Đánh giá các mặt công tác 9 tháng cho thấy: Từ ngày 01/10/2012 đến 30/6/2013, kết quả thi hành các chỉ tiêu về việc, về tiền, về giảm số lượng án tồn đọng của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đạt được là tương đối khả quan, công tác xác minh điều kiện thi hành án, làm cơ sở cho việc phân loại việc, tiền có điều kiện, chưa có điều kiện thi hành, đảm bảo chính xác, khách quan trung thực và đúng quy định của pháp luật. Một số đơn vị như: Cục Thi hành án dân sự tỉnh thi hành xong về việc 80,69%, về tiền 78,7%; Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Mường Lay thi hành xong về việc 90,24%, về tiền 96,2%; Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuần Giáo thi hành xong về việc 89,3%, về tiền 86,4% kết quả đạt được đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án dân sự giao. Tuy nhiên, cũng còn một số đơn vị như Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ thi hành xong về tiền mới đạt 38,3%; Chi cục Thi hành án dân sự huyện Điện Biên thi hành xong về tiền mới đạt 51,27% trong những tháng còn lại của năm cần phải nỗ lực cố gắng để hoàn thành chỉ tiêu thi hành xong về tiền, về giảm số lượng án tồn đọng.
Cũng tại hội nghị, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các công chức tham dự đã cùng nhau ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của ngành Thi hành án dân sự. Đối với tỉnh Điện Biên (trước đây là tỉnh Lai Châu cũ) từ ngày đầu tiếp nhận công tác thi hành án từ Tòa án nhân dân sang Sở Tư pháp toàn tỉnh có 11 cơ quan Thi hành án (gồm 01 Phòng Thi hành án và 10 Đội thi hành án) với số lượng cán bộ chuyển từ Tòa án sang là 17 công chức với 13 chấp hành viên, trung bình mỗi Đội thi hành cấp huyện có từ 2-3 công chức, đến năm 2004 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc chia tách thành lập tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên, tổ chức bộ máy các cơ quan Thi hành án lại có sự biến động và xáo trộn. Hiện nay, toàn tỉnh có 11 cơ quan Thi hành án (01 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nậm Pồ có quyết định thành lập nhưng chưa ra mắt), với tổng biên chế là 111 người, trong đó có 29 chấp hành viên, 7 thẩm tra viên, đảm bảo mỗi Chi cục có từ 7-15 biên chế; Đội ngũ công chức thi hành án từng bước trưởng thành về bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới của đất nước nói chung và của ngành Tư pháp nói riêng. Kết quả công tác qua các năm đều hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao. Công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, từng bước khẳng định vai trò, vị thế, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương./.
Đỗ Thành Trung
Cục THADS tỉnh Điện Biên