Chính vì vậy, Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi nhân dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Thực hiện quy định này của Hiến pháp 1992, cho đến nay công tác thi hành án dân sự đã thu được nhiều kết quả quan trọng như: về mặt thể chế, đã ban hành được hai Pháp lệnh chuyên ngành về thi hành án dân sự là Pháp lệnh thi hành án dân sự 1993, Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và trên dưới một trăm văn bản trực tiếp hướng dẫn hoặc có liên quan đến công tác thi hành án dân sự; về mặt tổ chức bộ máy, các cơ quan thi hành án dân sự trên toàn quốc đã từng bước được kiện toàn: 63 cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trên phạm vi cả nước đã có Trưởng hoặc được giao Quyền trưởng và Phó trưởng; về cơ bản tất cả các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh đã thành lập được hai hoặc ba phòng chuyên môn trực thuộc, riêng Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội được thành lập bốn phòng, Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm phòng và mỗi phòng đều đã được bổ nhiệm Trưởng, Phó trưởng phòng hoặc Phó trưởng phòng giao phụ trách; về công tác biên chế, các cơ quan thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước đã tuyển dụng được khoảng 8000 biên chế trên tổng số 8287 biên chế được phân bổ, trong đó có gần 3.000 Chấp hành viên, ngoài ra là các chức danh khác như Kế toán, Chuyên viên, Cán sự, Thủ kho, Thủ quỹ…; về công tác đào tạo, bồi dưỡng, Bộ Tư pháp luôn luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ liên tiếp mở các khoá đào tạo Chấp hành viên, các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật mới để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thi hành án cho Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên đã được bổ nhiệm lâu năm và các công chức làm công tác tổ chức, kế toán, văn thư, lưu trữ trong các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; về công tác giải quyết án, được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, các cơ quan, ban ngành ở Trung ương cùng với các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã giúp các cơ quan thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước hàng năm thi hành được hàng trăm nghìn vụ việc với tỉ lệ năm sau cao hơn năm trước, thu về cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân hàng nghìn tỉ đồng, trong đó có những vụ án lớn, phức tạp kéo dài trong nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Những kết quả đạt được sau hơn bốn năm thực hiện Pháp lệnh THADS năm 2004 là cơ bản. Tuy nhiên, so với đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới thì Pháp lệnh THADS 2004 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tính nghiêm minh của Pháp luật; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước theo bản án, quyết định của Toà án chưa được bảo đảm, nhiều việc gây bức xúc trong xã hội.
Thực trạng này đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện về thể chế thi hành án; đổi mới quy trình, thủ tục thi hành án dân sự; nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự trong bộ máy nhà nước để đáp ứng đòi hỏi của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó các quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của con người phải được pháp luật bảo đảm và bảo vệ toàn vẹn; mọi vi phạm pháp luật xâm phạm quyền tự do, lợi ích chính đáng của công dân đều bị nghiêm trị và bảo đảm thực thi các lợi ích đó trên thực tế thông qua hoạt động thi hành án là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng.
Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt đó của công tác thi hành án dân sự đối với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã quy định: “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Để tiếp tục đưa các chủ trương, đường lối đó của Đảng về cải cách tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự vào thực tiễn cuộc sống, ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII đã biểu quyết với đa số phiếu tán thành thông qua Luật thi hành án dân sự gồm có 9 chương 183 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009 và Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự chứa đựng nhiều nội dung mới quan trọng thể hiện chủ trương cải cách tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cụ thể bao gồm:
Một là, Quốc hội thông qua Luật thi hành án dân sự 2008 thay thế Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 đã khẳng định giá trị hiệu lực pháp lý cao của các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Có thể nói trong lịch sử lập pháp Việt Nam, riêng trong lĩnh vực thi hành án thì Luật thi hành án dân sự 2008 là văn bản chuyên ngành đầu tiên về thi hành án dân sự có hiệu lực pháp lý cao nhất. Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay đòi hỏi hệ thống pháp luật phải ngày càng được hoàn thiện, có tính pháp điển cao, trong đó thi hành án là một vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan trực tiếp đến hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, đến trật tự kỷ cương pháp luật và ảnh hưởng sâu sắc đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, do đó, việc phải có một văn bản có hiệu lực pháp lý cao của Quốc hội về thi hành án dân sự là hết sức cần thiết.
Hai là, quy định mới về thi tuyển chấp hành viên trước khi bổ nhiệm. Một trong những nội dung của định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đó là: “Nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp; tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh tư pháp”. Phù hợp yêu cầu đó, Luật thi hành án dân sự 2008 lần đầu tiên đã quy định việc thi tuyển chấp hành viên là thủ tục, điều kiện bắt buộc trước khi bổ nhiệm. Để được bổ nhiệm làm chấp hành viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp thì người dự tuyển phải tham gia và trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên ở các ngạch tương ứng đó. Việc bổ nhiệm Chấp hành viên thông qua thi tuyển sẽ cho phép lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, năng lực để bổ nhiệm chấp hành viên, tạo khả năng thu hút cán bộ hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Tuy nhiên, việc thi tuyển chấp hành viên cũng có trường hợp ngoại lệ được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự, đó là để phù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức làm công tác thi hành án tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định những cơ quan thi hành án dân sự cụ thể ở các địa bàn nêu trên được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành. Đây là quy định đặc thù của pháp luật thi hành án dân sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.
Ba là, quy định mới về bổ nhiệm chấp hành viên không kỳ hạn. Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Nghị quyết 49-NQ/TW: “Tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn”, Luật thi hành án dân sự 2008 đã quy định mới về việc bổ nhiệm chấp hành viên không kỳ hạn thay vì việc bổ nhiệm chấp hành viên theo nhiệm kỳ năm năm như quy định pháp luật hiện hành. Từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và thực tiễn công tác bổ nhiệm chấp hành viên ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, quy định bổ nhiệm chấp hành viên không theo nhiệm kỳ sẽ vừa kế thừa đựơc những ưu điểm, vừa khắc phục được về cơ bản những hạn chế của việc bổ nhiệm chấp hành viên có kỳ hạn. Vì chấp hành viên là một chức danh tư pháp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về thi hành án dân sự nên việc bổ nhiệm chấp hành viên không theo kỳ hạn sẽ tạo tâm lý yên tâm để chấp hành viên làm tốt công tác thi hành án, hơn nữa điều này cũng không hạn chế đến việc xử lý kỷ luật nếu chấp hành viên có vi phạm hoặc miễn nhiệm nếu chấp hành viên không đủ năng lực, điều kiện làm Chấp hành viên.
Bốn là, quy định mới về cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án thì được hỗ trợ tiền thuê nhà. Việc trích lại một khoản tiền cho người phải thi hành án trong trường hợp họ bị cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất là hết sức cần thiết, thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta, phù hợp với định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là khoản tiền trong số tiền bán tài sản để đảm bảo cho người phải thi hành án tạo lập chỗ ở khác hoặc thuê nhà ở. Do đó, Luật thi hành án dân sự đã quy định: Trong trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn một năm.
Năm là, quy định mới về việc miễn thi hành án đối với các khoản phải thu cho ngân sách Nhà nước có giá trị không quá 500.000đ. Có thể nói tính nhân đạo là một trong những ưu việt của nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó Nhà nước ta luôn có những chính sách hỗ trợ đối với cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự đã quy định: “Đối với các khoản thu cho ngân sách Nhà nước có giá trị không quá 500.000đ, mà thời gian tổ chức thi hành đã quá 5 năm, tính đến thời điểm Luật thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp lập danh sách đề nghị Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án có trụ sở ra quyết định miễn thi hành đối với khoản nghĩa vụ đó”.
Sáu là, quy định mới về chủ trương xã hội hoá một số công việc liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Thực hiện chủ trương xã hội hoá một số công việc trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo quy định tại Nghị quyết 49-NQ/TW: “Từng bước thực hiện việc xã hội hoá và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án ...; nghiên cứu chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên), trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”, Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự đã nhất trí giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện kể từ ngày Luật thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành đến ngày 01/7/2012. Từ kết quả thí điểm, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá thực tiễn và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài những quy định mới cơ bản nêu trên, Luật thi hành án dân sự cũng đã sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn một số quy định quan trọng khác như: về hệ thống tổ chức thi hành án; quy định Chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ; tăng thời hiệu yêu cầu thi hành án; bổ sung các biện pháp bảo đảm thi hành án; bổ sung một số điều khoản về các biện pháp cưỡng chế thi hành án và thủ tục cưỡng chế thi hành án; đơn giản hoá một số thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thi hành án, v.v…
Với một số lượng các điều khoản khá đồ sộ (gồm 9 chương và 183 Điều) quy định đầy đủ các vấn đề cơ bản về công tác thi hành án dân sự từ công tác tổ chức cán bộ đến nghiệp vụ thi hành án dân sự cho thấy Luật thi hành án dân sự 2008 được Quốc hội thông qua năm 2008 là một bước tiến lớn về chất, đóng góp rất lớn vào sự thành công của công tác lập pháp nói chung và việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực thi hành án dân sự của ngành tư pháp nói riêng. Luật thi hành án dân sự với nhiều điểm mới quan trọng như vậy đã khắc phục được về cơ bản những hạn chế của Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004, từng bước đưa chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, qua đó góp phần vào việc xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Th.s Nguyễn Văn Nghĩa - Cục THADS - BTP
Tờ trình số 31/TTr-CP ngày 04/4/2008 của Chính phủ về Dự án Luật thi hành án dân sự, trang 2.