1. Nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về thi hành án dân sự cho thấy pháp luật nhiều nước đều có chế định Thẩm phán thi hành án. Thẩm phán thi hành án không chỉ tồn tại trong mô hình tổ chức thi hành án thuộc Toà án, mà còn có cả trong tổ chức thi hành án thuộc hệ thống cơ quan hành chính. Thẩm phán thi hành án thường được đặt tại các toà án sơ thẩm thẩm quyền rộng được Chánh toà chỉ định và uỷ quyền phụ trách thi hành án. Thẩm phán thi hành án không tham gia vào quá trình xét xử của toà án mà có trách nhiệm kiểm tra, giám sát tính hợp pháp, hợp lệ của quá trình thi hành án; thẩm phán thi hành án không được xem xét lại quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án, không được làm gián đoạn việc thi hành quyết định đó. Thẩm phán thi hành án có chức năng giám sát việc thi hành án. Trong quá trình thi hành án, nếu có các tranh chấp phát sinh, thì thẩm phán thi hành án có trách nhiệm giải quyết. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thẩm phán thi hành án là người có thẩm quyền ra các quyết định quan trọng trong quá trình thi hành án như: quyết định cho phép áp dụng biện pháp sai áp tài sản, quyết định phá khoá, khám nhà, khám đồ vật, quyết định bắt giữ người có hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án, quyết định dẫn giải người phải thi hành án khi đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng cố tình không có mặt…
2. Thực tiễn thi hành án ở Việt Nam thời gian qua cho thấy có rất nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án cần có sự can thiệp trực tiếp, kịp thời của Toà án như giải thích bản án,… Nếu như về mặt lý luận đã thống nhất xác định bản chất của thi hành án dân sự là hoạt động hành chính - tư pháp, yếu tố tư pháp được thể hiện qua đặc điểm THA chính là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng, thì Toà án phải có trách nhiệm đến cùng với bản án, quyết định mà mình ban hành; không để tình trạng cắt khúc, tách rời các giai đoạn tố tụng làm hạn chế mối quan hệ giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án dân sự, giữa Toà án với cơ quan thi hành án dân sự. Vì vậy, chế định thẩm phán thi hành án của các nước là một kinh nghiệm tốt mà chúng ta có thể tham khảo, nhằm tháo gỡ một cách nhanh chóng, có hiệu quả và bằng thể thức hợp pháp đối với các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án.
3. Như vậy, về lâu dài, pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung quy định về thẩm phán thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, khi chưa có thẩm phán thi hành án dân sự thì pháp luật thi hành án dân sự có thể nghiên cứu sửa đổi theo hướng xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án dân sự. Cụ thể, có thể lựa chọn một trong hai giải pháp sau:
Giải pháp (1), giao cho Toà án ra các quyết định liên quan trực tiếp đến khởi động việc thi hành án, làm dừng và thay đổi nội dung bản án, quyết định của Toà án thì Tòa án phải ra 12 loại, với 17 quyết định về thi hành án dân sự (quyết định thi hành án, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, ủy thác, trả đơn yêu cầu thi hành án...). Cơ quan thi hành án dân sự ra các quyết định về thi hành án liên quan trực tiếp đến thủ tục tổ chức thi hành quyết định thi hành án, trong đó, cơ quan thi hành án dân sự ra 37 loại, với 40 quyết định về thi hành án như: Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế v.v...
Hoặc giải pháp (2), ngoài các loại quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của Tòa án như quy định hiện hành (quyết định miễn, giảm thi hành án; quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp đã kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm), Tòa án chỉ cần ra một loại quyết định mang tính chất quyền lực tư pháp, đó là quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, các loại quyết định khác chỉ mang tính chất hành chính, thuộc về nghiệp vụ thi hành án dân sự thì để cơ quan, tổ chức thi hành án dân sự thực hiện. Mặt khác, đối với vấn đề làm thay đổi nội dung phán quyết của Tòa án như việc cho bán đấu giá tài sản để thi hành án khi giá tài sản thay đổi tăng hoặc giảm; quyết định về quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án như việc kê biên tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án chưa tuyên kê biên tài sản đó thì phải do Tòa án (cơ quan thực hiện quyền tư pháp) ra quyết định, sau đó chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan khác có thẩm quyền thực hiện.
4. Trong bối cảnh hiện nay, các đạo luật quan trọng có liên quan trực tiếp đến hệ thống tổ chức như: Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, ... đang trong quá trình sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Mặt khác, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện nay cũng đang được sửa đổi, bổ sung, trong đó dự kiến hệ thống Tòa án ở nước ta sẽ gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện. Việc sửa đổi pháp luật thi hành án dân sự theo hướng quy định giao trách nhiệm ra quyết định thi hành án cho tòa án theo đề xuất như trên sẽ đặt ra vấn đề là Tòa án nào ra quyết định thi hành án và các quyết định liên quan; các quyết định đó sẽ thực hiện theo quy định kháng cáo hay khiếu nại và Tòa án nào sẽ giải quyết. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện, đồng bộ với các đạo luật có liên quan khác.
5. Đáng tiếc Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã không đi theo hướng giải quyết trên. Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014 đã sửa đổi, bổ sung Điều 36 Luật Thi hành án dân sự 2008 như sau:
“Điều 36. Ra quyết định thi hành án
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.
2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
e) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.
Đối với quyết định quy định tại điểm đ khoản này thì phải ra ngay quyết định thi hành án.
Đối với quyết định quy định tại điểm e khoản này thì phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.
3. Quyết định thi hành án phải ghi rõ họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; số, ngày, tháng, năm, tên cơ quan, tổ chức ban hành bản án, quyết định; tên, địa chỉ của người phải thi hành án, người được thi hành; phần nghĩa vụ phải thi hành án; thời hạn tự nguyện thi hành án.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Liên quan đến trách nhiệm của tòa án trong thi hành án dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014 quy định tại khoản 45 Điều 1 như sau:
45. Sửa đổi, bổ sung Điều 170 như sau:
“Điều 170. Nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án trong thi hành án dân sự
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao:
a) Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành văn bản pháp luật về thi hành án dân sự;
b) Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành bản án, quyết định trong trường hợp cần thiết;
c) Giải quyết yêu cầu, kiến nghị và chỉ đạo Toà án các cấp giải quyết yêu cầu, kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn theo quy định của pháp luật;
d) Chỉ đạo Tòa án các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự;
đ) Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổng kết công tác thi hành án dân sự.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương:
a) Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành bản án, quyết định trong trường hợp cần thiết;
b) Trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị;
c) Xem xét theo thủ tục tái thẩm quyết định miễn, giảm thi hành án theo quy định của pháp luật.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương:
a) Chuyển giao bản án, quyết định, tài liệu và vật chứng có liên quan cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật này;
b) Xem xét, quyết định việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; giải quyết kháng nghị về quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật này;
c) Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản; hủy giấy tờ, giao dịch phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Toà án;
d) Giải quyết kiến nghị, yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự và theo dõi kết quả xử lý sau khi Tòa án trả lời.
4. Khi xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy.”
Việc sửa đổi như trên đã góp phần:
- Quy định rõ cơ chế để bảo đảm bản án, quyết định được ban hành ra phải có tính khả thi, Tòa án kịp thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phục vụ cho việc thi hành án; quy định rõ hơn trách nhiệm của Tòa án trong việc khắc phục hậu quả các bản án, quyết định đã được thi hành xong nhưng quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm làm thay đổi các nội dung đã quyết định trước đó.
- Quy định rõ hơn trách nhiệm của Tòa án trong việc chuyển giao bản án, quyết định; chuyển giao các tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án, trả lời kiến nghị, giải thích bản án khi có yêu cầu, trả lời các khiếu nại của công dân liên quan đến bản án trong quá trình thi hành án và phải chịu trách nhiệm của mình đối với hoạt động này; quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án khi chủ sở hữu chung khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu xác định phần tài sản thuộc sở hữu chung của mình với người phải thi hành án hoặc Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.
Mặc dù vậy, theo các quy định sửa đổi nói trên, trong thi hành án dân sự loại quyết định mang tính chất quyền lực tư pháp, đó là quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành lẽ ra phải thuộc trách nhiệm của tòa án thì vẫn thuộc trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự các cấp. Vì vậy, pháp luật vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo hướng bổ sung quy định về thẩm phán thi hành án (bổ sung vào Luật tổ chức Tòa án nhân dân) và chuyển trách nhiệm ra quyết định thi hành án cho tòa án (sửa Luật Thi hành án dân sự). Bên cạnh đó, bổ sung quy định rõ trách nhiệm của Toà án trong việc theo dõi, kiểm soát, thống kê các bản án, quyết định đã được Tòa án ra quyết định thi hành án và kết quả thi hành án. Tuy nhiên, việc xác định vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự cũng cần phải tính đến các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hoạt động thi hành án dân sự.
Chu Thị Hoa
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật