Một là: Về việc kê khai thông tin của người phải thi hành án
Theo Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, khi tiến hành xác minh chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Nội dung kê khai phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn về nội dung và mức độ các thông tin tài sản của người phải thi hành án phải cung cấp. Người phải thi hành án có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án được hiểu là người phải thi hành án phải cung cấp đầy đủ thông tin về tất cả các loại tài sản thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp của mình hay chỉ cung cấp đầy đủ các thông tin về một phần hoặc một loại tài sản nào đó tương ứng với nghĩa vụ thi hành án?
[1]
Mặt khác, tại Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: “Trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 68, Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 110/2013/NĐ-CP)thì mức phạt tiền tối đa mà chấp hành viên được áp dụng là 500.000 đồng. Trong khi đó Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án. Do đó chấp hành viên không thể trực tiếp xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền nói trên, mà phải đề nghị người có thẩm quyền xử phạt; điều này cũng dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính gặp khó khăn.
Hai là: Về yêu cầu thay đổi chấp hành viên
Tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Đương sự có quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên khi có căn cứ: “Chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án”. Tuy nhiên đối với căn cứ này cần quy định rõ ràng hành vi “chậm trễ giải quyết việc thi hành án” phải bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan do chính Chấp hành viên, như: Chấp hành viên không tiến hành các tác nghiệp cần thiết theo đúng các quy định của pháp luật dẫn đến chậm trễ thi hành án chứ không phải do các nguyên nhân khách quan, tránh việc đương sự lợi dụng quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên để gây cản trở, kéo dài việc thi hành án.
Ba là: Về việc thông báo thi hành án
Theo khoản 1 Điều 39 Luật THADS, quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Vấn đề đặt ra là “ Văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án” là những loại văn bản nào? Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về các loại văn bản này. Trong quá trình tổ chức thi hành án phát sinh rất nhiều các loại văn bản khác nhau. Số lượng văn bản cần thông báo trong THADS phát sinh nhiều dẫn đến chấp hành viên mất nhiều thời gian và công sức để thực hiện. Do đó cần thiết phải có các quy định hướng dẫn cụ thể “văn bản khác…” là những loại văn bản nào cơ quan THADS phải thực hiện việc thông báo cho đương sự, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan, đồng thời giới hạn về các văn bản phải thông báo, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho chấp hành viên.
Khoản 2 Điều 12 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: “Trường hợp đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự”.
Trên thực tế hiện nay, phương tiện liên lạc phổ biến là điện thoại và rất nhiều trường hợp đương sự có nhu cầu thông báo bằng điện thoại, việc liên lạc bằng diện thoại để thông báo rất tiện lợi và nhanh chóng, tuy nhiên việc lưu giữ tài liệu thể hiện cuộc gọi lại khó có thể thể hiện trong hồ sơ thi hành án, do đó có thể nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn đối với phương thức thông báo này để thuận lợi hơn cho quá trình thi hành án
Bốn là: Về việc ủy thác thi hành án
Tại khoản 2 Điều 57 Luật THADS quy định: “ Cơ quan THADS nhận ủy thác không được trả lại quyết định ủy thác cho cơ quan THADS đã ủy thác mà phải tiếp tục thực hiện việc thi hành án theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quyết định ủy thác có sự nhầm lẫn, sai sót rõ ràng về thẩm quyền của cơ quan nhận ủy thác thi hành án, nội dung thi hành án”. Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều trường hợp cơ quan nhận ủy thác nhận được ủy thác mà kết quả xác minh về thông tin, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án còn chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thi hành án. Do đó đề xuất bổ sung vào Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định cụ thể hơn nữa về căn cứ để cơ quan Thi hành án nơi nhận ủy thác trả lại Quyết định ủy thác cho cơ quan Thi hành án nơi ủy thác theo hướng: “Nếu căn cứ, thông tin của người phải thi hành án không cụ thể ,rõ ràng, không đầy đủ thì cơ quan Thi hành án nơi nhận ủy thác trả lại Quyết định ủy thác cho cơ quan Thi hành án nơi ủy thác” như vậy mới gắn liền trách nhiệm của cơ quan Thi hành án nơi ủy thác tránh trường hợp khi nhận quyết định ủy thác mà không xử lý được, dẫn đến án tồn đọng kéo dài.
Năm là: Về việc định giá khi có thay đổi về giá tài sản tại thời điểm thi hành án
Điều 59 Luật THADS quy định: “Trường hợp theo bản án, quyết định mà một bên được nhận tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị tài sản họ được nhận, nhưng tại thời điểm thi hành án, giá tài sản thay đổi và một trong các bên đương sự có yêu cầu định giá tài sản đó thì tài sản được định giá theo quy định tại Điều 98 của Luật này để thi hành án” .Việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án được hướng dẫn cụ thể tại Điều 17 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên cần quy định rõ ràng về việc áp dụng quy định này để thống nhất thực hiện. Cụ thể: về thời gian, thời điểm, số lần đương sự được yêu cầu định giá tài sản, định giá tài sản như thế nào? Cũng cần giới hạn việc định giá này theo hướng: Quy định chi tiết về thời điểm có quyền yêu cầu định giá tài sản và chỉ được yêu cầu thẩm định giá một lần, tránh việc kéo dài quá trình tổ chức thi hành án.
Sáu là: Cần tiếp tục có hướng dẫn cụ thể hơn về một số biện pháp cưỡng chế thi hành án
Về biện pháp thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án, Điều 22 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chỉ hướng dẫn “Khi xác định mức tiền thu từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án, Chấp hành viên căn cứ vào kết quả kinh doanh trên cơ sở sổ sách, giấy tờ và tình hình kinh doanh thực tế của người phải thi hành án” mà chưa hướng dẫn cụ thể là khoản thu từ hoạt động kinh doanh này là khoản thu sau thuế hay khoản thu từ lợi nhận ròng của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Hơn nữa, nếu là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì khoản thu sau thuế sẽ được phân bổ cho nhiều loại quỹ, ví dụ: quỹ đầu tư và phát triển, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi,… Như vậy, nếu họ là người phải thi hành án thì có cho phép họ phân bổ khoản thu cho các loại quỹ đó hay không?
[2]
Bảy là: hướng dẫn cụ thể hơn về căn cứ hoãn thi hành án
Đối với căn cứ hoãn thi hành án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Luật THADS “Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật THADS chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”
Theo quy định tại Điều 54 Luật THADS việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án đối với tổ chức được thực hiện đối với các trường hợp: hợp nhất; sáp nhập; chia, tách; giải thể; phá sản và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế. Theo đó, khi có sự kiện pháp lý làm phát sinh việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án mà do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà chưa thực hiện được việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án thì cơ quan THADS sẽ ra quyết định hoãn thi hành án.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về nội dung “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” trong trường hợp này. Nếu dẫn chiếu đến quy định về sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì chưa thực sự hợp lý vì đó là trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan của việc xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án. Do đó, việc hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này là cần thiết để thuận lợi hơn cho cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình áp dụng.
Đối với trường hợp đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế. Tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan bao gồm: Đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: Trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại; hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản để thi hành án. Như vậy, các quy định pháp luật trong trường hợp này chưa có sự thống nhất, cơ quan thi hành án dân sự phải hoãn thi hành án hay tiếp tục xử lý tài sản trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế? Do đó cũng cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này
[3].
Ngoài ra, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cũng cần bổ sung những quy định chi tiết về việc kê biên, xử lý phần vốn góp; thu giữ và xử lý tài sản là giấy tờ có giá của người phải thi hành án để thuận lợi hơn cho cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình áp dụng các biện pháp cưỡng chế này.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội