Quy định tạm thời về việc thực hiện chế độ tiền thưởng của Tổng cục Thi hành án dân sự

14/01/2025


Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024). Theo đó, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý hoặc được phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm xây dựng Quy chế cụ thể để thực hiện chế độ tiền thưởng áp dụng đối với các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị; gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để quản lý, kiểm tra và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị.
Căn cứ Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với Công đoàn Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng Quy chế tạm thời thực hiện chế độ tiền thưởng của Tổng cục Thi hành án dân sự (ban hành kèm theo Quyết định số 1867/QĐ-TCTHADS ngày 31/12/2024). Theo đó, quy định cụ thể các nội dung: phạm vi và đối tượng áp dụng; tiêu chí thưởng; mức tiền thưởng; quy trình, thủ tục xét thưởng; các quy định khác (nguyên tắc, thời gian tổng hợp, thẩm định, cách thức chi…).
1. Về đối tượng áp dụng (Điều 1):
Quy chế này áp dụng đối với các đối tượng trong danh sách trả lương của các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, gồm: công chức, viên chức và người lao động được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.
2. Về nguyên tắc xét thưởng (Điều 5): Gồm 7 nguyên tắc
Thứ nhất, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, kịp thời; không nể nang, né tránh, ngại va chạm, hình thức, trù dập hoặc thiên vị; thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quản lý, đánh giá công chức, viên chức và người lao động; phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Thứ hai, thưởng đột xuất chỉ áp dụng đối với cá nhân có thành tích thực sự xuất sắc, nổi trội, sản phẩm đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến, đóng góp vào sự phát triển chung của Tổng cục Thi hành án dân sự.
Thứ ba, mỗi thành tích công tác đột xuất chỉ đề nghị thưởng một lần ở mức thưởng tương ứng với thành tích cá nhân đạt được.
Thứ tư, chưa xét thưởng đối với cá nhân đang trong thời gian bị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét, xử lý kỷ luật, bị kiến nghị xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra, giải quyết tố cáo và bị điều tra.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định không có vi phạm, việc xét thưởng, chi thưởng bổ sung được thực hiện ngay sau thời điểm có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ năm, thưởng định kỳ hằng năm áp dụng đối với cá nhân có kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Thứ sáu, người có thẩm quyền quyết định thưởng hoặc đề nghị cấp trên xét thưởng ngay sau khi cá nhân lập được thành tích công tác đột xuất, có đầy đủ hồ sơ đề nghị xét thưởng theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.
Thứ bảy, hồ sơ đề nghị xét thưởng đột xuất, thưởng định kỳ hằng năm bảo đảm đúng thời hạn, thành phần, nội dung theo quy định. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ đề nghị xét thưởng cho các cá nhân thuộc đơn vị trước khi trình cấp trên xét thưởng.
3. Về thưởng dột xuất
a) Định nghĩa: Thưởng đột xuất cho cá nhân có thành tích công tác đột xuất.
Quy chế quy định cụ thể thành tích công tác đột xuất là của cá nhân đạt được ở mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công vụ trong và ngoài chương trình, kế hoạch công tác được cấp có thẩm quyền giao. Thành tích được thể hiện bằng sản phẩm, kết quả công việc cụ thể, có phạm vi ảnh hưởng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Tổng cục Thi hành án dân sự và được Tổng Cục trưởng hoặc người đứng đầu đơn vị trực tiếp sử dụng cá nhân đó đánh giá, ghi nhận, biểu dương.
b) Tỷ lệ quỹ: Dành tối đa 20% Quỹ tiền thưởng để chi thưởng đột xuất. Trường hợp Chính phủ ban hành quy định chế độ, chính sách riêng đối với công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực nổi trội trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thì thực hiện theo quy định này.
c) Tiêu chí xét thưởng: Thưởng đột xuất áp dụng đối với cá nhân, nếu đồng thời đạt được các tiêu chí sau đây:
- Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định, quy chế, nội quy của đơn vị nơi công tác.
- Không có nhiệm vụ được giao không hoàn thành do trách nhiệm của cá nhân.
- Lập được thành tích công tác đột xuất theo quy định.
d) Cách thức xác định tiền thưởng:
Căn cứ báo cáo thành tích của các cá nhân thuộc đơn vị, người đứng đầu đơn vị sử dụng lao động đánh giá, chấm điểm thành tích công tác đột xuất của từng cá nhân theo Mẫu số 02 kèm theo Quy chế này. Điểm được chấm dựa trên các tiêu chí chủ yếu: (1) mức độ khó khăn, phức tạp, yêu cầu về trình độ chuyên môn của nhiệm vụ được giao; (2) chất lượng sản phẩm, công việc đã hoàn thành; (3) tiến độ hoàn thành (đạt/vượt); (4) hiệu quả, sự lan tỏa, hiệu ứng tích cực của sản phẩm, công việc; (5) mức độ tham gia của cá nhân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Kết quả đánh giá, chấm điểm của người đứng đầu đơn vị sử dụng lao động là căn cứ để đề xuất mức tiền thưởng cho từng cá nhân theo quy định.
e) Mức tiền thưởng:
Thưởng cho cá nhân có thành tích công tác đột xuất theo 02 mức tiền thưởng tương ứng với số điểm thành tích cá nhân đạt được:
- Mức 1: Cá nhân đạt trên 08 điểm đến 10 điểm: Thưởng số tiền tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở/người/01 lần thưởng.
- Mức 2: Cá nhân đạt từ 05 điểm đến 08 điểm: Thưởng số tiền tối đa không quá 03 lần mức lương cơ sở/người/01 lần thưởng.
Với mức lương cơ sở hiện nay (2.340.000 đồng): mức thưởng tương ứng mức 1 tối đa là 11.700.000 đồng/người/lần, mức thưởng tương ứng mức 2 tối đa là 7.020.000 đồng/người/lần.
f) Quy trình, thủ tục:
- Bước 1: Trên cơ sở thống nhất ý kiến của tập thể lãnh đạo, cấp uỷ và công đoàn đơn vị, thông báo công khai tới công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị về dự kiến đề nghị xét thưởng đột xuất.
- Bước 2: Các đơn vị lập hồ sơ đề nghị xét thưởng đột xuất theo quy định tại Điều 12 Quy chế này gửi Vụ Tổ chức cán bộ;
- Bước 3: Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, thẩm định tham mưu lấy ý kiến công đoàn, tập thể lãnh đạo Tổng cục và Ban Thường vụ Đảng uỷ Tổng cục trước khi trình Tổng Cục trưởng xem xét, quyết định thưởng đột xuất.
Hồ sơ xét thưởng đột xuất: (1) Tờ trình của đơn vị (theo mẫu); (2) Báo cáo thành tích công tác đột xuất của cá nhân (theo mẫu).
4. Về thưởng định kỳ hằng năm
a) Định nghĩa: Thưởng định kỳ hằng năm cho cá nhân theo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Tỷ lệ quỹ:  Phần còn lại của Quỹ tiền thưởng (sau khi đã chi thưởng đột xuất) được sử dụng để chi thưởng định kỳ vào cuối năm.
c) Tiêu chí xét thưởng:
- Thưởng định kỳ hằng năm cho các cá nhân có kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng trong năm từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
- Căn cứ xét thưởng là Thông báo/Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, người lao động hằng năm của cấp có thẩm quyền.
d) Mức tiền thưởng:
- Xác định tổng kinh phí chi tiền thưởng định kỳ hằng năm
Tổng kinh phí chi tiền thưởng định kỳ hằng năm là kinh phí chi thưởng còn lại tại thời điểm cuối năm, sau khi trừ đi tổng số kinh phí chi thưởng đột xuất đã thực hiện trong năm theo quy định.
- Xác định mức tiền thưởng định kỳ cơ sở:
Mức tiền thưởng định kỳ cơ sở
 
 
 
=
 
 
 
Tổng kinh phí chi tiền thưởng định kỳ hằng năm
(Số cá nhân có kết quả đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) x 3,0 + (Số cá nhân có kết quả đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ) x 2,5 + (Số cá nhân có kết quả đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ) x 1,0
e) Mức tiền thưởng:
- Mức 1 (cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ): Thưởng số tiền bằng 3,0 lần mức tiền thưởng định kỳ cơ sở;
- Mức 2 (cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ): Thưởng số tiền bằng 2,5 lần mức tiền thưởng định kỳ cơ sở;
- Mức 3 (cá nhân hoàn thành nhiệm vụ): Thưởng số tiền bằng 1,0 lần mức tiền thưởng định kỳ cơ sở.
Ví dụ quỹ tiền thưởng hằng năm của đơn vị là 2 tỷ đồng, trường hợp đã chi cho thưởng đột xuất 20%, tổng kinh phí chi cho thưởng định kỳ hằng năm còn lại là 80%, tương ứng với 1,6 tỷ đồng. Trường hợp đơn vị có 190 cá nhân được chi thưởng định kỳ, trong đó tối đa 20% được đánh giá xếp loại công chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tương ứng 38 cá nhân được hưởng mức 1, số còn lại đánh giá xếp loại công chức ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ, tương ứng với 152 cá nhân được hưởng mức 2.
Mức tiền thưởng định kỳ cơ sở = 1.6 tỷ đồng = 3.238.000 đồng
  (38 x 3,0) + (152 x 2,5) + (0 x 1,0)  
Trong trường hợp này, mức 1 tương ứng: 9.716.000 đồng/người, mức 2: 8.097.000 đồng/người.
f) Quy trình và thủ tục:
Bước 1: Căn cứ Quyết định/Thông báo phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, người lao động hằng năm, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với công đoàn đơn vị lập danh sách đề nghị xét thưởng định kỳ hằng năm, gửi Vụ Tổ chức cán bộ.
Bước 2: Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, thẩm định tham mưu lấy ý kiến công đoàn, tập thể lãnh đạo Tổng cục và Ban Thường vụ Đảng uỷ Tổng cục trước khi trình Tổng Cục trưởng xem xét, quyết định thưởng định kỳ hằng năm.
Việc thực hiện chế độ tiền thưởng theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP và Quy chế tạm thời thực hiện chế độ tiền thưởng của Tổng cục Thi hành án dân sự là việc thực hiện chế độ chính sách mới. Việc thực hiện hiệu quả Quy chế sẽ bảo đảm việc xét thưởng và khuyến khích, động viên kịp thời cho công chức, viên chức, người lao động; đòi hỏi công tác đánh giá, phân loại công chức, viên chức, người lao động thực chất, bám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ và đóng góp của cá nhân vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của đơn vị./.
Lê Thị Thu Thảo, Thẩm tra viên
Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự