Thông tư liên tịch này ra đời sẽ thay thế cho 03 Thông tư, Thông tư liên tịch hiện hành hướng dẫn việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, bao gồm:
- Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-BTC-TANDTC ngày 24/6/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại và chế độ tài chính đối với Văn phòng Thừa phát lại (Sau đây gọi là Thông tư 12).
- Thông tư liên tịch số 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 07/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thủ tục thực hiện một số công việc của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (Sau đây gọi là Thông tư 13)
- Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ- CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (Sau đây gọi là Thông tư 03).
Trên thực tế, một số nội dung của 03 Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn thực hiện việc thí điểm chế định Thừa phát lại, đặc biệt là việc mở rộng địa bàn thí điểm chế định này đến một số địa phương ngoài thành phố Hồ Chí Minh cũng như để phù hợp với Nghị định số 135/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều quy định của 03 Thông tư có sự liên kết với nhau, việc tách riêng các quy định trên sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng nên cần quy định thống nhất trong cùng một văn bản hướng dẫn.
Do đó, sự ra đời của Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 Hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội sẽ tạo thuận lợi trong việc áp dụng, phù hợp với tinh thần cải cách trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết để có một văn bản pháp lý liên Ngành thống nhất áp dụng, tạo thuận lợi, dễ dàng hơn cho Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, các Sở Tư pháp, cho các Văn phòng Thừa phát lại và cả người dân để tiếp cận và áp dụng các quy định của pháp luật về Thừa phát lại - Những quy định còn mới mẻ và xa lạ với nhiều người dân trong thời điểm hiện nay.
Hoàng Thu Thủy