Quy định về thanh toán tiền thi hành án với thực tiễn thực hiện

30/12/2017
Thanh toán tiền thi hành án là hoạt động của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án để xử lý số tiền đã thu được. Việc thanh toán tiền cho người được thi hành án không chỉ đơn giản là việc viết phiếu và trả tiền mà nó hết sức phức tạp và dễ dẫn đến khiếu nại của người được thi hành án bởi vì trên thực tế đa số các vụ việc số tiền thi hành án mà cơ quan thi hành án dân sự thu được thường ít hơn số tiền mà người phải thi hành án có nghĩa vụ phải thi hành theo quyết định của Tòa án.


Dự liệu được sự phức tạp này nên Luật Thi hành án dân sự 2008 đã quy định về thứ tự thực hiện thanh toán tiền thi hành án (tại Điều 47). Theo đó, Điều 47 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định cụ thể về thứ tự thanh toán trong một số trường hợp nhất định. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 các nhà làm luật đã có sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 47[1] về thanh toán tiền, trả tiền thi hành án. Sau một thời gian áp dụng quy định mới này còn những hạn chế bất cập trong việc thanh toán tiền thi hành án, đặc biệt là trong trường hợp có nhiều người được thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Luật Thi hành án dân sự năm 2014). Cụ thể:
Tại khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định về: “Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:
a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này; trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
b) Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán;
c) Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án”.
Như vậy, theo quy định của điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 thì chỉ cần là người được thi hành án[2] tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế thì được ưu tiên thanh toán mà không bắt buộc là tại thời điểm cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết cưỡng chế thì người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án. Quy định này đã mở rộng đối tượng được ưu tiên thanh toán hơn so với Luật Thi hành án dân sự năm 2008[3].
Việc mở rộng đối tượng được ưu tiên thanh toán nhằm đảm bảo tất cả những người được thi hành án trước thời điểm cơ quan thi hành án dân sự ban hành cưỡng chế đều có cơ hội nhận được một phần tiền theo bản án, quyết định của Tòa án. Đồng thời, cũng nhằm hạn chế tối đa việc cơ quan thi hành án dân sự trì hoãn việc tiếp nhận yêu cầu của người được thi hành án này để tạo cơ hội cho người được thi hành án khác nhận tiền thi hành án theo tỷ lệ lớn hơn.
Tuy nhiên, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 đã chưa đáp ứng được nhuần nhuyễn nguyên tắc việc thi hành án phải dựa trên yêu cầu thi hành án (trừ những trường hợp pháp luật quy định cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành án). Khi người được thi hành án (hoặc người phải thi hành án) không có yêu cầu thì cơ quan thi hành án dân sự không có trách nhiệm tổ chức thi hành án. Do đó, trong trường hợp không có yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự cũng không có cơ sở xác định được số tiền chính xác mà người phải thi hành án có nghĩa vụ phải thi hành án đối với những bản án, quyết định của Tòa án chưa có yêu cầu thi hành án. Vì vậy, cơ quan thi hành án dân sự cũng không có căn cứ để xác định tài sản kê biên có tương ứng với nghĩa vụ thi hành án và các chi phí cần thiết theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ.
Mặt khác, để hướng dẫn thi hành điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2014, tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định về thủ tục thanh toán tiền, trả tiền thi hành án như sau:
“Trường hợp thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên xác định số tiền được thanh toán của những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế.
Trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành xác định nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án dân sự thanh toán cho người đã yêu cầu thi hành án theo tỉ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 01 tháng, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 01 tháng cho những người được thi hành án chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu.
Hết thời hạn thông báo mà cơ quan thi hành án dân sự không nhận được yêu cầu thi hành án thì số tiền đã gửi và tiền lãi được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm hết thời hạn thông báo; số tiền còn lại, nếu có, được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán hoặc trả lại cho người phải thi hành án”.
Theo đó, mặc dù hướng dẫn luật nhưng tại đoạn 1 của khoản 1 Điều 49 Nghị định lại yêu cầu Chấp hành viên “xác định” số tiền được thi hành án của những người có yêu cẩu thi hành án đến thời điểm có quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ nêu Chấp hành viên có trách nhiệm “xác định” mà cũng không khẳng định là Chấp hành viên chỉ thực hiện thanh toán cho những người được thi hành án “đã” yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế. Do đó, quy định tại đoạn này rõ ràng là phải xác định số tiền được thi hành án của những người có yêu cẩu thi hành án làm cơ sở thanh toán chính xác số tiền được thanh toán cho những người này ở thời điểm thanh toán, từ đó xác định số tiền còn lại để thực hiện việc thông báo, phân chia, xử lý theo quy định. Bởi lẽ,  tại đoạn 2 của khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã hướng dẫn áp dụng trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có nhiều được thi hành án nhưng mới chỉ có một hoặc một số người được thi hành án đã làm đơn yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế.
Nếu xét một cách tổng thể thì theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì những người được thi hành án mà bản án, quyết định của họ chưa yêu cầu thi hành án đến thời điểm cưỡng chế thì họ không được ưu tiên thanh toán. Có thể nói rằng khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chưa hướng dẫn đầy đủ đối tượng được ưu tiên thanh toán so với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự, vì cơ quan thi hành án đã thu được tiền của người phải thi hành án rất khó xác định nghĩa vụ của người phải thi hành án ở các bản án, quyết định mà cơ quan thi hành án nơi khác đang thì hành. Vì vậy, cần quy định chi tiết hơn, có sự liên thông giữa các cơ quan thi hành án trong toàn quốc để đảm bảo dễ thực hiện hơn trong thực tiễn.
 Việc hiểu không chính xác, không đầy đủ, không thống nhất giữa các quy định pháp luật dẫn đến việc thanh toán tiền thi hành án trong thực tiễn có trường hợp có quan điểm khác nhau hay nói cách khác là trái chiều nhau. Ví dụ trường hợp sau:
Bản án số 245/2016/DSPT ngày 19/7/2016 của Tòa án nhân dân thành phố H đã tuyên A phải trả cho B số tiền 400 triệu đồng, phải trả cho C số tiền 300 triệu đồng, phải trả D số tiền 200 triệu đồng, ngoài ra A phải nộp 45 triệu đồng án phí. Ngày 08/9/2016, B có đơn yêu cầu thi hành án, ngày 19/9/2016, C có đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 23/11/2016, Chấp hành viên ban hành quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và nhà của A (là nhà ở duy nhất).
 Bản án dân sự sơ thẩm số 356/2016/DSST ngày 09/9/2016 của Tòa án nhân dân  quận Y[4] tuyên A phải trả cho E số tiền 500 triệu đồng và A phải nộp 25 triệu đồng án phí.  Ngày 26/12/2016, E có đơn yêu cầu thi hành án.
Bản án phúc thẩm số 299/2016/DSPT ngày 15/11/2016 của Tòa án nhân dân thành phố H tuyên A phải trả cho G số tiền 800 triệu đồng và A phải nộp 40 triệu đồng án phí. Ngày 09/1/2017 G có đơn yêu cầu thi hành án.
Ngày 22/3/2017 tài sản được bán đấu giá thành, ngày 15/5/2017 cơ quan thi hành án dân sự tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Sau khi trừ chi phí cưỡng chế, tiền án phí, tiền thuê nhà theo quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự thì số tiền còn lại là 650 triệu đồng không đủ thanh toán cho các bản án trên.
Trong trường hợp này việc thực hiện việc thanh toán đối với số tiền nêu trên đương nhiên theo quy định của pháp luật hiện này ngoài B và C là những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án thì tại thời điểm Chấp hành viên ban hành quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và nhà của A (ngày 23/11/2016), Bản án dân sự sơ thẩm số 356/2016/DSST ngày 09/9/2016 của Tòa án nhân dân  quận Y và Bản án phúc thẩm số 299/2016/DSPT ngày 15/11/2016 của Tòa án nhân dân thành phố H đã có hiệu lực pháp luật nên theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì 02 bản án này được thi hành. Vì vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự thì tại thời điểm cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế (ngày 23/11/2016) cả E và G là những người được thi hành án. Cho nên cả B, C, E và G đều được thanh toán nhận tiền theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự. Đối với D, mặc dù đến thời điểm cơ quan thi hành dân sự thực hiện thanh toán D vẫn chưa yêu cầu thi hành án nhưng Bản án số 245/2016/DSPT ngày 19/7/2016 của Tòa án nhân dân thành phố H đã có hiệu lực pháp luật nên D là người được thi hành án vì thế D cũng được ưu tiên thanh toán theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, bởi lẽ cả 03 bản án này đầu đã có hiệu lực pháp luật trước ngày có quyết định cưỡng chế thi hành án.
Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng việc thanh toán tiền thi hành án trong ví dụ nêu trên phải thực theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự (bởi vì đây là quy định hướng dẫn điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2014). Điều đó, đồng nghĩa với việc chỉ có B, C và D được ưu tiên thanh toán. Còn E và G chỉ được thanh toán nếu D đã nhận được thông báo hợp lệ và hết thời hạn D không làm đơn yêu cầu thi hành án. Ý kiến này là không đúng, chưa hiểu đầy đủ quy định của pháp luật hiện nay về thanh toán tiền thi hành án.
                                                                                                                              Thu Trang
 

[1]  Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015.
[2] Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án là cá nhân, tổ chức được hưởng quyền , lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành án.
[3] Điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán
[4] Bản án này không bị kháng cáo, kháng nghị