Bàn về việc kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án trong thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự hiện hành

17/11/2015
Thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp Chấp hành viên áp dụng biện pháp kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của hộ gia đình hoặc tài sản chung với người khác để đảm bảo thi hành án. Việc cưỡng chế kê biên tài sản thuộc sở hữu chung được quy định  tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 và khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ.


“Điều 74. Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án

1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;

b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

3. Chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung.

Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, Chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản; đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 của Luật này.”

Khoản 2 điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định Việc kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành với người khác được thực hiện như sau:

a) Cơ quan thi hành án dân sự chỉ kê biên, xử lý đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi các tài sản khác không đủ để thi hành án hoặc khi có đề nghị của đương sự theo quy định tại Khoản 4 Điều này;

b) Trường hợp người phải thi hành án có chung tài sản với người khác mà đã xác định được phần tài sản, quyền tài sản của từng người thì Chấp hành viên kê biên phần tài sản, quyền tài sản của người phải thi hành án để thi hành án theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự; trường hợp chưa xác định được phần quyền của người phải thi hành án thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này;

c) Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.

Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.

Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ”.

Xem xét các quy định trên, có thể thấy pháp luật thi hành án dân sự hiện hành đã có những quy định rõ ràng hơn so với luật thi hành án dân sự năm 2008 về thủ tục kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, đặc biệt là quyền ưu tiên mua tài sản thuộc sở hữu chung. Nhưng trong thực tế để áp dụng đúng quy định trên thì còn rất nhiều điều đáng phải bàn.

Thứ nhất: Đối với việc xác định tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác.

Luật phân chia thành hai trường hợp, trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung và trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung.

Đối với trường hợp thứ nhất: chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật THADS hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Trường hợp thứ hai là đối với tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà không có người khởi kiện, chấp hành viên tiến hành xử lý theo quy định.

Phân tích trường hợp thứ nhất, thời hạn tối đa để khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần tài sản thuộc sở hữu chung là 45 ngày. Theo tôi quy định thời hạn như trên là quá dài, bởi vì trong trường hợp này việc khởi kiện để phân chia tài sản không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các đồng sở hữu vì vậy nên rút ngắn thời gian khởi kiện này. Mặt khác, sau khi Tòa án thụ lý lại phải mất một thời gian dài để Tòa án thụ lý, giải quyết việc phân chia tài sản. Việc thi hành án cũng theo đó mà bị kéo dài.

Thứ hai: thời gian ưu tiên mua tài sản của chủ sở hữu chung

Theo quy định tại khoản 3 điều 74 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014  thì thời hạn ưu tiên mua cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án là 03 tháng đối với bất động sản và 01 tháng đối với động sản; đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.

Tính theo thời hạn trên thì muốn kê biên, bán đấu giá được một tài sản thuộc sở hữu chung, Chấp hành viên phải trải qua một thời gian quá dài. 30-45 ngày để khởi kiện chia tài sản, 03 tháng để chờ hết thời hạn ưu tiên mua (Đối với bất động sản) mới được thông báo bán đấu giá tài sản lần đầu tiên. Mỗi lần bán đấu giá lại tuân theo các quy định về bán đấu giá tài sản, (Điều 28 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 ) thực tế tối thiểu phải có 45 ngày cho một phiên đấu giá. Đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn ưu tiên mua là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.

Như vậy cứ mỗi lần bán tài sản lại phải dành thời gian ưu tiên mua cho chủ sở hữu chung, trong khi đó để tổ chức bán đấu giá thành được một tài sản thi hành án là hết sức khó khăn. Có những trường hợp tài sản thi hành án đã được bán đấu giá đến lần thứ 8 mà vẫn không có người đăng ký mua. Như vậy chấp hành viên không biết đến bao giờ mới có thể thi hành xong được một vụ án, và người phải thi hành án thì vẫn nhởn nhơ coi thuờng pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến án tồn đọng hiện nay

Kết luận và kiến nghị:

1. Cần xem xét lại về thời gian khởi kiện để yêu cầu Tòa án phân chia tài sản đối với tài sản thuộc sở hữu chung, bởi vì đối với thời hạn 45 ngày là một thời hạn quá dài dễ dẫn đến việc đương sự lợi dụng để kéo dài việc thi hành án  

2. Về thời gian ưu tiên mua tài sản của chủ sở hữu chung, cần quy định chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản 1 lần duy nhất trong lần bán tài sản đầu tiên và rút ngắn thời gian ưu tiên mua là 30 ngày đối với bất động sản, 10 ngày đối với động sản thay cho quy định  thời gian ưu tiên mua dài như hiện nay gây tốn kém và lãng phí thời gian thi hành án.

Hoàng Thị Thanh Hoa