Quảng Ngãi nhìn lại công tác thi hành án dân sự năm 2012

02/01/2013
Năm 2012, công tác thi hành án dân sự tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đạt và vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ do Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự đề ra, cụ thể trong năm 2012 (từ ngày 01/10/2011 đến ngày 30/9/2012) các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh đã thi hành xong hoàn toàn 3.773 việc trên 4.216 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 89% so với số việc có điều kiện thi hành (đạt chỉ tiêu nhiệm vụ do Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao); tương ứng với tổng số tiền đã thu được 58.205.174.000 đồng (thực thu) trên 77.959.421.000 đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 75% so với số tiền có điều kiện thi hành (vượt 01% chỉ tiêu nhiệm vụ do Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao). Bên cạnh đó, công tác kiện toàn về tổ chức cán bộ và chuyên môn nghiệp vụ được chú trọng; công tác giải quyết khiếu nại và tố cáo đạt hiệu quả cao, không còn tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.


Phát huy những thành tích đạt được trong nhiều năm qua, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi ra sức khắc phục những khó khăn tồn tại; đồng thời tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự với quyết tâm đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ do Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự phát động. Để làm được điều đó, ngay từ đầu năm 2012, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã triển khai, quán triệt cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh xây dựng chương trình hành động, lập kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng chấp hành viên và công chức các cơ quan Thi hành án dân sự. Bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và theo dõi tiến độ thực hiện với mục tiêu kiên quyết đưa ra thi hành 100% vụ việc có điều kiện thi hành, tập trung giải quyết dứt điểm những vụ án khó, phức tạp, kéo dài nhiều năm. Chính từ những hoạt động thiết thực đó, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong toàn tỉnh tăng lên đáng kể, đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ do Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự đề ra. Điển hình như: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự các huyện Bình Sơn, Ba Tơ, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi… tiêu biểu nhất vẫn là Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Theo ông Phan Tấn Nộ - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi cho biết “ở Cục Thi hành án dân sự tỉnh, ngoài nhiệm vụ tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, chúng tôi còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: quản lý, chỉ đạo về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh; bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự; chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự đối với cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện; hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự cho chấp hành viên, công chức khác của cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn; kiểm tra công tác thi hành án dân sự đối với cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện; tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự; thực hiện Chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan Công an trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; và nhiều nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Công việc nhiều, nhưng biên chế của Cục chỉ có 24 người/28 biên chế được Tổng cục Thi hành án dân sự giao, thì đây là một thách thức đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng năm 2012 Cục đã vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong công tác tổ chức thi hành án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thi hành xong hoàn toàn 212 việc trên 251 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 84% so với số việc có điều kiện thi hành; tương ứng với tổng số tiền đã thu được 17.652.788.000 đồng (thực thu) trên 26.513.761.000 đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 67% so với số tiền có điều kiện thi hành (vượt 04% về việc và 02% về tiền theo chỉ tiêu nhiệm vụ được giao trong năm 2012)”.

Bên cạnh đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự luôn được lãnh đạo Cục quan tâm, chỉ đạo giải quyết đảm bảo đúng pháp luật, không để tình trạng khiếu nại bức xúc kéo dài, vượt cấp, gây mất lòng tin trong nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đương sự và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đối với những vụ việc phức tạp, Lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh tham mưu kịp thời cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp - Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có những chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, do vậy đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ khiếu nại phức tạp. Đặc biệt, có nhiều cơ quan Thi hành án dân sự không có đơn thư khiếu nại, tố cáo như: Chi cục Thi hành án dân sự các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Minh Long, Lý Sơn, Sơn Tây, Tây Trà và Tư Nghĩa.

Để đạt được thành quả trên, công tác xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức cán bộ trong toàn tỉnh luôn được chú trọng cả về chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Cục cũng thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát từng hoạt động của chấp hành viên và công chức để kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót trong hoạt động tác nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự. Ngoài ra, tinh thần, ý thức trách nhiệm cao của mỗi cán bộ công chức luôn vượt khó, thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt thái độ, điều kiện kinh tế và tình hình thu nhập của từng đối tượng thi hành án để có kế hoạch, biện pháp thi hành; Mặt khác, các cơ quan Thi hành án dân sự đã tranh thủ được sự quan tâm quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp; Tổng cục Thi hành án dân sự; cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp; đặc biệt là sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp, mà đứng đầu là Chủ tịch UBND, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án dân sự trong công tác chỉ đạo tổ chức thi hành án và chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan phối hợp cưỡng chế thi hành án nên hiệu quả công tác thi hành án dân sự được nâng lên đáng kể.

Nói về vấn đề này, đồng chí Phan Tấn Nộ - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “sở dĩ công tác thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đạt được nhiều thành quả kể trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp và Tổng Cục Thi hành án dân sự; chúng tôi còn nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy và Chính quyền địa phương các cấp, mà công tác thi hành án dân sự luôn cần phải có sự chỉ đạo và huy động tổng lực các cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị tại địa phương để phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, các bên đương sự, người có quyền nghĩa vụ liên quan trực tiếp thỏa thuận, tìm biện pháp, phương thức thi hành án phù hợp với điều kiện của các bên và đảm bảo không trái đạo đức xã hội, không trái pháp luật. Nhờ đó đã giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, tránh việc cưỡng chế thi hành án, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho ngân sách nhà nước cũng như cho các bên đương sự”. Làm tốt công tác này, có thể kể đến cấp ủy và chính quyền huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn…. Đối với những đơn vị này, sau khi chấp hành viên đã áp dụng mọi phương thức để động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành, nhưng không có kết quả, mặc dù có điều kiện thi hành án, chấp hành viên xây dựng kế hoạch cưỡng chế và báo cáo lãnh đạo đơn vị tham mưu đề xuất Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức họp Ban chỉ đạo để bàn bạc, thảo luận và thống nhất phối hợp thực hiện việc cưỡng chế. Năm 2012, trên cơ sở tham mưu đề xuất của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, đồng chí Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền, các cơ quan ban ngành và các đoàn thể ở địa bàn nơi có vụ việc phải cưỡng chế phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự huyện tổ chức vận động, thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành và đã đạt được kết quả cao (Riêng huyện Tư Nghĩa đã vận động người phải thi hành án tự nguyện thi hành 07/08 việc phải tổ chức cưỡng chế trong năm 2012). Còn đối với huyện Bình Sơn, Bí thư Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự huyện tổ chức cưỡng chế thành công hơn 05 vụ cưỡng chế thi hành án “trong hòa bình”...

Từ những kết quả đạt được trong năm 2012, có thể thấy vai trò của cấp ủy và Chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo tổ chức thi hành án và chỉ đạo phối hợp trong thi hành án dân sự là đặc biệt quan trọng, trực tiếp tác động đến kết quả, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn. Do đó, tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tại Thông báo kết luận số 453-TB/TU và Thông báo số 455-TB/TU ngày 21/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về kết quả kiểm tra theo Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 13/4/2012 đối với cá nhân Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh và đối với Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã giao nhiệm vụ cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi tham mưu để Ban Thường vụ tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về lãnh đạo, chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Cục Thi hành án dân sự đang tổ chức triển khai thực hiện và tin chắc rằng sau khi Ban thường vụ tỉnh Ủy Quảng Ngãi ban hành Chỉ thị, công tác thi hành án dân sự năm 2013 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ khởi sắc hơn và đạt được nhiều thành quả hơn nữa./.

Phạm Huy Ân