Nội dung chương trình bồi dưỡng có 7 chuyên đề, gồm:
- Kỹ năng xác minh, rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án;
- Kỹ năng áp dụng các biện pháp bảo đảm trong thi hành án dân sự, những sai sót vướng mắc thường gặp và những vấn đề cần rút kinh nghiệm;
- Kỹ năng cưỡng chế thi hành án dân sự những sai sót vướng mắc thường gặp và những vấn đề cần rút kinh nghiệm;
- Mối quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự;
- Kỹ năng tổ chức thi hành một số vụ việc thi hành án dân sự có khó khăn vướng mắc;
- Quy trình tổ chức kê biên, xử lý tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất để thi hành án;
- Kỹ năng thuyết trình, thuyết phục, chứng kiến thỏa thuận về thi hành án dân sự của các đương sự.
Tham gia giảng dạy lớp học có các đồng chí Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng, Phó Phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự của Cục Thi hành án dân sự thành phố. Thông qua lớp học các đồng chí báo cáo viên đã chuyển tải đến cho học viên những kiến thức nghiệp vụ, những kỹ năng tác nghiệp. Đồng thời ,các báo cáo viên còn nêu lên những tình huống có nhiều khó khăn, vướng mắc để tập thể lớp học thảo luận, đề xuất các phương án hiệu quả nhất để giải quyết tình huống.
Thông qua phương pháp giảng dạy sinh động, giữa học viên và giảng viên đã có những tranh luận, trao đổi ý kiến thông qua các tình huống gặp phải trong thực tế công tác. Từ đó các chấp hành viên tự rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ thi hành án. Đặc biêt, chương trình bồi dưỡng lần này đã trang bị thêm cho học viên những kỹ năng mềm quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với hiệu quả giải quyết việc thi hành án của chấp hành viên và kết quả chung của các đơn vị thi hành án dân sự ở mỗi địa phương. Đó là kỹ năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan hữu quan (Chuyên đề: Mối quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự và Chuyên đề: Kỹ năng thuyết trình, thuyết phục, chứng kiến thỏa thuận về thi hành án của các đương sự). Có thể nói đây là lần đầu tiên những kỹ năng mềm này được đưa vào chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho Chấp hành viên sơ cấp, thẩm tra viên, thư ký và chuyên viên thi hành án dân sự. Những kỹ năng này đã được người học hào hứng đón nhận vì có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong công tác thi hành án dân sự.
Mặc dù khóa học có thời gian tương đối ngắn. Tuy nhiên, với tinh thần giảng dạy và học tập nghiêm túc, các học viên đã tiếp thu được những kiến thức, kinh nghiệm và những kỹ năng cơ bản trong giải quyết việc thi hành án dân sự để phục vụ cho công tác thực tiễn của mình trong thời gian tới.
Hồ Quân Chính
Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh