Một trường hợp xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ ba trong thi hành án dân sự

13/07/2017
 “Nợ xấu” là vấn đề rất nóng không chỉ riêng ngành Ngân hàng mà còn rất nóng trên các diễn đàn Quốc hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt những ngày qua. Nợ xấu tạo ra sự bất ổn và tác động xấu đến nền kinh tế và được ví như “cục máu đông”. Do đó, việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã được cả hệ thống chính trị quan tâm và vào cuộc trong đó có cả hệ thống các cơ quan thi hành án[1]. Năm 2016 các cơ quan thi hành án đã xử lý tài sản và thu cho các tổ chức tín dụng khoảng 78.652 tỷ  đồng (tăng hơn năm 2015 là khoảng 9.687 tỷ đồng). Tuy nhiên, mặc dù các cơ quan thi hành án đã cố gắng, nỗ lực nhưng số nợ xấu còn tồn ở các cơ quan thi hành án dân sự là rất lớn hơn 50.000 tỷ đồng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu còn tồn ở các cơ quan thi hành án dân sự như: tài sản bảo đảm không đủ, thị trường bất động sản trầm lắng… nhưng có nguyên nhân là bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng đặc biệt là những bản án, quyết định liên quan đến xử lý tài sản của bên thứ ba bảo lãnh cho người phải thi hành án (bên đi vay).
 
[1] Ngày 21/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
 


Trong quá trình giải quyết việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, các cơ quan thi hành án dân sự đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án trước hay xử lý tài sản thế chấp của người thứ ba để thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án. Xin trao đổi một vụ việc cụ thể như sau:
1. Nội dung vụ việc
Theo Bản án số 04/KDTM-PT ngày 13/9/2013 của TAND tỉnh B:
“1. Buộc Công ty TNHH MTV Tr phải trả cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam số tiền là 17.537.894.723 đồng tính đến ngày 21/5/2013, gồm nợ gốc: 14.500.000.000 đồng, lãi trong hạn: 2.265.151.667 đồng, lãi quá hạn 772.743.056 đồng.
2. Sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, nếu Công ty TNHH MTV Tr không trả đủ số tiền gốc và lãi nêu trên thì Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp của anh Lvà chị H là quyền sử dụng 4.739 m2 đất thổ cư tại thửa 139, tờ bản đồ 25; 2.400 m2 đất thổ cư tại thửa số 129, tờ bản đồ số 25 thôn 2, xã P huyên Y  và toàn bộ hạ tầng kỹ thuật cùng các công trình xây dựng trên 02 thửa đất trên gồm: Các hạng mục nhà chính, nhà hữu mạc, nhà tả mạc, nhà lưu niệm, nhà thể thao và xông hơi, nhà phục vụ, tam quan nội và án thư, tam quan ngoại, sân đá, sân chơi, hồ sen, thủy đình, bể bơi, tiểu cảnh trang trí, tường rào và các hạng mục cấp điện, cấp thoát nước, cứu hỏa theo Hợp đồng thế chấp số 010/12/HĐTC/B ngày 19/01/2012 để thu hồi nợ.”
Quá trình giải quyết việc thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh được biết Công ty TNHH MTV Tr có tài sản gồm: Quyền sử dụng 6.892,9m2 đất tại thôn Đồng Điều 8 xã T, huyện T, nguồn gốc đất  thuê của UBND tỉnh B thời hạn thuê đất từ ngày 26/10/ 2009 đến 08/4/2058, hình thức thuê là trả tiền thuê đất hàng năm đã được cấp giấy CNQSDĐ số AO 128611 ngày 30/11/2009. Tài sản trên đất có các công trình như nhà điều hành, nhà xưởng, nhà kho và một số công trình phụ trợ. Trong thời gian Chi cục Thi hành án T đang tổ chức thi hành thì Công ty TNHH MTV Tr cho Công ty TNHH HA thuê 1.240m2 nhà xưởng và 140m2 nhà văn phòng từ tháng 4/2014, thời hạn là 5 năm hết tháng 4/2019. Công ty TNHH HA đã được UBND tỉnh B cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Cơ quan thi hành án dân sự đã ra Quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản số 18/QĐ-CCTHA ngày 16/4/2014 kê biên, xử lý đối với tài sản trên của Công ty TNHH Tr. Tuy nhiên, do Công ty TNHH MTV Tr khiếu nại việc kê biên, xử lý tài sản của cơ quan thi hành án dân sự là không đúng nội dung của bản án. Do đó, ngày 25/4/2014, cơ quan thi hành án dân sự đã ra thông báo hoãn cưỡng chế với lý để giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH MTV Tr.
2. Khó khăn, vướng mắc
Việc tổ chức thi hành án có nhiều khó khăn, do đương sự khiếu nại. Mặt khác, còn có quan điểm khác nhau trong việc xử lý tài sản để thi hành án dẫn đến cơ quan thi hành án dân sự không thể kê biên, xử lý tài sản để thu hồi tiền cho ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Cụ thể, có 02 quan điểm giải quyết vụ việc:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: tại Điều 5 của Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất số 010/12/HĐTC/B  giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, bên thế chấp là anh L và chị H, bên vay là Công ty TNHH MTV Tr quy định về các trường hợp xử lý tài sản ghi rõ: “khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ”. Như vậy, việc thế chấp ttheo hợp đồng thực chất là bảo lãnh. Quy định về bảo lãnh đã khẳng định việc xử lý tài sản bảo lãnh được thực hiện sau khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình đối với khoản phải trả nợ. Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên thì “Chấp hành viên thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục thi hành án…”, trường hợp này, Bản án đã tuyên “Sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, nếu Công ty TNHH MTV Tr không trả đủ số tiền gốc và lãi nêu trên thì Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Bắc Giang có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp của anh L và chị H . Như vậy, cần phải xử lý tài sản của người phải thi hành án (Công ty TNHH MTV Tr) trước nếu không đủ để thanh toán nợ thì mới xử lý đến tài sản của anh L và chị H (người bảo lãnh) là phù hợp với nội dung bản án và quy định của pháp luật.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Không xử lý tài sản của Công ty TNHH MTV Tr được mà phải xử lý ngay tài sản của anh L và chị H để thu hồi nợ cho Ngân hàng, bởi vì: Xét về bản chất của vụ việc xuất phát từ việc anh L và chị H đem tài sản của mình ra thế chấp cho Ngân hàng để đảm bảo khoản vay của Công ty Trọng Tấn. Do Công ty TNHH MTV Tr vi phạm hợp đồng, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ nhưng Công ty TNHH MTV không trả được nợ nên Ngân hàng đã khởi kiện và đề nghị xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ là phù hợp.
3. Quan điểm của tác giả         
Theo quy định tại khoản 1 Điều 335 của Bộ luật dân sự thì “bảo lãnh” là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”. Như vậy, bảo lãnh là chỉ việc “cam kết” mà không gắn với tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế khi ngân hàng cho khách hàng vay thì để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ thì việc “cam kết” là chưa đủ cho nên các ngân hàng đều yêu cầu bên bảo lãnh phải thế chấp tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ “cam kết”. Bên bảo lãnh đã ký hợp đồng thế chấp tài sản với ngân hàng theo đúng quy định của Bộ luật dân sự và các quy định pháp luật có liên quan và các khoản ngân hàng cho khách hàng vay được bảo đảm bằng tài sản thế chấp của bên thứ ba.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 335 của Bộ luật dân sự quy định: các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Như vậy, nếu các bên không có thỏa thuận thì mặc nhiên bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay bên được bảo lãnh không phụ thuộc vào việc bên bảo lãnh có điều kiện thực hiện nghĩa vụ của mình hay không.
Đối chiếu với vụ việc trên thì giữa anh L và chị H đã ký Hợp đồng thế chấp số 010/12/HĐTC/B ngày 19/01/2012 với ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam để bảo đảm các khoản vay của Công ty TNHH MTV Tr. Ngoài ra, trong hợp đồng thế chấp tài sản của mình với ngân hàng TMCP Việt Nam, anh L và chị H đã không có điều khoản nào quy định về việc anh L và chị H chỉ thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng nếu Công ty TNHH MTV Tr không có điều kiện trả nợ. Mặt khác, do Công ty TNHH MTV Tr vi phạm về thời hạn thanh toán nên ngân hàng đã phải khởi kiện để thu hồi nợ. Trong quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm Tòa án đều tuyên ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp của anh Lvà chị H để thu hồi nợ. Như vậy, nếu cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản của Công ty TNHH MTV Tr trước khi xử lý tài sản thế chấp của anh L và chị H thì cơ quan thi hành án dân sự đã biến khoản nợ của ngân hàng từ chỗ có tài sản bảo đảm thành khoản nợ không có tài sản bảo đảm. Vì vậy, việc xử lý tài sản của Công ty TNHH MTV Tr là không phù hợp với các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.
4. Kiến nghị
Vụ việc trên không phải là vụ việc duy nhất có tranh cãi, quan điểm khác nhau  liên quan đến việc xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba để bảo lãnh cho các khoản vay của khách hàng tại các tổ chức tín dụng. Nguyên nhân của việc còn có nhiều quan điểm khác nhau đó là:
(i) Các quy định pháp luật hiện hành chưa phân định rõ việc thế chấp tài sản của bên thứ ba với việc bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ trả nợ các khoản vay.
(ii) Việc không thống nhất trong cách tuyên án của Tòa án dẫn đến việc có nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình tổ chức thi hành án.
(iii) Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thiếu kinh nghiệm hoặc không chú trọng trong việc đưa ra các yêu cầu khi thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án mà chỉ chú trọng đến việc đưa ra yêu cầu về số tiền mà bị đơn phải trả.
Từ các nguyên nhân trên tác giả xin kiến nghị một số nội dung sau:
Thứ nhất, các cơ quan có thẩm quyền sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm cho phù hợp với các quy định mói của Bộ luật dân sự năm 2015, đồng thời phân định rõ trường thế chấp tài sản của bên thứ ba với việc bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ trả nợ các khoản vay.
Thứ hai, các tổ chức tín dụng cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của những người được ủy quyền tham gia giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản tại Tòa án để đảm bảo việc xử lý tài sản được thuận lợi sớm thu hồi tiền khách hàng vay nợ.
Thứ ba, các cơ quan thi hành án dân sự khi nhận các bản án, quyết định của Tòa án cần nghiên cứu kỹ và đối chiếu với các quy định pháp luật nếu thấy các bản án, quyết định của Tòa án chưa phù hợp thì cần có văn bản đề nghị Tòa án giải thích tránh để tình trạng chậm xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến khiếu nại kéo dài.                      
Thu Trang