Ông Nguyễn Văn Lực – Quyền Trưởng Thi hành án TP. Hồ Chí Minh: “Thừa phát lại đi vào hoạt động sẽ giảm tải 30% khối lượng công việc cho Chấp hành viên”

17/03/2008

Năm 2008 là năm đầu tiên TP. Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm Đề án thừa phát lại. Đây là mô hình hoàn toàn mới trong lĩnh vực Thi hành án (THA) và lần đầu tiên được triển khai tại TP này. Công việc được chuẩn bị ra sao? PV Báo Pháp luật VN đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Lực- Quyền Trưởng THADS TP.



- Thưa ông, xuất phát từ đâu, TP. Hồ Chí Minh có Đề án thừa phát lại?

Đó là một câu chuyện dài. Nhưng khởi thảo bắt nguồn từ Đề tài của TS. Nguyễn Đức Chính (Giám đốc Sở Tư pháp TP.) theo đuổi từ nhiều năm qua nhưng đến 2008 mới chính thức được chấp nhận đưa vào làm thí điểm. Cũng xuất phát từ thực tế khối lượng án phải thi hành ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay quá lớn (toàn TP có khoảng 160 chấp hành viên, năm 2007 riêng THA TP bình quân mỗi chấp hành viên phải giải quyết 605 việc). Bên cạnh đó, trong quá trình xét xử các vụ án dân sự, theo quy định của pháp luật, việc chứng minh thuộc về đương sự. Tuy nhiên, người dân không phải ai cũng có điều kiện và khả năng làm được việc này. Theo Đề án, thừa phát lại có ba nhiệm vụ: lập di bằng để tạo ra nguồn chứng cứ đáng tin cậy cho các cấp Toà án; tống đạt các loại giấy báo, giấy mời  cho Toà án và Thi hành án; thực hiện nhiệm vụ xác minh cho cơ quan THA. Như vậy tức là thừa phát lại giúp cho cơ quan THA một phần nhỏ công việc, còn lại quan trọng là tạo lập nguồn chứng cứ cho người dân trong quá trình xét xử các vụ án dân sự.

- Mô hình thừa phát lại sẽ được tổ chức ra sao, thưa ông?

THA TP đang đề nghị trước mắt sẽ thành lập 6-8 Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP. Sở Tư pháp sẽ quản lý và chỉ đạo về nghiệp vụ. Có thể hình dung hoạt động của các Văn phòng thừa phát lại giống như một doanh nghiệp.

- Vậy nguồn nhân lực cho các Văn phòng được lấy từ đâu và những người làm công tác này có phải qua đào tạo về thừa phát lại không?

Trước mắt có thể sử dụng đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khoẻ để làm công việc này. Hoặc cũng có thể sử dụng những cử nhân luật ra trường chưa có việc làm. Hiện tại thì chưa có các lớp đào tạo nghiệp vụ cho thừa phát lại, Bộ Tư pháp có thể giao cho Học viện Tư pháp biên soạn giáo trình và mở các lớp bồi dưỡng cấp tốc để trang bị kiến thức về THA cũng như các lĩnh vực khác cho học viên. Còn về lâu dài, những người làm thừa phát lại phải giống như chấp hành viên, thẩm phán, kiểm sát viên phải qua một khoá học (nên giao cho Học viện tư pháp đào tạo) và coi đây là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc để bổ nhiệm.

- Như vậy, khi có thừa phát lại, THA sẽ “nhẹ gánh” nhiều?

Đúng! Thừa phát lại được thành lập và hoạt động vào nề nếp sẽ giảm tải khoảng 30% khối lượng công việc cho chấp hành viên. Thực tế hiện nay, chấp hành viên của chúng tôi đang phải dành 30% tổng số thời gian để làm các thủ tục hướng dẫn cho đương sự, đi xác minh, tống đạt giấy báo, giấy mời. Không phải làm các công việc đó nữa chấp hành viên sẽ có nhiều thời gian để giải quyết án chất lượng hơn.

-  Hiện nay, công tác chuẩn bị cho sự ra đời của các Văn phòng thừa phát lại đến đâu và cá nhân ông có dự liệu những khó khăn gì không?

    Hiện nay Bộ Tư pháp đã giao cho Cục THA, Viện Khoa học pháp lý và Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh chủ trì xây dựng Dự thảo Đề án thừa phát lại. Theo lộ trình, cuối năm nay mới thực hiện thí điểm, sau đó đánh giá tổng kết và xem xét triển khai đại trà. Tuy nhiên, phải đợi Đề án hoàn chỉnh mới triển khai được các bước tiếp theo.

Khó khăn, theo tôi là hiện nay chưa có những quy định cho thừa phát lại hoạt động. Do vậy, phải nhanh chóng bổ sung các quy định này và sửa đổi các quy định liên quan. Ví dụ cần quy định rõ các cơ quan quản lý tài sản phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin về tài sản một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời cho thừa phát lại; hay cơ chế phối hợp của chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành với tổ chức thừa phát lại…

-  Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thu Hằng

Năm 2003 số việc thi hành xong ở TP. Hồ Chí Minh là 26.884 việc, đến năm 2007 con số này tăng lên 44.886 việc. Nếu năm 2003 số việc còn tồn đọng là 54.978 việc, thì năm 2007 đã giảm xuống còn 50.710 việc, với sô tiền tồn đọng là 9060 tỷ (đã giải quyết xong 1974 tỷ)