Cưỡng chế tài sản thi hành án - khó thi hành trên thực tế

29/06/2015


Điều 46 Luật Thi hành án dân sự quy định về cưỡng chế thi hành án

1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế (thời hạn tự nguyện tại điều 45 Luật Thi hành án dân sự 2008 đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014)

2. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định. Như vậy, theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì thời hạn để kê biên cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án là hết thời hạn tự nguyện, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế giải quyết các việc thi hành án dân sự mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì việc tổ chức cưỡng chế thi hành án là việc làm "bất đắc dĩ" của các cơ quan thi hành án. Trong bài viết này, tác giả xin nêu một vụ việc cụ thể để đồng nghiệp và độc giả cùng nghiên cứu, trao đổi.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện N tỉnh H đã thụ lý đơn yêu cầu thi hành bản án DSPT về chia tài sản thừa kế giữa người được thi hành án là anh Chu Văn Đ (huyện B, tỉnh H) và người phải thi hành án là bà Trần Thị M, anh Chu Ngọc Th và anh Chu Ngọc T (huyện N, tỉnh H) theo bản án dân sự phúc thẩm số 06/DSPT ngày 24/5/2013 của TAND tỉnh H. Theo quyết định, buộc bà Trần Thị M, anh Chu Ngọc Th; anh Chu Ngọc T (huyện N, tỉnh H) phải giao cho anh Chu Văn Đ (huyện B, tỉnh H) diện tích 101m2 đất tại thửa đất số 81, tờ bản đồ số 4, trị giá: 1.248.965.349 đồng và toàn bộ vật kiến trúc xây dựng trên đất như nhà lợp mái tôn, bể nước, bể phốt, giếng khoan, tổng giá trị: 69.863.000 đồng. Anh Chu Văn Đ phải thanh toán trả bà Trần Thị M số tiền là 407.469.468 đồng và phải nộp tiền sử dụng đất khi cơ quan Nhà nước yêu cầu là: 60.600.000 đồng. UBND huyện N có trách nhiệm điều chỉnh, chỉnh lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất số 81, tờ bản đồ số 4 cho chủ sử dụng đất là anh Chu Văn Đ theo như biên bản đối thoại ngày 26/7/2012. Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án của anh Chu Văn Đ, Chi cục Thi hành án dân sự huyện N tỉnh H đã ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu và thực hiện các thủ tục tống đạt giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật.

Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, mẹ con bà M vẫn cố tình không tự nguyện thi hành án. Chi cục Thi hành án dân sự đã nhiều lần cùng chính quyền địa phương động viên, giáo dục, thuyết phục để mẹ con bà tự nguyện thi hành án nhưng vẫn không có kết quả, với lý do: Mẹ con bà không nhất trí với quyết định của Tòa án hai cấp xét xử, bà đã có đơn đề nghị TANDTC; VKSNDTC; UBTP của Quốc Hội xem xét lại vụ việc của bà, bà M đề nghị với cơ quan Thi hành án cho hoãn việc thi hành bản án của TAND tỉnh H để bà đi khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền. TANDTC đã có văn bản số 178 ngày 15 tháng 10 năm 2013 trả lời không có căn cứ chấp nhận yêu cầu xem xét giám đốc thẩm đối với bà M.

Liên quan đến nghĩa vụ thi hành án của bà M, qua xác minh được biết: Ông Chu Văn G kết hôn hợp pháp với bà Chu Thị Đ ở huyện B, tỉnh H, có đăng ký kết hôn, sinh được 05 người con. Năm 1980, ông G làm việc tại HTX Minh Thành (huyện N, tỉnh H) và có chung sống bất hợp pháp với bà Trần Thị M tại huyện N (không đăng ký kết hôn) sinh được hai người con. Do Nhà nước thu hồi đất nên ông G được giải quyết cho mượn đất và được UBND huyện N tỉnh H xác nhận tạm mượn đất. Quá trình sử dụng đất, ông G đã vượt cạp mở rộng diện tích đất là 101 m2 như hiện nay. Năm 2000, ông G chết. Từ đó đến nay bà M và các con quản lý thửa đất trên. Năm 2006 bà M đăng ký quyền sử dụng đất và được Ủy ban nhân dân huyện N cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại bản đồ năm 2010, diện tích đất trên mang tên bà M là chủ sử dụng đất.

Gia đình các bên đương sư liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đề nghị bảo vệ quyền lợi cho bản thân và gia đình mình. Chi cục Thi hành án dân sự huyện N đã báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cùng cấp, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành và chuẩn bị điều kiện về mọi mặt để phục vụ cho việc tổ chức cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, khi tổ chức cưỡng chế việc bố trí nơi ở tạm cho gia đình người phải thi hành án là vấn đề khó khăn, chưa nói đến việc cưỡng chế con người. Vì vậy, việc giải quyết vụ việc này hiện nay đang có những quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự ngày 14/11/2008 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 về việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án “Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm”; Điều 4 Luật Thi hành án dân sự về việc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định: “Bản án, quyết định quy định tại Điều 2 của Luật này phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án”. Do vậy, Bản án đã có hiệu lực pháp luật, TAND Tối cao đã có văn bản trả lời không có căn cứ xem xét giám đốc thẩm, vì vậy việc tổ chức cưỡng chế giao nhà cho người được thi hành án khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành và hai bên không thỏa thuận được là biện pháp đã được luật định, cơ quan Thi hành án phải nghiêm chỉnh chấp hành. Báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, cơ quan có thẩm quyền, đồng thời trước khi tổ chức cưỡng chế, cơ quan Thi hành án cần bố trí thuê nhà ở tạm cho gia đình người phải thi hành án vì gia đình bà M chỉ có một chỗ ở duy nhất là diện tích đất phải giao trả theo quyết định bản án.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Cần xác định rõ nguồn gốc mảnh đất hiện đang tranh chấp, xem xét đến công sức đóng góp của gia đình bà M để có hướng thỏa thuận các bên đương sự đảm bảo thỏa đáng. Cơ quan Thi hành án tích cực thuyết phục, thỏa thuận các bên đương sự và báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền cấp bán cho gia đình bà M một mảnh đất với chi phí hợp lý.

Theo quan điểm của người viết bài này, thì theo quy định pháp luật, bản án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành triệt để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án nhưng trên thực tế, để đảm bảo hợp tình, hợp lý, ba mẹ con bà M hiện nay chỉ có 1 chỗ ở duy nhất, ba mẹ con bà đã sinh sống, cải tạo nhà đất và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế từ năm 2000 đến nay, nếu tổ chức cưỡng chế thì cơ quan Thi hành án báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án huyện, Ủy ban nhân dân huyện có phương án cấp bán cho gia đình bà M một diện tích đất với chi phí hợp lý, đồng thời giáo dục, thuyết phục anh Đ hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho gia đình bà M tạo tâm lý ổn định cho gia đình bà.

Xung quanh vụ việc này đang còn nhiều quan điểm tranh luận về cách giải quyết, tác giả mong nhận được sự trao đổi của các đồng nghiệp và độc giả.

Hồng Nhung - Cục THADS tỉnh Hà Nam