Năm 2009, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong suy thoái kinh tế, lụt úng cục bộ ở nhiều huyện trong tỉnh, nhưng các đơn vị thi hành án trong tỉnh đã tranh thủ sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, các ngành chức năng, đoàn thể chính trị để tăng cường và nâng cao hậu quả công tác thi hành án dân sự, tổ chức thi hành xong hoàn toàn về việc đạt tỷ lệ 86,5% và đạt tỷ lệ thực thu về tiền 70,5% so với số việc có điều kiện thi hành, vượt chỉ tiêu giao của Bộ Tư pháp 8,5% về việc và 14,5% về tỷ lệ thực thu, làm giảm 12,2% án tồn đọng so với năm 2008.
Bước sang năm 2010, năm đầu tiên các đơn vị thi hành án thực hiện nhiệm vụ trong một vị thế mới, thiết thực lập thành tích kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và của ngành, Cục Thi hành án dân sự tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2010 với 7 nội dung cơ bản sau đây:
1- Tiếp tục kiện toàn tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với Ban thường vụ các huyện, thị xã, thành phố hiệp y trình Bộ và Tổng Cục Thi hành án dân sự xét bổ nhiệm các chức danh Chi cục Trưởng, Phó Chi cục Trưởng những đơn vị còn lại. Đẩy mạnh việc học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án dân sự. Đào tạo và đào tạo lại cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
2- Phối hợp với Viện KSND cùng cấp và chính quyền cơ sở tổ chức xác minh, phân loại án và tổ chức thi hành bằng các giải pháp thuyết phục đương sự và gia đình tự giác thi hành nghĩa vụ dân sự theo bản án; báo cáo Ban chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành đối với những vụ việc có điều kiện nhưng chống đối thi hành. Trong năm 2010, tổ chức 03 đợt thi đua cao điểm để đẩy mạnh việc thi hành đạt kết quả cao về việc và về tiền. Phấn đấu kết thúc năm 2010 làm giảm từ 10-15% án tồn đọng, thi hành xong về việc đạt 80-85% và về tiền thực thu đạt 60-65% so với số việc có điều kiện thi hành.
3- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ trong thi hành án dân sự nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những vi phạm, sai sót trong thi hành án dân sự. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thường xuyên cho đội ngũ Chấp hành viên về Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật mới ban hành. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự để cán bộ và nhân dân hiểu và chấp hành.
4- Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo công tác Thi hành án dân sự theo định kỳ và đột xuất để lãnh đạo ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương nắm vững và có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Làm tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Cục Thi hành án dân sự tỉnh đối với các đơn vị thi hành án cấp huyện.
5- Tổ chức tốt việc tiếp và giải quyết đơn thư khiếu nại- tố cáo của công dân về thi hành án dân sự ngay từ cơ sở, tránh khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại phải kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định của Luật Khiếu nại-tố cáo và Luật Thi hành án dân sự. Đơn thư ở cấp nào do cấp đó xử lý, không được đùn đẩy, né tránh việc giải quyết khiếu nại-tố cáo của công dân.
6- Đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nội chính để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án, xét miễn giảm, nhất là những bản án tuyên không rõ, khó thi hành. Phối hợp với chính quyền, đoàn thể chính trị ở cơ sở nhằm huy động cả hệ thống chính trị làm công tác thi hành án với việc vận động đương sự và gia đình tự nguyện thi hành án, hạn chế việc phải tổ chức cưỡng chế thi hành.
7- Chấn chỉnh kỷ cương hành chính, kỷ luật nghiệp vụ. Củng cố sự đoàn kết thông nhất trong các cơ quan thi hành án, tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực chính trị-tư tưởng và hành động, xây dựng các cơ quan thi hành án trong tỉnh thực sự vững mạnh nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Thi hành án trong tỉnh trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành. Phấn đấu kết thúc năm công tác 2010, các đơn vị thi hành án trong tỉnh đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu công tác của ngành và của cấp uỷ, chính quyền địa phương giao cho.
Hương Ly