có hiệu lực pháp luật thi hành.

Hồ sơ thi hành án tại CQTHADS huyện Phổ Yên thể hiện như sau: tại biên bản giao nhận vật chứng vụ án giữa Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) và CQTHADS huyện Phổ Yên ngày 19/10/2007 thể hiện việc VKSND đã chuyển đầy đủ vật chứng vụ án, trong đó có GPLX ô tô hạng B2 số Z641341 mang tên Trần Anh Minh cho CQTHADS bảo quản theo đúng quy định.

Tuy nhiên, khi kiểm tra vật chứng vụ án trên tại Kho vật chứng của CQTHADS thì không có GPLX ô tô số Z641341. Qua tìm hiểu, được biết vì GPLX ô tô số Z641341 bị Cơ quan Điều tra thu giữ và TAND huyện Phổ Yên đã tuyên tạm giữ đến ngày 30/6/2009 là hết hạn sử dụng. Tháng 6/2009, CQTHADS huyện Phổ Yên đã cho đương sự Trần Anh Minh mượn GPLX trên để Trần Anh Minh đổi GPLX mới và yêu cầu Trần Anh Minh mang GPLX ô tô hạng B2 có số AK 832395 mang tên Trần Anh Minh đã đổi đến nộp cho CQTHADS huyện Phổ Yên để tạm giữ theo quyết định của Bản án.

Đối với vụ việc như trên thì có 2 quan điểm xử lý như sau:

1. Quan điểm thứ nhất cho rằng: CQTHADS huyện Phổ Yên không vi phạm vì thực tế việc cấm Trần Anh Minh hành nghề lái xe thể hiện ở việc đã tạm giữ GPLX ô tô của Minh cho đến khi hết hạn cấm hành nghề như quyết định của Bản án đã tuyên. Việc CQTHADS huyện Phổ Yên cho Minh lấy GPLX ra để đổi bằng mới theo quy định, sau đó Minh nộp lại cho CQTHADS huyện Phổ Yên GPLX ô tô mới đã đổi, có số giấy phép và ngày cấp bằng mới nhưng vẫn mang tên Trần Anh Minh như trên là phù hợp và không vi phạm pháp luật. Do đó, Bản án tuyên cấm lái xe 02 năm đối với Trần Anh Minh vẫn có hiệu lực trên thực tế.

2. Quan điểm thứ hai cho rằng: CQTHADS huyện Phổ Yên thực hiện việc bảo quản vật chứng vụ án như trên là không đúng quy định, trong quá trình bảo quản đã làm thất lạc vật chứng, thực tế vật chứng (GPLX) hiện CQTHADS đang tạm giữ tại Kho vật chứng của CQTHADS là hoàn toàn không đúng với vật chứng mà Cơ quan Điều tra đã thu giữ trong quá trình điểu tra, xử lý vụ án cũng như theo quyết định của Bản án đã tuyên và được bàn giao cho CQTHADS theo đúng quy định.

Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, rõ ràng việc làm đó của CQTHADS huyện Phổ Yên là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự cần phải được làm rõ và xử lý theo quy định. Cụ thể, Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 đã quy định về việc bảo quản vật chứng các vụ án hình sự của CQTHADS và tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật THADS năm 2009 đã quy định cụ thể về thủ tục tiếp nhận vật chứng và tài sản tạm giữ trong các vụ án giữa các Cơ quan Công an, Toà án, Viện kiểm sát với CQTHADS như sau:

“Thủ kho có trách nhiệm trực tiếp nhận, kiểm tra hiện trạng vật chứng, tài sản tạm giữ và nhập kho THA. Việc giao nhận vật chứng, tài sản tạm giữ phải được lập biên bản ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm giao nhận, số lượng, chủng loại, hiện trạng của từng loại vật chứng, tài sản tạm giữ, có so sánh với biên bản thu giữ ban đầu của cơ quan Công an hoặc Toà án. CQTHADS chỉ tiếp nhận tài sản đủ và đúng với hiện trạng ghi trong biên bản thu giữ ban đầu…”

Như vậy, kể từ khi nhận bàn giao, thì trách nhiệm bảo quản và xử lý đối với vật chứng, tài sản tạm giữ theo quyết định của Bản án là hoàn toàn thuộc trách nhiệm của của CQTHADS, mọi mất mát, hư hỏng hay bị đánh tráo vật chứng, tài sản tạm giữ… thì CQTHADS phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Việc bảo quản đối với vật chứng, tài sản tạm giữ được quy định hết sức chặt chẽ và nghiêm ngặt, khi trả lại tài sản cho đương sự hoặc áp dụng các biện pháp xử lý khác thì vật chứng phải được kiểm tra, so sánh, đối chiếu với biên bản thu giữ, quyết định của Bản án, biên bản bàn giao. Nếu quá trình bảo quản mà vật chứng, tài sản tạm giữ bị hư hỏng do tự nhiên hoặc không còn giá trị sử dụng thì CQTHADS thực hiện việc xử lý vật chứng theo quy định tại các Điều 125, 126 Bộ luật THADS năm 2009.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 3, Điều 75 BLTTHS quy định về việc thu giữ và bảo quản vật chứng vụ án thì: “Người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá huỷ niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất dấu hoặc huỷ hoại vật chứng của vụ án, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 310 BLHS…”. Trong trường hợp này, rõ ràng là CQTHADS huyện Phổ Yên đã cho đương sự lấy vật chứng ra khỏi Kho quản lý để đương sự tráo vật chứng cùng loại bằng một vật chứng cùng loại khác nhưng không đúng với vật chứng ban đầu mà Cơ quan Điều tra đã thu giữ và đã bị tuyên tạm giữ trong Bản án đã xét xử. Do đó, CQTHADS huyện Phổ Yên đã vi phạm các quy định của Bộ luật THADS năm 2009 và BLTTHS như đã nêu trên.

Tóm lại, hiện tại không có quy định nào của pháp luật cho phép đương sự hoặc CQTHADS được lấy vật chứng vụ án ra khỏi Kho của CQTHADS để đổi hoặc thay thế bằng vật chứng khác tương tự, trừ trường hợp hình thức xử lý đối với vật chứng đó được ghi rõ trong Bản án của Toà án. Còn quan điểm thứ nhất thì vô hình chung phần quyết định của Bản án đã tuyên cấm hành nghề và giữ GPLX của Toà án đối với Trần Anh Minh không có hiệu lực thi hành.

Qua trường hợp này, thiết nghĩ các cơ quan tố tụng huyện Phổ Yên cần phải xác minh, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan trong vụ việc nêu trên nhằm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về việc thu giữ, bảo quản vật chứng vụ án cũng như việc thực hiện tốt các quy định của Bộ luật THADS năm 2009.

L. T. N