Một số lưu ý trong hoạt động kiểm tra công vụ tại các cơ quan Thi hành án dân sự

17/05/2024


Kiểm tra công vụ có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước nói chung và các cơ quan, đơn vị trong hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) nói riêng. Mục đích của hoạt động kiểm tra công vụ trong THADS là để đánh giá những ưu điểm, mặt tích cực, kết quả đã đạt được, đồng thời, phát hiện những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò, trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, qua đó, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là vai trò nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong hệ thống THADS.
1. Nội dung kiểm tra công vụ trong THADS
Nội dung kiểm tra công vụ trong THADS được quy định tại Điều 30 Quy chế kiểm tra trong THADS ban hành kèm theo Quyết định 196/QĐ-TCTHADS ngày 03/3/2021 của Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS, bao gồm:
- Kiểm tra việc thực hiện Quy chế Văn hóa công sở; chấp hành thời gian làm việc; thực hiện các quy định về trang phục ngành; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội quy, quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống THADS;
- Thực hiện trách nhiệm nêu gương của Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống THADS;
-  Thực hiện chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp;
- Quy định về nghĩa vụ, những việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được làm và không được làm;
- Tinh thần, trách nhiệm làm việc, thái độ phục vụ của công chức, người lao động cơ quan THADS đối với tổ chức, cá nhân;
- Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
2. Một số lưu ý khi kiểm tra công vụ trong THADS
2.1. Về thành phần Đoàn kiểm tra công vụ
Khoản 3 Điều 10 Quy chế kiểm tra trong THADS quy định về thành phần Đoàn kiểm tra công vụ như sau:
- Trưởng đoàn kiểm tra công vụ tại Tổng cục THADS là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ hoặc Chánh Văn phòng Tổng cục hoặc Thủ trưởng đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục.
- Trưởng đoàn kiểm tra công vụ tại Cục THADS là Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ hoặc Chánh Văn phòng Cục hoặc Trưởng phòng chuyên môn thuộc Cục.
- Trưởng đoàn kiểm tra công vụ tại Chi cục THADS là Lãnh đạo Chi cục.
Đoàn kiểm tra gồm Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn (nếu cần thiết), thành viên đoàn. Số lượng thành viên đoàn kiểm tra công vụ không quá 05 người.  
2.2. Về phương pháp tiến hành kiểm tra công vụ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Quy chế kiểm trong THADS thì hoạt động kiểm tra công vụ được tiến hành bằng các phương pháp sau:
- Tiến hành kiểm tra thực tế đột xuất để thẩm định tính đúng đắn của sự việc được phản ánh.
-  Liên hệ mời tổ chức, công dân đã phản ánh sự việc để trao đổi làm rõ tính chất sự việc.
-  Liên hệ mời cán bộ, công chức, người lao động bị phản ánh để trao đổi làm rõ vụ việc.
-  Liên hệ mời Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, người lao động vi phạm để báo cáo tình hình và đề xuất cách thức xử lý.
-  Yêu cầu báo cáo, giải trình hoặc xác minh tại các cơ quan có liên quan.
-  Đoàn kiểm tra ghi nhận kết quả làm việc với các bên bằng biên bản được ký; được sử dụng phiếu điều tra hoặc ghi âm các buổi làm việc để làm chứng cứ.
2.3. Về yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra công vụ
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đoàn kiểm tra báo cáo Thủ trưởng cơ quan kết quả kiểm tra công vụ gồm: Kết quả đạt được, hạn chế, vi phạm; đánh giá, nhận xét các hạn chế, vi phạm; nguyên nhân của hạn chế, vi phạm; đề xuất, kiến nghị biện pháp khắc phục vi phạm, biện pháp xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra vi phạm. 
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày báo cáo kết quả kiểm tra, đoàn kiểm tra xây dựng dự thảo kết luận kiểm tra, lấy ý kiến giải trình của đối tượng được kiểm tra, báo cáo xin ý kiến của Thủ trưởng cơ quan để ban hành kết luận kiểm tra.
Kết luận kiểm tra bao gồm các nội dung: Kết quả kiểm tra; kết luận ưu điểm, hạn chế, vi phạm trong hoạt động công vụ; biện pháp khắc phục vi phạm; biện pháp xử lý trách nhiệm công chức và tổ chức thực hiện kết luận.
Báo cáo, kết luận kiểm tra công vụ phải được thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Quy chế kiểm tra trong THADS.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết luận kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phải gửi kết luận kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu cần thiết) hoặc công bố công khai cho đối tượng được kiểm tra; đồng thời, thực hiện cập nhật lên cơ sở dữ liệu điện tử về kiểm tra THADS theo quy định.
Trường hợp công bố công khai kết luận kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra thông báo cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, địa điểm, thành phần tham dự buổi công bố kết luận kiểm tra.
Tại buổi công bố, Trưởng đoàn kiểm tra thông qua toàn văn kết luận kiểm tra; nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận kiểm tra. Việc công bố kết luận kiểm tra được lập thành biên bản. 
Kiểm tra công vụ là nội dung không thể thiếu trong hoạt động kiểm tra của các cơ quan THADS. Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,  Chi cục trưởng Chi cục THADS căn cứ kết quả tổng hợp đơn thư phản ánh liên quan đến chấp hành công vụ hoặc qua theo dõi kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức để tiến hành kiểm tra thực hiện công vụ đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý. Kết quả kiểm tra công vụ báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định./.
Thùy Linh - Vụ Tổ chức cán bộ