Ngành Tư pháp: Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả

11/06/2021
Ngày 10/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 983/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch chuyển đổi số Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong Ngành Tư pháp; hướng dẫn, hỗ trợ cơ quan tư pháp địa phương triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình. Theo đó, Bộ Tư pháp đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như sau:

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cơ quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của cơ quan Bộ được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử Ngành Tư pháp được xây dựng và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc, bao gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm; Cơ sở dữ liệu điện tử về thi hành án dân sự, từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngành Tư pháp quản lý.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2030: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ công việc tại cơ quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Hình thành nền tảng dữ liệu cho các lĩnh vực trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet, kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Chuyển đổi số Ngành tư pháp là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành tư pháp. Chuyển đổi số phải xác định phục vụ người dân, doanh nghiệp là trung tâm trên cơ sở một tầm nhìn tổng thể và lộ trình, bước đi, ưu tiên cụ thể, phù hợp, khả thi, hiệu quả và an toàn trong điều kiện thực tế ngành tư pháp. Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, Bộ Tư pháp đề ra một số giải pháp cụ thể như:
Một là, nâng cao nhận thức bằng các hình thức phù hợp và thường xuyên để phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về: Chính phủ điện tử, chuyển đổi số.
Hai là, kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm, giải pháp, mô hình số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những quan hệ mới phát sinh: Xây dựng khung pháp lý nhằm khuyến khích, sẵn sàng thí điểm các quy trình nghiệp vụ, dịch vụ công dựa trên dữ liệu số, công dân số, hạ tầng số trong khi quy định pháp lý chưa đầy đủ, rõ ràng, song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý; Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành của Bộ Tư pháp để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số; Rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật dân sự, hình sự và các luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức và hình phạt cho các hành vi lừa đảo, gian lận khi giao dịch trên không gian mạng cũng như các hành vi lợi dụng, khai thác trái phép thông tin riêng, cá nhân trên mạng để người dùng an tâm khi thực hiện các giao dịch số.
Ba là, đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin hoặc thuê hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số của Bộ Tư pháp.
Bốn là, duy trì và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin phục vụ chuyển đổi số Ngành Tư pháp.
Năm là, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ quan tư pháp địa phương bằng các phương thức phù hợp. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn quá trình thực hiện Kế hoạch định kỳ hàng năm bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến các nội dung trong Kế hoạch.
Sáu là, xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; bổ sung cán bộ chuyên ngành công nghệ thông tin chất lượng cao; kiện toàn, nâng cấp Cục Công nghệ thông tin thành đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số của Ngành Tư pháp.
Bảy là, phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan, nhà nước, doanh nghiệp: Huy động sự tham gia của cộng đồng, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác các hệ thống công nghệ thông tin, các nền tảng và cơ sở dữ liệu của Bộ phục vụ việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm Chính phủ điện tử, Chính phủ số ứng dụng công nghệ mới.
Tám là, bảo đảm kinh phí để thực hiện Kế hoạch.


Các tin khác