Công văn của Tổng cục yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, nhất là các văn bản mới được ban hành trong năm 2017 như: Quy định số 65-NĐ/TW ngày 03/2/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23/5/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và các văn bản quan trọng khác dự kiến được ban hành trong năm 2018 như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi)…
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết loại bỏ những công chức tham nhũng ra khỏi bộ máy chính quyền, nhất là trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.
3. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 12/CTTTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50/CT-TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, án tham nhũng.
Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống tham nhũng gủi Thanh tra Bộ Tư pháp để tổng hợp.