Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự

07/08/2017
Hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và  Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về công tác tổ chức cán bộ, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ, ngày 05 tháng 04 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2017/TT-BTP quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/5/2017 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 03/2017/TT-BTP), với những nội dung cơ bản như sau:


1. Tiêu chuẩn chung đối với các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự
Điều 4 Thông tư số 03/2017/TT-BTP hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn chung đối với các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự (Chấp hành viên, Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án), bao gồm:
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng; trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công chức theo quy định của pháp luật; nghiêm túc chấp hành sự phân công nhiệm vụ của cấp trên; tuân thủ pháp luật, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính; gương mẫu thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan.
- Tận tụy, trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, công tâm và gương mẫu trong thực thi công vụ; lịch sự, văn hóa và chuẩn mực trong giao tiếp, phục vụ nhân dân.
- Có lối sống và sinh hoạt lành mạnh, khiêm tốn, đoàn kết; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không lợi dụng việc công để mưu cầu lợi ích cá nhân; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Thường xuyên có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực.
- Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
2. Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự
2.1. Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Chấp hành viên cao cấp, được quy định tại Điều 5 Thông tư số 03/2017/TT-BTP, như sau:
* Về chức trách. Chấp hành viên cao cấp là công chức có chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính cao nhất, trực tiếp tổ chức thi hành, đôn đốc thi hành những vụ việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đặc biệt phức tạp, có liên quan đến các ngành, các cấp, các địa phương hoặc có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Cục Thi hành án dân sự.
* Chấp hành viên cao cấp thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự;
- Tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật;
- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất chương trình công tác, những vấn đề về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi hành án;
- Hướng dẫn, đôn đốc hoặc giúp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền quản lý của cấp mình thực hiện thi hành án dân sự và pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; tiếp công dân theo quy định;
- Xây dựng kế hoạch thi hành án dân sự và tổ chức thực hiện các quyết định của Thủ trưởng cơ quan về thi hành án dân sự;
- Hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án đối với Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên sơ cấp;
- Giúp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nắm tình hình công tác thi hành án và việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án trên địa bàn; tổ chức tổng kết thực tiễn công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản về thi hành án, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Thực hiện nhiệm vụ khác do pháp luật quy định hoặc do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự giao.
* Chấp hành viên cao cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sau đây:
- Nắm vững và am hiểu sâu sắc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để vận dụng vào công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội;
- Nắm vững và am hiểu các kiến thức về quản lý hành chính nhà nước, am hiểu sâu các nội dung pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; áp dụng thành thạo các nguyên tắc, chế độ, thủ tục về nghiệp vụ thi hành án dân sự;
- Nắm vững tình hình và xu thế phát triển của lĩnh vực thi hành án dân sự trong nước và thế giới; tổ chức nghiên cứu phục vụ quản lý và xử lý thông tin quản lý;
- Có năng lực đề xuất, tham mưu hoạch định chính sách, chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, đề án, chương trình gắn với chuyên môn nghiệp vụ của lĩnh vực thi hành án dân sự để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; có khả năng phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thi hành án;
- Có khả năng giáo dục, thuyết phục đương sự thi hành bản án, quyết định của toà án;
- Thành thạo và làm chủ các kỹ năng soạn thảo, thuyết trình, bảo vệ và tổ chức thực hiện để xây dựng và triển khai các dự án, đề án, chương trình, kế hoạch công tác, tài liệu giảng dạy liên quan đến công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Có năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết chuyên đề diện rộng thuộc lĩnh vực được giao, đề xuất những vấn đề chiến lược về công tác thi hành án dân sự, công tác thi hành án hành chính; có khả năng phân tích, khái quát, tổng hợp trong nhiều lĩnh vực liên quan đến công tác thi hành án;
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch Chấp hành viên cao cấp thì phải là người đã chủ trì xây dựng hoặc tham gia xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành được ít nhất 02 (hai) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành, địa phương được nghiệm thu đạt yêu cầu hoặc chủ trì xây dựng, tham gia xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, chương trình chuyên ngành hoặc đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả ít nhất 02 đề tài, đề án, sáng kiến trong phạm vi Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Công chức dự thi nâng ngạch Chấp hành viên cao cấp phải có thời gian giữ ngạch Chấp hành viên trung cấp từ 05 năm (60 tháng) trở lên.
* Chấp hành viên cao cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:
- Có trình độ Cử nhân Luật trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Chấp hành viên cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp;
- Có trình độ Cao cấp lý luận chính trị;
- Có chứng chỉ Ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
- Có chứng chỉ Tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
2.2. Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Chấp hành viên trung cấp, được quy định tại Điều 6 Thông tư số 03/2017/TT-BTP, như sau:
* Về chức trách. Chấp hành viên trung cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trực tiếp tổ chức thi hành, đôn đốc thi hành các vụ việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính phức tạp, số tiền, tài sản phải thi hành lớn; việc thi hành án liên quan đến nhiều địa phương thuộc thẩm quyền của Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự.
* Chấp hành viên trung cấp có nhiệm vụ sau đây:
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự;
- Triển khai thực hiện công tác thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật;
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện quyết định thi hành án dân sự; đề xuất biện pháp, chỉ đạo việc thi hành các quyết định thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định;
- Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, kiến nghị, đề xuất biện pháp tổ chức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;
- Hướng dẫn nghiệp vụ đối với Chấp hành viên sơ cấp, Thư ký, Thư ký trung cấp thi hành án;
- Xây dựng văn bản chỉ đạo công tác thi hành án, biên soạn tài liệu và hướng dẫn, phổ biến nghiệp vụ công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Giúp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nắm tình hình công tác thi hành án và việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án thuộc thẩm quyền theo sự phân công;
- Tham gia nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm và thực tiễn thi hành án;
- Nghiên cứu, kiến nghị, sửa đổi bổ sung các văn bản về thi hành án, đề xuất ý kiến đóng góp về hoàn thiện hệ thống pháp luật thi hành án;
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự giao.
* Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch Chấp hành viên trung cấp, bao gồm:
- Nắm vững đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để vận dụng vào công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Am hiểu sâu về nội dung pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; áp dụng thành thạo các nguyên tắc, chế độ, thủ tục về nghiệp vụ thi hành án dân sự;
- Nắm được tình hình và xu thế phát triển của công tác thi hành án dân sự trong nước và thế giới; tổ chức nghiên cứu phục vụ quản lý và xử lý thông tin quản lý;
- Có khả năng phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án;
- Có khả năng giáo dục, thuyết phục đương sự thi hành bản án, quyết định của toà án; quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
- Có khả năng phân tích, tổng hợp, thành thạo kỹ năng xây dựng văn bản, tài liệu liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao và thuyết trình về các vấn đề được giao;
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch Chấp hành viên trung cấp phải là người đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật hoặc chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 01 (một) đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh, cấp huyện được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu hoặc đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả ít nhất 01 đề tài, đề án, sáng kiến trong phạm vi Cục Thi hành án dân sự hoặc Chi cục Thi hành án dân sự;
- Công chức dự thi nâng ngạch Chấp hành viên trung cấp phải có thời gian giữ ngạch Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm (60 tháng) trở lên.
* Chấp hành viên trung cấp phải đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, bao gồm:
- Có trình độ Cử nhân Luật trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Chấp hành viên trung cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp;
- Có chứng chỉ Ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
- Có chứng chỉ Tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
2.3. Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Chấp hành viên sơ cấp, được quy định tại Điều 7 Thông tư số 03/2017/TT-BTP, như sau:
* Về chức trách. Chấp hành viên sơ cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự, đôn đốc thi hành án hành chính đối với những vụ việc đơn giản, lượng tiền, tài sản phải thi hành án có giá trị không lớn thuộc thẩm quyền thi hành của Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự.
* Chấp hành viên sơ cấp có nhiệm vụ sau đây:
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự;
- Triển khai thực hiện công tác thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật;
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện quyết định thi hành án dân sự; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định;
- Báo cáo kết quả thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; kiến nghị các biện pháp giải quyết;
- Hướng dẫn nghiệp vụ đối với Thư ký, Thư ký trung cấp thi hành án;
- Nghiên cứu, kiến nghị, sửa đổi bổ sung các văn bản về thi hành án, đề xuất ý kiến đóng góp về hoàn thiện hệ thống pháp luật thi hành án;
- Tham gia xây dựng văn bản về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính thuộc lĩnh vực được giao, đề xuất những vấn đề về tổ chức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính thuộc thẩm quyền;
- Thực hiện nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan thi hành án giao.
* Chấp hành viên sơ cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bao gồm:
- Nắm vững đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để vận dụng vào công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Nắm vững nội dung pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và áp dụng thành thạo các nguyên tắc, chế độ, thủ tục về nghiệp vụ thi hành án trong việc tổ chức thi hành các vụ việc được giao;
- Nắm được tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương; thông thạo địa bàn được phụ trách;
- Có khả năng phối hợp với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao;
- Có khả năng giáo dục, thuyết phục đương sự thi hành bản án, quyết định của Toà án; quyết định xử lý vụ việc của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
- Có khả năng soạn thảo các văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao;
- Công chức dự thi vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp phải đang giữ ngạch Chuyên viên và tương đương, có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm (36 tháng) trở lên.
* Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với Chấp hành viên sơ cấp:
- Có trình độ Cử nhân Luật trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Chấp hành viên sơ cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp;
- Có chứng chỉ Ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
- Có chứng chỉ Tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
2.4. Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Thẩm tra viên cao cấp được quy định tại Điều 8 Thông tư số 03/2017/TT-BTP, như sau:
* Về chức trách. Thẩm tra viên cao cấp là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất về lĩnh vực thẩm tra thi hành án dân sự, giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án dân sự quan trọng, phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương; thực hiện một số công việc khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự.
* Thẩm tra viên cao cấp có các nhiệm vụ dưới đây:
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP);
- Thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; xây dựng kế hoạch kiểm tra, chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra công tác thi hành án dân sự theo kế hoạch đã được Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có sai sót phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thực hiện quyết định có sai sót đó để khắc phục, sửa chữa và chịu trách nhiệm về những kiến nghị của mình;
- Lập kế hoạch trình Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thẩm tra, kiểm tra, xác minh và đề xuất biện pháp giải quyết đối với các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự;
- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, thẩm tra, xác minh, kiểm tra thống kê, báo cáo dữ liệu thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; của các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự chỉ đạo hoặc trình cấp có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới thi hành các vụ việc phức tạp;
- Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền;
- Thẩm tra, kiểm tra, tham mưu giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Thẩm tra, kiểm tra, tổng hợp báo cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự; báo cáo kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự trong phạm vi toàn hệ thống;
- Tham gia xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự trong việc hướng dẫn, chỉ đạo thẩm tra, kiểm tra nghiệp vụ thi hành án dân sự trong toàn quốc (đối với Thẩm tra viên cao cấp tại Tổng cục Thi hành án dân sự), trong toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với Thẩm tra viên cao cấp tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và đề xuất các biện pháp điều chỉnh nhằm bảo đảm việc tổ chức thi hành án dân sự đúng pháp luật và hiệu quả;
- Tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về công tác thi hành án;
- Tham gia xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các ngạch Thẩm tra viên thi hành án dân sự;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự giao.
* Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với Thẩm tra viên cao cấp, bao gồm:
- Nắm vững đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để vận dụng vào công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội;
- Nắm vững và am hiểu các kiến thức về quản lý hành chính nhà nước, am hiểu sâu các nội dung pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; áp dụng thành thạo các nguyên tắc, chế độ, thủ tục thẩm tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; am hiểu sâu các nội dung pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; áp dụng thành thạo các nguyên tắc, chế độ, thủ tục về nghiệp vụ thi hành án dân sự;
- Nắm vững tình hình và xu thế phát triển của lĩnh vực thi hành án dân sự trong nước và thế giới; tổ chức nghiên cứu phục vụ quản lý và xử lý thông tin quản lý;
- Có năng lực đề xuất, tham mưu hoạch định chính sách, chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, đề án, chương trình gắn với chuyên môn nghiệp vụ của lĩnh vực thi hành án dân sự để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
- Thành thạo và làm chủ các kỹ năng soạn thảo, thuyết trình, bảo vệ và tổ chức thực hiện để xây dựng và triển khai các dự án, đề án, chương trình, kế hoạch công tác, tài liệu giảng dạy liên quan đến công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, nghiệp vụ thẩm tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự;
- Có năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết chuyên đề diện rộng thuộc lĩnh vực được giao, đề xuất những vấn đề chiến lược về công tác thi hành án dân sự, công tác thi hành án hành chính; có khả năng phân tích, khái quát, tổng hợp trong nhiều lĩnh vực liên quan đến công tác thi hành án;
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch Thẩm tra viên cao cấp thì phải là người đã chủ trì xây dựng hoặc tham gia xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành được ít nhất 02 (hai) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành, địa phương được nghiệm thu đạt yêu cầu hoặc chủ trì xây dựng, tham gia xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, chương trình chuyên ngành hoặc đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả ít nhất 02 đề tài, đề án, sáng kiến trong phạm vi Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Công chức dự thi nâng ngạch Thẩm tra viên cao cấp phải có thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên chính hoặc tương đương từ đủ 05 năm trở lên (60 tháng), trong đó thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên chính tối thiểu 02 năm (24 tháng).
* Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với Thẩm tra viên cao cấp, bao gồm:
- Có trình độ Cử nhân Luật trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Thẩm tra viên cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp;
- Có trình độ Cao cấp lý luận chính trị;
- Có chứng chỉ Ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT;
- Có chứng chỉ Tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
2.5. Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Thẩm tra viên chính được quy định tại Điều 9 Thông tư số 03/2017/TT-BTP, như sau:
* Về chức trách. Thẩm tra viên chính là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thẩm tra thi hành án dân sự, giúp Thủ trưởng cơ quan trực tiếp hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án, thẩm tra, kiểm tra, xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự và thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự.
* Thẩm tra viên chính có các nhiệm vụ sau đây:
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP;
- Thực hiện thẩm tra hồ sơ các vụ việc đã và đang thi hành theo kế hoạch được duyệt hoặc theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự, đề xuất hướng giải quyết và chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất của mình. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có sai sót phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thực hiện quyết định sai sót đó để khắc phục, sửa chữa và chịu trách nhiệm về những kiến nghị của mình;
- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết nhiệm vụ được phân công;
- Thẩm tra, kiểm tra báo cáo thống kê, báo cáo dữ liệu thi hành án dân sự của Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên sơ cấp và của các cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc;
- Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự: Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền; tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự;
- Thẩm tra, kiểm tra, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Thẩm tra, kiểm tra, tổng hợp báo cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự, báo cáo kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự của các đơn vị trực thuộc;
- Tham gia xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Biên soạn tài liệu, tham gia hướng dẫn nghiệp vụ đối với ngạch Chấp hành viên sơ cấp, ngạch Thẩm tra viên, ngạch Thư ký thi hành án;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Thủ trưởng cơ quan giao.
* Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với Thẩm tra viên chính, bao gồm:
- Nắm vững đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để vận dụng vào công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Am hiểu các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; áp dụng thành thạo các nguyên tắc, chế độ, thủ tục thẩm tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Nắm được tình hình và xu thế phát triển của công tác thi hành án dân sự trong nước và thế giới; tổ chức nghiên cứu phục vụ quản lý và xử lý thông tin quản lý;
- Có khả năng phân tích, tổng hợp, thành thạo kỹ năng xây dựng văn bản, tài liệu liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao và thuyết trình về các vấn đề được giao;
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch Thẩm tra viên chính phải là người đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật hoặc chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 01 (một) đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh, cấp huyện được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu hoặc đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả ít nhất 01 đề tài, đề án, sáng kiến trong phạm vi Cục Thi hành án dân sự hoặc Chi cục Thi hành án dân sự;
- Công chức dự thi nâng ngạch Thẩm tra viên chính phải có thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên hoặc tương đương từ 05 năm trở lên (60 tháng), trong đó thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên tối thiểu 03 năm (36 tháng).
* Thẩm tra viên chính phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng dưới đây:
- Có trình độ Cử nhân Luật trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Thẩm tra viên chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp;
- Có chứng chỉ Ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
- Có chứng chỉ Tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
2.6. Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Thẩm tra viên được quy định tại Điều 10 Thông tư số 03/2017/TT-BTP, như sau:
* Về chức trách. Thẩm tra viên là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thẩm tra thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, giúp Thủ trưởng cơ quan trực tiếp thực hiện việc thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án, thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự.
* Thẩm tra viên có các nhiệm vụ dưới đây:
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP;
- Thực hiện thẩm tra hồ sơ các vụ việc đã và đang thi hành do Chấp hành viên sơ cấp thực hiện theo kế hoạch được duyệt hoặc theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự, đề xuất hướng giải quyết và chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất của mình;
- Thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu thi hành án dân sự của Chấp hành viên sơ cấp, của các cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc;
- Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự: Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền đối với những vụ việc đơn giản; tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những vụ việc đơn giản thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự;
- Thẩm tra, kiểm tra, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Thẩm tra, kiểm tra, tổng hợp báo cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự, báo cáo kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự của các đơn vị trực thuộc;
- Tham mưu xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác thẩm tra theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan;
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện công tác thẩm tra các vụ việc được phân công theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao.
* Thẩm tra viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bao gồm:
- Nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để vận dụng vào công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Nắm vững các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và nghiệp vụ thẩm tra, kiểm tra thi hành án dân sự, nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Nắm được tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương liên quan đến công tác thi hành án dân sự;
- Có năng lực phối hợp với các đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
- Nắm vững quy trình giải quyết công việc, có kỹ năng soạn thảo văn bản và thuyết trình các vấn đề được giao nghiên cứu, tham mưu;
- Công chức được đề nghị bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên phải đang giữ ngạch Chuyên viên và tương đương, có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm (36 tháng) trở lên.
* Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với Thẩm tra viên, bao gồm:
- Có trình độ Cử nhân Luật trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Thẩm tra viên theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp;
- Có chứng chỉ Ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
- Có chứng chỉ Tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
2.7. Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Thư ký thi hành án được quy định tại Điều 11 Thông tư số 03/2017/TT-BTP, như sau:
* Về chức trách. Thư ký thi hành án là công chức chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, có trách nhiệm giúp Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp thực hiện các trình tự, thủ tục trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính hoặc giúp Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính thực hiện nhiệm vụ thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án, thẩm tra, xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
* Thư ký thi hành án có các nhiệm vụ dưới đây:
- Giúp Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, tổ chức thi hành các vụ việc phức tạp, đặc biệt phức tạp, số tiền, tài sản phải thi hành lớn; việc thi hành án liên quan đến nhiều địa phương thuộc thẩm quyền thi hành của Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh; giúp Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật hoặc giúp Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính thực hiện nhiệm vụ thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án, thực hiện thẩm tra, xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật;
- Ghi chép biên bản xác minh thi hành án; biên bản giải quyết thi hành án; biên bản tống đạt; biên bản xử lý vật chứng, tài sản đã kê biên, tạm giữ; biên bản kê biên tài sản; biên bản họp, biên bản định giá tài sản; biên bản kiểm tra hiện trạng tài sản; biên bản hủy tang vật; biên bản cưỡng chế; biên bản giao nhà đất; biên bản trả tài sản và các biên bản nghiệp vụ khác;
- Giúp Chấp hành viên, Thẩm tra viên tống đạt giấy tờ thi hành án;
- Thực hiện một số nội dung xác minh, xây dựng hồ sơ thi hành án dân sự theo sự phân công của Chấp hành viên, Thẩm tra viên;
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để giúp Chấp hành viên thực hiện công tác tổ chức thi hành án; giúp Thẩm tra viên thực hiện thẩm tra thi hành án dân sự đối với các vụ việc được phân công theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan thi hành án giao.
* Thư ký thi hành án phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bao gồm:
- Nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực công tác thi hành án dân sự;
- Nắm vững các kiến thức cơ bản về pháp lý và nghiệp vụ thi hành án dân sự;
- Có khả năng tổng hợp, đề xuất biện pháp giải quyết các vấn đề về liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của thư ký thi hành án;
- Có kỹ năng soạn thảo văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao;
- Công chức dự thi nâng ngạch Thư ký thi hành án phải có thời gian giữ ngạch Thư ký trung cấp thi hành án từ 03 năm (36 tháng) trở lên.
* Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với Thư ký thi hành án, bao gồm:
- Có bằng tốt nghiệp Cử nhân Luật trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Thư ký thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp;
- Có chứng chỉ Ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
- Có chứng chỉ Tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
2.8. Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Thư ký trung cấp thi hành án được quy định tại Điều 12 Thông tư số 03/2017/TT-BTP, như sau:
* Về chức trách. Thư ký trung cấp thi hành án là công chức chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, có trách nhiệm giúp Chấp hành viên sơ cấp thực hiện các trình tự, thủ tục trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính hoặc giúp Thẩm tra viên thực hiện nhiệm vụ thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án, thẩm tra, xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
* Thư ký trung cấp có các nhiệm vụ sau đây:
- Tham mưu, giúp Chấp hành viên sơ cấp chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, tổ chức thi hành các vụ việc thi hành án đơn giản, lượng tiền, tài sản phải thi hành án có giá trị nhỏ thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện; giúp Chấp hành viên sơ cấp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật hoặc giúp Thẩm tra viên thực hiện nhiệm vụ thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án, các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật;
- Ghi chép biên bản xác minh thi hành án; biên bản giải quyết thi hành án; biên bản tống đạt; biên bản xử lý vật chứng, tài sản đã kê biên, tạm giữ; biên bản kê biên tài sản; biên bản họp, biên bản định giá tài sản; biên bản kiểm tra hiện trạng tài sản; biên bản hủy tang vật; biên bản cưỡng chế; biên bản giao nhà đất; biên bản trả tài sản và các biên bản nghiệp vụ khác;
- Giúp Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên tống đạt giấy tờ thi hành án;
- Thực hiện một số nội dung xác minh, xây dựng hồ sơ thi hành án dân sự theo sự phân công của Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên;
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để giúp Chấp hành viên sơ cấp thực hiện công tác tổ chức thi hành án dân sự; giúp Thẩm tra viên thực hiện thẩm tra thi hành án đối với các vụ việc được phân công theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan thi hành án giao.
* Yêu cầu tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với Thư ký trung cấp thi hành án, bao gồm:
- Nắm được quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực công tác thi hành án dân sự;
- Nắm vững các kiến thức cơ bản về pháp lý và nghiệp vụ thi hành án dân sự;
- Có khả năng tổng hợp, đề xuất biện pháp giải quyết các vấn đề về liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của Thư ký trung cấp thi hành án;
- Có khả năng soạn thảo văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao.
* Yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với Thư ký trung cấp thi hành án, bao gồm:
- Có bằng tốt nghiệp Trung cấp Luật trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Thư ký trung cấp thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp;
- Có chứng chỉ Ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 1 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT;
- Có chứng chỉ Tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
Khắc phục những hạn chế, vướng mắc tại Thông tư số 10/2010/TT-BTN ngày 28/10/2010 của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức Chấp hành viên và Thư ký thi hành án dân sự và Quyết định số 01/2007/QĐ-BNV ngày 17/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự, Thông tư số 03/2017/TT-BTP đã hướng dẫn cụ thể, rõ ràng yêu cầu về chức trách, nhiệm vụ và về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự.
Để phát huy những ưu điểm và giá trị áp dụng của nó vào thực tiễn ngay từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, đặc biệt là đối với một số nội dung mới của Thông tư cần có sự chủ động, phối hợp và chuẩn bị trước về thời gian như việc bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm tra viên để có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ các ngạch Thẩm tra viên theo yêu cầu của từng ngạch; Chấp hành viên, Thẩm tra viên cần chủ động liên hệ nắm vững các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học của Bộ, của Viện Khoa học Pháp lý, của Tổng cục Thi hành án dân sự và chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, của Bộ Tư pháp hoặc từ những sáng kiến đề xuất khoa học của mình xây dựng kế hoạch thực hiện hoặc tham gia thực hiện các đề án, đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để có sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt chất lượng đáp ứng đủ điều kiện tham gia thi tuyển, bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự theo quy định (Hết phần 2).
ThS. Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng cục Thi hành án dân sự