Sau khi Thủ trưởng Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc, Chấp hành viên phải lập hồ sơ thi hành án. Mỗi quyết định thi hành án lập thành một hồ sơ và được xác định là một việc thi hành án. Chấp hành viên được phân công thi hành quyết định thi hành án phải tổ chức thực hiện việc thi hành án theo thủ tục do pháp luật quy định. Hồ sơ thi hành án phải thể hiện toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên đối với việc thi hành án. Khi các đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của họ theo bản án, quyết định hoặc khi việc thi hành án bị đình chỉ thi hành thì Chấp hành viên chấm dứt trách nhiệm tổ chức thi hành án. Việc thi hành án được chấm dứt đối với từng quyết định thi hành án hay còn gọi là từng hồ sơ thi hành án. Vậy khi nào việc thi hành án được coi là kết thúc?
Theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì kết thúc việc thi hành án được quy định tại Điều 52 về “Kết thúc thi hành án”. Theo đó, việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong các trường hợp sau đây:
1. Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình;
2. Có quyết định đình chỉ thi hành án;
3. Có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã sửa đổi Điều 52, do không còn cơ chế trả đơn yêu cầu thi hành án nên đã bỏ quy định kết thúc thi hành án trong trường hợp có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án; đồng thời sửa đổi căn cứ việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong trường hợp:
1. Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.
2. Có quyết định đình chỉ thi hành án”.
Theo quy định tại Điều 53 Luật Thi hành án dân sự thì đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành án. Điều 37 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xác nhận bằng văn bản về kết quả thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự theo quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu của đương sự hoặc thân nhân của họ.
Trường hợp thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự, người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù giam cần có đủ điều kiện để xét đặc xá, tha tù trước thời hạn; hoặc trường hợp thi hành các bản án, quyết định khác mà người phải thi hành án muốn xuất cảnh thì trong trường hợp này người phải thi hành án hoặc thân nhân của họ sẽ đề nghị cơ quan thi hành án cấp Giấy xác nhận về việc đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án để đảm bảo quyền và lợi ích của bản thân họ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là trong trường hợp đương sự hoặc thân nhân của họ không có đơn đề nghị xác nhận và cơ quan thi hành án không xác nhận về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình thì việc thi hành án có được coi là kết thúc hay không?
Ví dụ: Trong trường hợp bản án tuyên A phải trả cho B 100 triệu đồng. Sau quá trình Chấp hành viên vận động, thuyết phục thi hành án, A đã trả cho B làm 02 lần, mối lần 50 triệu. Việc thi hành án kết thúc khi B nhận đủ 100 triệu đồng theo bản án tuyên, lúc này đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, A hoặc B không đề nghị cơ quan thi hành án xác nhận bằng văn bản về kết quả thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án theo bản án đã thực hiện xong.Vậy việc thi hành án trong trường hợp này đã kết thúc chưa?
Rõ ràng việc thi hành án đối với vụ việc trên đã kết thúc, cơ quan thi hành án trong trường hợp này đã chấm dứt trách nhiệm tổ chức thi hành án nhưng không có Giấy xác nhận kết quả thi hành án. Ở đây phải hiểu rộng về xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự không phải chỉ là giấy xác nhận bằng văn bản khi đương sự có yêu cầu mà xác nhận bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như Phiếu chi tiền cho người được thi hành án trong trường hợp trả tiền, biên bản thỏa thuận trong trường hợp đương sự thỏa thuận thi hành án; biên bản cưỡng chế giao nhà, trả nhà có chữ ký của các bên hoặc của người được thi hành án có xác nhận của thành phần tham gia cưỡng chế trong trường hợp trả nhà, biên bản giao nhận tài sản trúng đấu giá trong trường hợp kê biên, bán đấu giá tài sản đảm bảo thi hành án...Do vậy, phải khẳng định việc thi hành án đã kết thúc trong những trường hợp đương sự đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ cũng như khi có các căn cứ đình chỉ việc thi hành án theo quy định tại Điều 50 Luật Thi hành án dân sự. Đồng thời, xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự theo Điều 52 Luật Thi hành án dân sự không phải chỉ là giấy xác nhận trong trường hợp đương sự có yêu cầu cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án.
Sau khi việc thi hành án kết thúc thì trách nhiệm của Chấp hành viên còn phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để hoàn thiện hồ sơ kết thúc thi hành án để đưa vào lưu trữ theo quy định.
Nguyễn Nhàn
Vụ Nghiệp vụ 1- Tổng cục Thi hành án dân sự