Kết thúc thi hành án dân sự đối với Phan Văn V?

02/12/2013
Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 01/HSST ngày 17/01/2002 của Toà án nhân dân huyện KB, tỉnh HN thì Phan Văn V, sinh năm 1975, trú tại thôn ĐL, xã ĐH, huyện KB, tỉnh HN phải thi hành khoản phạt và án phí là 3.050.000 đồng. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan Thi hành án dân sự huyện KB đã ra Quyết định thi hành án chủ động số 46/THA ngày 22/3/2002 nội dung Phan Văn V phải thi hành khoản 3.050.000đ (phạt và án phí).


Sau khi thi hành được 150.000đ, khoản còn phải thi hành là 2.900.000 đồng, Phan Văn V đã bỏ đi khỏi địa phương năm 2007. Khi đi không khai báo tạm vắng nên chính quyền địa phương không biết Phan Văn V đi đâu, tại địa phương Phan Văn V không còn họ hàng thân thích, không có bất cứ tài sản gì để thi hành án.

Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 48, Luật Thi hành án dân sự năm 2008: “Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định”.

Do vậy, trường hợp này sẽ phải hoãn thi hành án và định kỳ 1 năm một lần cơ quan Thi hành án dân sự phải xác minh điều kiện thi hành án của Phan Văn V theo quy định tại Khoản 5, Điều 6, Nghị định 58/2009/NĐ-CP. Nhưng sẽ hoãn thi hành án bao lâu nếu Phan Văn V bỏ đi hẳn và không bao giờ quay trở về địa phương (thôn ĐL, xã ĐH, huyện KB, tỉnh HN) và cũng không có thông tin nào về nơi cứ trú mới của Phan Văn V? Và làm thế nào để kết thúc thi hành án với Phan Văn V.

Để một việc thi hành án dân sự có thể kết thúc thì phải là một trong các trường hợp quy định tại Điều 52 Luật Thi hành án dân sự: Kết thúc thi hành án.

Việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong các trường hợp sau đây:

1. Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình;

2. Có quyết định đình chỉ thi hành án;

3. Có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án”.

Theo Điều 52, Luật Thi hành án dân sự thì chỉ có 03 trường hợp kết thúc thi hành án như đã nêu ở trên. Chúng ta sẽ xem xét từng trường hợp đối với việc thi hành án này.

Thứ nhất, đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình, trường hợp này chắc chắn không phải vì Phan Văn V chỉ thi hành được 150.000 đồng  khoản còn phải thi hành là 2.900.000đ.

Thứ hai, có quyết định đình chỉ thi hành án. Vậy có thể đình chỉ thi hành án đối với Phan Văn V được không?. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 50 Luật thi hành án năm 2008 thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;

b) Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;

c) Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

d) Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ;

đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;

e) Có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án;

g) Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;

h) Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên”.

Các trường hợp a, b, c, d, đ, g, h đều không thể áp dụng với việc thi hành án của Phan Văn V. Chỉ còn trường hợp tại điểm e "có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án”.

Vậy có thể miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án cho Phan Văn V được không? Điều 61 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước:

1. Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì có thể được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản án phí không có giá ngạch;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 5.000.000 đồng.

2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 10.000.000 đồng.

3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án sau khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng”.

Như vậy, điều kiện bắt buộc phải có để được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án là người phải thi hành án không có tài sản để thi hành. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 1, Thông tư liên lịch số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án thì: “Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án” là người không có tài sản tại thời điểm xác minh hoặc có tài sản nhưng giá trị nhỏ, không đủ hoặc chỉ đủ chi phí thi hành án, tài sản mà theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc tài sản không bán được, không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu của bản thân họ và gia đình”.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật đã nêu thì Phan Văn V hoàn toàn không đủ điều kiện để xét miễn nghĩa vụ thi hành án. Bởi chỉ có thể xác định được Phan Văn V đã đi khỏi nơi cư trú (thôn ĐL, xã ĐH, huyện KB, tỉnh HN), và tại nơi cứ trú Phan Văn V không có tài sản gì, chứ không thể khẳng định được Phan Văn V không có tài sản.

Do vậy, theo các quy định tại Khoản 1, Điều 50 Luật thi hành án năm 2008 thì không thể đình chỉ thi hành án đối với Phan Văn V.

Thứ ba, có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án chắc chắn không áp dụng được vì đây là việc thi hành án chủ động.

Qua phân tích ba trường hợp ở trên thì trường hợp thi hành án dân sự của Phan Văn V không thể kết thúc được.

Quan điểm của tác giả cho rằng với trường hợp này phải hoãn thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự phải tiến hành xác minh với chu kỳ 1 năm 1 lần theo đúng Khoản 5, Điều 6, Nghị định 58. Khi tiến hành sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì cần bổ sung đây là một trường hợp để tạm đình chỉ thi hành án quy định tại Điều 49.

Mong các bạn đồng nghiệp, cũng như bạn đọc quan tâm tới lĩnh vực thi hành án dân sự quan tâm, cùng đóng góp hướng giải quyết. Vì Phan Văn V chỉ là một ví dụ cho rất nhiều trường hợp thi hành án dân sự trong thực tế còn đang vướng mắc, tồn đọng.

Văn Tiến – Viện KSND huyện Hữu Lũng