Ngày 14 tháng 03 năm 2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 17/2024/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước. Thông tư này gồm 3 chương, 11 điều, trong đó cần lưu ý những điểm mới thay đổi so với quy định trước để các đơn vị giao dịch áp dụng khi thực hiện thanh toán các khoản chi thường xuyên.
Về phạm vi điều chỉnh quy định tại khoản 1 điều 1 Thông tư này quy định cụ thể hơn đến các nguồn kinh phí: nguồn ngân sách nhà nước (NSNN); nguồn thu phí, lệ phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại theo chế độ quy định và các nguồn từ khoản thu hợp pháp khác của cơ quan nhà nước; nguồn thu thu sự nghiệp, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng, học phí và nguồn thu phí của đơn vị sự nghiệp công lập.
1. Nguyên tắc kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước
Tại Điều 2 Thông tư này công tác kiểm soát, thanh toán sẽ được Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật NSNN năm 2015 như sau:
- Việc chi NSNN chỉ được thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của Luật NSNN năm 2015; hoặc đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi, số dư tài khoản của đơn vị còn đủ để chi.
- KBNN kiểm tra tính hợp pháp của chứng từ chi và các hồ sơ kèm theo chứng từ chi thuộc thủ tục hành chính gửi KBNN được quy định tại các Nghị định của Chính Phủ. Trường hợp chứng từ chi và các hồ sơ kèm theo chứng từ chi đơn vị sử dùng ngân sách gửi KBNN cố tình giả mạo, thay thế nội dung, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
- Đối với các hồ sơ không thuộc thủ tục hành chính gửi KBNN được quy định tại các Nghị định của Chính phủ, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm kiểm soát nội dung thanh toán, hồ sơ thanh toabs theo đúng quy định của pháp luật.
- Kho bạc nhà nước kiểm soát định mức (mức chi) theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo cơ chế tự chủ thì kiểm soát đảm bảo theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với dự toán được giao tự chủ.
- Trường hợp tạm ứng thì thực hiện theo quy định tại
Khoản 5 Điều 34 Nghị định 163/2016/NĐ-CP.
- Trường hợp các khoản chi được thực hiện qua trang thông tin dịch vụ công của KBNN thì việc kiểm soát, thanh toán phải tuân thủ theo các
Nghị định 165/2018/NĐ-CP,
Nghị định 11/2020/NĐ-CP,
Nghị định 45/2020/NĐ-CP và
Thông tư 87/2021/TT-BTC.
2. Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước
Theo Điều 3 Thông tư này quy định KBNN thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ NSNN qua Kho bạc Nhà nước theo 02 hình thức sau:
- Thanh toán trước, kiểm soát sau: Đây là hình thức thanh toán áp dụng cho từng lần thanh toán của các hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp, Kho bạc Nhà nước sẽ:
+ Thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trong thời hạn 01 ngày làm việc.
+ Gửi 01 chứng từ báo nợ cho đơn vị để xác nhận đã thực hiện thanh toán.
+ Gửi 01 chứng từ báo có cho đơn vị (nếu đơn vị thụ hưởng mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước).
+ Về kiểm soát hồ sơ: Kho bạc Nhà nước sẽ thực hiện kiểm soát hồ sơ theo chế độ quy định trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán.
+ Về xử lý sai phạm: Trường hợp kiểm soát phát hiện khoản chi không đảm bảo đúng chế độ quy định, KBNN sẽ gửi văn bản thông báo kết quả kiểm soát chi theo
Mẫu số 01 kèm theo Thông tư này cho đơn vị sử dụng ngân sách. Tiếp đến, thực hiện xử lý thu hồi, giảm trừ giá trị thanh toán vào lần thanh toán liền kề tiếp theo. Trường hợp lần thanh toán liền kề tiếp theo không đủ khối lượng hoàn thành/ dự toán để giảm trừ thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
- Kiểm soát trước, thanh toán sau: Là hình thức thanh toán áp dụng đối với tất cả các khoản chi. KBNN sẽ thực hiện kiểm soát, thanh toán theo đúng thời gian quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.
3. Nội dung kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước
Theo Điều 5 ngoài những nguyên tắc kiểm soát, thanh toán được quy định tại Điều 2 thì KBNN còn kiểm soát các nội dung như sau:
- Thứ nhất, chữ ký và dấu trên chứng từ chuyển tiền:
+ Đối với giao dịch trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước: phải khớp đúng với mẫu dấu và chữ ký đăng ký giao dịch.
+ Đối với giao dịch qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN chữ ký số phải đúng họ tên, chức danh của các thành viên theo quyết định của cấp có thẩm quyền và đã đăng ký với KBNN.
Ngoài ra, nội dung và số tiền, hạch toán kế toán tại chứng từ chuyển tiền phù hợp với các hồ sơ có liên quan kèm theo.
- Thứ hai, nội dung chi và số tiền thanh toán: Phải phù hợp với các hồ sơ có liên quan kèm theo. Phù hợp với mã nội dung kinh tế theo quy định của Mục lục NSNN hiện hành (không bao gồm các khoản chi từ Tài khoản tiền gửi).
- Thứ ba, mức tạm ứng: Thực hiện theo quy định tại Điều 6, nội dung đề nghị thanh toán tạm ứng phải phù hợp với nội dung đề nghị tạm ứng. Trường hợp đơn vị chưa xác định được chính xác nội dung chi, thực hiện tạm ứng vào tiểu mục khác của mục tương ứng với khoản chi, KBNN thanh toán tạm ứng trong phạm vi các tiểu mục trong cùng nhóm mục tương ứng với nội dung đã tạm ứng.
-
Thứ tư, đối với các khoản chi phải gửi Hợp đồng đến Kho bạc Nhà nước (có giá trị trên 50 triệu đồng):
+ Kho bạc Nhà nước sẽ căn cứ theo hồ sơ đề nghị thanh toán, các điều khoản thanh toán, tạm ứng trong hợp đồng và tổng giá trị Hợp đồng để tạm ứng, thanh toán cho đối tượng thụ hưởng.
+ Trường hợp hợp đồng có quy định bảo lãnh tạm ứng: KBNN kiểm soát thời gian hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi đơn vị sử dụng ngân sách thu hồi hết số tiền tạm ứng. Khi bảo lãnh tạm ứng hết thời hạn nhưng đơn vị sử dụng ngân sách chưa thanh toán hết số tiền tạm ứng, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm đôn đốc đơn vị sử dụng ngân sách phối hợp với nhà thầu làm thủ tục gia hạn bảo lãnh tạm ứng hoặc thanh toán tạm ứng theo quy định.
-
Thứ năm, đối với Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành (
Mẫu số 08a Nghị định 11/2020/NĐ-CP): việc kiểm soát sẽ được như hiện như sau:
+ Đối với khoản chi mua sắm hàng hóa: Nội dung kiểm soát bao gồm: công việc, đơn vị tính, số lượng, đơn giá đảm bảo theo đúng quy định của hợp đồng, không vượt giá trị hợp đồng.
Trường hợp chi mua thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư y tế sử dụng trong quá trình điều trị khám chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Tiết b Điểm 2.2 Khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
- Thứ sáu, đối với khoản chi dịch vụ: Đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm lập Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành gửi KBNN dựa trên căn cứ từ nội dung Hợp đồng và Biên bản nghiệm thu cho phù hợp, đảm bảo thể hiện đúng nội dung công việc và giá trị thanh toán theo hợp đồng. KBNN sẽ kiểm soát nội dung công việc và giá trị thanh toán (đơn vị tính, số lượng, đơn giá nếu có) đảm bảo theo đúng quy định của hợp đồng, không vượt giá trị hợp đồng.
- Thứ bảy, đối với Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng: Đơn vị kê khai theo
Mẫu số 07 Nghị định 11/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong quá trình kê khai cần lưu ý những nội dung như sau:
+ Chứng từ chi là các chứng từ được quy định theo hệ thống chứng từ tại Thông tư 107/2017/TT-BTC.
+ KBNN kiểm soát Bảng kê nội dung thanh toán/ tạm ứng đảm bảo mã nội dung kinh tế khớp với Giấy rút dự toán, nội dung thanh toán. Tổng số tiền phù hợp với Giấy rút dự toán/ Uỷ nhiệm chi và không vượt định mức quy định.
- Thứ tám, đối với các khoản chi có yêu cầu bảo mật:
+ Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm xác định nội dung chi thuộc yêu cầu bảo mật và việc kiểm soát nội dung thanh toán, hồ sơ thanh toán theo đúng quy định của pháp luật.
+ Ghi nội dung thanh toán và nội dung
"Khoản chi có yêu cầu bảo mật" trên Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi. Kho bạc Nhà nước kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi này để thanh toán theo đề nghị của đơn vị.
-
Thứ chín, trường hợp mua sắm theo phương thức tập trung: Kho bạc Nhà nước sẽ tiến hành kiểm soát các nội dung bao gồm:
+ Hàng hóa mua sắm có trong danh mục mua sắm tập trung được cấp có thẩm quyền ban hành (theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023).
+ Đảm bảo hợp đồng phù hợp với Thỏa thuận khung (được đăng tải bởi đơn vị theo quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 77 Nghị định 151/2017/NĐ-CP).
- Thứ mười, đối với các khoản chi lương và phụ cấp theo lương (các khoản phụ cấp theo lương theo hệ thống mục lục ngân sách hiện hành); tiền công lao động theo hợp đồng; tiền thu nhập tăng thêm, chi hỗ trợ, trợ cấp, phụ cấp khác, khoán, khen thưởng:
+ KBNN kiểm soát đảm bảo không vượt chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không vượt số lượng lao động hợp đồng, theo đúng nguồn kinh phí thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 12 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Kiểm tra, đảm bảo khớp đúng giữa chi tiết và tổng số; khớp đúng tổng số tiền trên Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng với Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi đã được thủ trưởng đơn vị ký duyệt.
+ Đối với khoản chi thu nhập tăng thêm: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4): Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo theo đúng Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và khoản 3 Điều 10 Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Đối với cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ: KBNN kiểm soát đảm bảo theo đúng Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và theo quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV của Liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước.
Như vậy, Thông tư số 17/2024/TT-BTC với những quy định khá đầy đủ, cụ thể không chỉ tăng thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách mà còn tạo điều kiện cho cả cơ quan quản lý, cơ quan kiểm soát, giúp cho công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN được chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo vừa đúng quy định, vừa thuận lợi, tiết kiệm góp phần nâng cao hiệu quả việc sử dụng NSNN.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 05 năm 2024 và thay thế Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.