Một số vướng mắc khi thi hành án liên quan đến khoản lãi suất

30/07/2018
Trong các việc thi hành án dân sự nói chung, đặc biệt là trong các vụ việc thi hành án tín dụng ngân hàng nói riêng, cơ quan thi hành án dân sự thường phải tổ chức thi hành các khoản lãi suất trên số tiền phải thi hành án. Tuy nhiên việc tổ chức thi hành án liên quan đến khoản lãi suất trong thi hành án dân sự hiện nay còn gặp phải rất nhiều vướng mắc.


Thứ nhất: Khó xác định phần lãi suất để thi hành
Theo quy định về lãi suất cho vay tại Điều 466, 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) và Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Đối với các khoản vay của tổ chức tín dụng, Ngân hàng thì cách tính lãi suất và thời điểm tính lãi suất sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật được tính theo nội dung quyết định của Tòa án và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Khi tổ chức thi hành án, Chấp hành viên phải nghiên cứu và căn cứ vào hợp đồng tín dụng để xác định mức lãi suất này.
Ví dụ: Bản án tuyên Anh A và chị B phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ cho Ngân hàng Z toàn bộ nợ gốc và nợ lãi là 1.687.102.000đ.
Tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số MCA:0011 được ký kết giữa Ngân hàng Z với vợ chồng anh A, chị B. Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm vụ án, các bị đơn là anh A, chị B còn phải chịu lãi suất theo thỏa thuận tại hợp đồng cấp tín dụng số MCA: 0011 và Khế ước nhận nợ số 02 ngày 22/3/2012 được ký giữa Ngân hàng Z với anh chị AB đối với số nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi anh chị AB thanh toán hết nợ gốc cho ngân hàng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi xem xét hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ thì Chấp hành viên rất khó xác định, bởi vì những hợp đồng tín dụng và Khế ước nhận nợ của Ngân hàng thường có rất nhiều điều khoản phức tạp với ngôn ngữ chuyên ngành rất khó hiểu. Mặt khác, trong hợp đồng tín dụng lại có quy định về rất nhiều loại lãi như lãi suất vay quá hạn, lãi phạt, lãi suất chiết khấu…và mức lãi khác nhau trên số tiền vay gốc, khiến chấp hành viên không biết phải tính theo loại lãi nào.
Thứ hai: Quy định của pháp luật còn thiếu rõ ràng
Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc tính lãi suất đối với trường hợp chậm thanh toán nghĩa vụ. Theo đó việc tuyên lãi suất của Tòa án được thực hiện theo hai phương thức:
Một là: Theo thỏa thuận của đương sự: Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
Hai là: Nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ. Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. 
Hiện nay, trong rất nhiều các bản án, quyết định của Tòa án có tuyên nội dung: Người được thi hành án còn phải trả cho người phải thi hành án khoản tiền lãi khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án”.  Xem xét quy định trên có thể thấy việc tuyên áp dụng mức lãi suất theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 là rất chung chung, chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự khi xác định rõ mức lãi suất cần phải thi hành.
Theo Điểm a, khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì: “Những bản án bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tổn thất tinh thần, cấp dưỡng, trả lương được đưa ra thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị, theo thủ tục phúc thẩm”. Như vậy những bản án này được đưa ra thi hành ngay khi chưa có hiệu lực nhưng theo nội dung bản án thì kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật người phải thi hành án mới phải thi hành phần lãi suất do chậm thi hành án. Do đó trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án ngay khi bản án chưa có hiệu lực thì phần lãi suất có được đưa ra thi hành án ngay không? Nếu có thì thời điểm tính lãi suất từ thời điểm nào?, thời điểm nộp đơn yêu cầu thi hành án, thời điểm chậm thi hành án hay thời điểm án có hiệu lực pháp luật ?
Mặt khác, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu các quy định về thi hành án đối với khoản lãi suất. Mặc dù đây là nghĩa vụ được quy định tại Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005 và hiện nay là Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó cần phải xem xét bổ sung các quy định về việc thi hành án đối với khoản lãi suất trong quá trình sửa đổi bổ sung Luật Thi hành án dân sự.
Thứ ba: Lãi suất chậm thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước
Trong thực tiễn có rất nhiều bản án, quyết định tuyên lãi suất chậm thi hành án đối với các khoản án phí, tiền phạt…thu nộp ngân sách nhà nước. Có những khoản phải thi hành có giá trị không lớn (dưới 5 triệu đồng) nhưng cũng có lãi suất chậm thi hành án kèm theo. Tuy nhiên việc thi hành khoản lãi suất này cũng gặp nhiều khó khăn khi rất nhiều trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện kinh tế, không có tiền để nộp, chấp hành viên đôn đốc thu được khoản tiền gốc đã là rất nan giải. Do đó đối với các khoản phải thi hành án khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị không lớn (có thể xác định mức dưới 5 triệu đồng) thì đề nghị pháp luật có quy định rõ về việc không tuyên lãi chậm thi hành án.
Thứ : Chưa quy định rõ đối với khoản lãi suất khi xét miễn giảm thi hành án
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, TAND tối cao, VKSND tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước thì lãi suất chậm thi hành án của các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước cũng thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án. Thực tiễn hiện nay việc thi hành án đối với phần lãi suất chậm thi hành án đối với các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước là rất khó khăn. Người phải thi hành án thuộc diện được xét miễn, giảm các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước là người không có tài sản hoặc là người không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu nên việc thi hành cả tiền gốc và tiền lãi là điều khó có thể thực hiện được.
Trong thực tiễn, vẫn còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất về việc áp dụng pháp luật đối với khoản lãi suất chậm thi hành án. Quan điểm thứ nhất cho rằng cần phải tính khoản lãi suất chậm thi hành án là một khoản riêng, độc lập với khoản phải thi hành cho ngân sách nhà nước để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định.Quan điểm thứ hai cho rằng khoản lãi suất chậm thi hành án được tuyên kèm theo khoản phải thi hành cho ngân sách nhà nước nên khi xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án thì phải cộng gộp cả khoản lãi suất với khoản nghĩa vụ phải thi hành cho ngân sách nhà nước để tính. Do chưa có hướng dẫn cụ thể trong Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn nên các cơ quan thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn trong việc rà soát các hồ sơ thi hành án đủ điều kiện xét miễn giảm. Mặt khác, khoản tiền lãi suất chậm thi hành án nếu để trong một thời gian dài (5 hoặc 10 năm) để đủ điều kiện xét miễn giảm thì khoản lãi suất trên là không nhỏ, thậm chí còn có những trường hợp lớn hơn cả nghĩa vụ phải thi hành án cho ngân sách nhà nước ban đầu,
Ví dụ: Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự nếu khoản phải thi hành án cho ngân sách nhà nước dưới 2.000.000đ và hết thời hạn 5 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án hoặc khoản phải thi hành án cho ngân sách nhà nước từ 2.000.000đ đến dưới 5.000.000đ và hết thời hạn 10 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án thì được xét miễn thi hành án. Tuy nhiên , trong quá trình tổ chức thi hành án có trường hợp khoản phải thi hành án dưới 2 triệu đồng nhưng sau khi cộng cả khoản lãi suất sau 5 năm thì vượt quá 2 triệu đồng. Để đủ điều kiện xét miễn nghĩa vụ thi hành án thì phải hết 10 năm.
Do đó cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc áp dụng xét miễn, giảm thi hành án đối với khoản lãi suất này. Cá nhân tác giả ủng hộ quan điểm có thể xem xét bỏ quy định về việc miễn, giảm lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn giảm (nếu có) thay vào đó nên quy định như khoản 2 Điều 26 của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP trước đây đó là khi khoản nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định được miễn, giảm thì phần lãi chậm thi hành án trên số tiền được miễn, giảm đương nhiên được miễn
Có thể thấy việc tính lãi suất theo bản án, quyết định là một vấn đề rất phức tạp, cần có sự nghiên cứu, trao đổi, phối hợp để có phương án giải quyết cụ thể. Đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng vay, đề xuất bổ sung quy định Tòa án phải tuyên rõ mức lãi suất trên số tiền phải thanh toán trả nợ trong bản án để cơ quan thi hành án có cơ sở tính lãi suất một cách chính xác nhất. Đối với các số tiền thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị nhỏ thì không tuyên lãi suất đồng thời cần quy định rõ hơn về việc xử lý khoản lãi suất trong việc xét miễn giảm thi hành án. Hoàn thiện các quy định về lãi suất sẽ  góp phần giảm bớt những khó khăn trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự.
Ths.Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
1. Chuyên đề tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong thi hành án dân sự và kiểm sát thi hành án dân sự, tài liệu Hội nghị Nghê An, tổ chức tháng 7/2017
2. Tổng cục Thi hành án dân sự, “Một số giải pháp nhăm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành phần dân sự trong các bản án Hình sự”, Tài liệu Hội thảo: về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn được tổ chức tại Hải Phòng, ngày 26.1.2018, trang 69

3. Văn Thị Tâm Hồng, Thực tiễn áp dụng quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước; http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=895; ngày đăng: 30/6/2018; trc: 26/7/2018