Một số vấn đề về thời hiệu yêu cầu thi hành án

04/01/2019
Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Nhằm đảm bảo tính ổn định của các quan hệ xã hội, đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong hoạt động thi hành án, ngay từ Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993(Điều 21); Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004( Điều 25) đã có quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án. Theo khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014( Luật THADS) thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án theo quy định của Luật THADS. Vấn đề thời hiệu yêu cầu thi hành án hiện nay được quy định cụ thể tại Điều 30 Luật THADS và Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS( Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).


1. Xác định thời hiệu trong các trường hợp thông thường
Khoản 1 Điều 30 Luật THADS quy định: "Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định thi hành án".
Theo Điều 151 BLDS năm 2015: Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu. Thời hiệu yêu cầu thi hành án chỉ áp dụng đối với trường hợp thi hành án theo yêu cầu, hết thời hạn pháp luật quy định, người được thi hành án, người phải thi hành án không có quyền yêu cầu thi hành án nữa.
Trên cơ sở ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và ngày yêu cầu thi hành án của đương sự cơ quan THADS xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 147 BLDS thì thời điểm bắt đầu thời hạn được tính đối với thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó. Ví dụ: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 26/7/2015. Ngày bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu THA là ngày 27/7/2015 và thời hiệu yêu cầu THA tính từ ngày 27/7/2015 đến ngày 27/7/2020.
 Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Ngày nghĩa vụ đến hạn là ngày được ấn định trong bản án, quyết định mà đến ngày đó người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ. Thời hiệu yêu cầu thi hành án trong trường hợp này không tính theo ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà tính theo ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn. 
  • Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật THADS thì có 2 trường hợp không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án đó là: Trường hợp hoãn thi hành án theo quy định tại Điều 48 Luật THADS trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án (điểm c khoản1 Điều 48 Luật THADS) thì thời gian hoãn vẫn được tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án và trường hợp tạm đình chỉ thi hành án, theo quy định tại Điều 49 Luật THADS thì thời gian tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
3. Trường hợp có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng
Trong trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau: Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa. Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan THADS hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Trong trường hợp yêu cầu thi hành án quá hạn và đương sự trình bày việc không yêu cầu thi hành án đúng hạn là do có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng thì căn cứ theo khoản 2, 3, 4 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn. Việc yêu cầu thi hành án quá hạn được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 31 Luật THADS, nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Tài liệu chứng minh việc không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Theo đó trong trường hợp thi hành án theo yêu cầu ( khoản 1 Điều 36 Luật THADS) thì khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án cả người được thi hành án và người phải thi hành án đều không có quyền yêu cầu thi hành án nữa (trừ các trường hợp không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án do pháp luật quy định).
Riêng đối với trường hợp người phải thi hành án là phạm nhân, khoản 6 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định về trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan THADS không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án mà chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp, đồng thời lập biên bản ghi rõ lý do, số tiền, tài sản do phạm nhân là người phải thi hành án, người được ủy quyền hoặc thân nhân của họ nộp và thông báo cho người được thi hành án đến nhận. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà người được thi hành án không đến nhận tiền, tài sản thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước, sau khi khấu trừ tiền, tài sản mà họ phải thi hành theo quyết định thi hành án khác, nếu có.
Quy định về phương án xử lý trong trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án là một quy định rất tiến bộ, đã tạo điều kiện cho người phải thi hành án có thêm cơ hội để thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm của mình và cũng để tạo điều kiện cho người phải thi hành án được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước trong các đợt xét giảm án hình sự.
Tuy nhiên, ngoài các trường hợp người phải thi hành án là phạm nhân, cũng có những trường hợp người phải thi hành án vì những lý do khác nhau muốn thi hành nghĩa vụ thi hành án của mình sau khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, thì pháp luật THADS lại chưa có cơ chế để giải quyết. Mục đích của quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án chính là để giới hạn thời gian thực hiện quyền (yêu cầu thi hành án) của các đương sự, tương ứng với quyền của người yêu cầu là nghĩa vụ của bên bị yêu cầu. Đối với người phải thi hành án, việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án cũng chính là việc tự nguyện thực hiện nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo bản án, quyết định của Toà án, do vậy, không cần thiết phải hạn chế thời gian để người phải thi hành án tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình.
Điều 9 Luật THADS quy định nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án”. Việc quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là cần thiết, tuy nhiên, thời hiệu này chỉ áp dụng đối với người được thi hành án, còn đối với nguời phải thi hành án thì không nên quy định thời hiệu
Do đó, trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự do thỏa thuận của đương sự đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án, có thể xem xét tách riêng quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án và người được thi hành án. Đối với người được thi hành án có thể quy định giữ nguyên thời hiệu yêu cầu THADS là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; còn đối với người phải thi hành án có thể xem xét không quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án. Bởi vì quy định này không chỉ làm lợi cho người được thi hành án, người phải thi hành án, mà còn làm cho bản án, quyết định được thi hành một cách triệt để, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. 
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội
1. Điều 149 BLDS năm 2015.
2. Lê Anh Thọ, Bàn về quyền yêu cầu thi hành án và thời hiệu yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án dân sự; http://tks.edu.vn/WebThongTinKhoaHoc/Detail/534?idMenu=81; trc: 02/1/2019