Bàn về việc kê biên, xử lý tài sản chung

09/05/2017
Trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án thì pháp luật đã giao cho Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự được quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án. Trong 06 biện pháp cưỡng chế cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự thì biện pháp “Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ” được Chấp hành viên áp dụng nhiều nhất. 


Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành thì Chấp hành viên đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân vì các quy định pháp luật chưa rõ ràng, còn có sự mâu thuẫn chồng chéo giữa các quy định pháp luật dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Bài viết này đề cập đến trường hợp kê biên, xử lý tài sản của chung của người phải thi hành án với người khác nhưng chưa xác định được phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung.
1. Về quy định của pháp luậtvề kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành án với người khác
(i) Tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự quy định  về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án như sau:
“1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.
2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:
a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;
b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ”.
(ii) Tại khoản 2, Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 đã hướng dẫn thi hành quy định trên như sau: 
“Việc kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành với người khác được thực hiện như sau:
a) Cơ quan thi hành án dân sự chỉ kê biên, xử lý đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi các tài sản khác không đủ để thi hành án hoặc khi có đề nghị của đương sự theo quy định tại Khoản 4 Điều này;
b) Trường hợp người phải thi hành án có chung tài sản với người khác mà đã xác định được phần tài sản, quyền tài sản của từng người thì Chấp hành viên kê biên phần tài sản, quyền tài sản của người phải thi hành án để thi hành án theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự; trường hợp chưa xác định được phần quyền của người phải thi hành án thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này;
c) Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.
Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ”.
2. Về khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về kê biên tài sản chung của người phải thi hành án với người khácđể thi hành án
Trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung nhưng chưa xác định được phần sở hữu của từng người thì có 02 quan điểm khác nhau trong việc áp dụng quy định nêu trên:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chấp hành viên ra quyết định kê biên tài sản trước (kê biên toàn bộ tài sản chung) rồi mới thông báo cho đồng sở hữu chung để họ thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án phân chia tài sản, thông báo cho người được thi hành án hoặc Chấp hành viên sẽ yêu cầu Tòa án phân chia tài sản, việc xử lý tài sản chỉ được thực hiện khi có quyết định của Tòa án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Chấp hành viên thực hiện việc thông báo cho đồng sở hữu chung  để họ thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án phân chia tài sản, thông báo cho người được thi hành án hoặc Chấp hành viên sẽ yêu cầu Tòa án phân chia tài sản, Chấp hành viên chỉ ra quyết định kê biên tài sản của người phải thi hành án khi có quyết định của Tòa án về việc xác định phần sở hữu của người phải thi hành án.
Tác giả thấy rằng quan điểm thứ nhất có một số ưu điểm. Trước hết, đó là đảm bảo rõ ràng thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự, theo đó, thứ tự ưu tiên được xác định bởi thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án. Do đó, việc Chấp hành viên ban hành quyết định kê biên trước sẽđảm bảo thứ tự ưu tiên thanh toán cho người được thi hành án. Đồng thời, cách giải quyết theo quan điểm này cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc thi hành án, tránh tình trạng các đương sự lợi dụng việc chưa xác định được phần tài sản của người phải thi hành trong khối tài sản chung để trốn tránh hoặc kéo dài thời gian thi hành án. Tuy nhiên, việc kê biên tài sản chung trước rồi mới thông báo cho các đồng sở hữu thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa giải quyết phần sở hữu thì trong trường hợp có kết quả thỏa thuận hoặc có phán quyết của Tòa án thì Chấp hành viên lại phải thu hồi lại quyết định kê biên đã ban hành và ra quyết định kê biên mới tương ứng với phần tài sản của người phải thi hành án. Việc phải thu hồi quyết định kê biên có thể sẽ dẫn đến đơn thư khiếu nại phức tạp hoặc thậm chí yêu cầu bồi thường.
Trong trường hợp này, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi vì:
Thứ nhất, cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp cưỡng bức bắt buộc của cơ quan thi hành án do Chấp hành viên quyết định theo thẩm quyền quy định nhằm buộc người phải thi hành án phải thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án, được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành trong thời hạn do Chấp hành viên ấn định, hoặc trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán, hủy hoại tài sản. Như vậy, cưỡng chế thi hành án dân sự là việc Chấp hành viên trong thực thi công vụ đã sử dụng quyền lực nhà nước để buộc người phải thi hành án thi hành nghĩa vụ mà bản án, quyết định đã tuyên. Do đó, Chấp hành viên chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án và đã hết thời gian tự nguyện thi hành án hoặc trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán, hủy hoại tài sản. Vì vậy, về nguyên tắc Chấp hành viên chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế đồi với tài sản của người phải thi hành án để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của họ mà không được kê biên tài sản của người không có nghĩa vụ thi hành án (trừ một số trường hợp theo luật định).
Thứ hai, việc xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung được thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận giữa các đồng sở hữu chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trường hợp các đồng sở hữu không thỏa thuận được việc phân chia quyền sở hữu trong khối tài sản chung thì trách nhiệm và thời hạn để những người có quyền và nghĩa vụ liên quan (người đồng sở hữu, người được thi hành án, Chấp hành viên) thực hiện việc yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự và khoản 9 Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ ba, mặc dù tại điểm c Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 đã giao Chấp hành viên xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong 02 trường hợp đó là: (i)tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng; (ii) tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình. Tuy nhiên, 02 trong trường hợp trên, sau khi xác định được phần quyền sở hữu, quyền sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho đồng sở hữu biết. Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản. Như vậy, quy định tại điểm c Khoản 2, Điều 24  của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cũng khẳng định là phải xác định phần sở hữu của người phải thi hành án rồi mới thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản.
3. Kiến nghị
Do chưa có sự thống nhất trong cách hiểu nên nhiều Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự đã lúng túng khi áp dụng pháp luật. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan hữu quan để sớm có chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thi hành án địa phương  thống nhất thực hiện. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp sớm rà soát các quy định pháp luật về thi hành án để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp, tránh tình trạng áp dụng không thống nhất dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Tâm Hồng