Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp giám sát công tác thi hành án dân sự năm 2013 trên địa bàn tỉnh

15/10/2013
Thực hiện Kế hoạch số 22/KH-HĐND ngày 06/9/2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về khảo sát, giám sát tình hình hoạt động, kết quả công tác xét xử và thi hành án dân sự năm 2013. Sáng ngày 11/10/2013, tại Hội trường A Cục Thi hành án dân sự, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh đến làm việc với Cục Thi hành án dân sự. Đoàn giám sát với sự tham dự của ông Lê Thành Công – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, bà Lê Thị Hồng Phượng - Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn cùng các thành viên Ban Pháp chế và Lãnh đạo các ngành có liên quan tham dự.

Tại buổi giám sát, Cục trưởng Bùi Văn Tấn thông qua báo cáo tóm tắt kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2013 của Cục Thi hành án dân sự. Theo báo cáo, ngay từ đầu năm, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự đã quan tâm chỉ đạo, phân công chấp hành viên phụ trách địa bàn và tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án một cách khoa học và thường xuyên theo dõi tiến độ tổ chức thi hành án của các chấp hành viên, phát động mở 02 đợt cao điểm tập trung thi hành án nhằm đẩy nhanh tiến độ công việc, với trọng tâm là nghiệp vụ tổ chức thi hành án dân sự và kiện toàn tổ chức, cán bộ của các đơn vị. Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn được thực hiện chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

Tính đến cuối năm, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã thi hành xong 14.578/16.082 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 90,65%; về giá trị đã thi hành xong 505 tỷ 664 triệu 367 nghìn đồng/593 tỷ 147 triệu 831 nghìn đồng có điều kiện thu, đạt 85,25%. Như vậy, với kết quả trên các cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu giao năm 2013.

Về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã kịp thời giải quyết và trả lời không để đơn tồn, cụ thể đã giải quyết 300/300 đơn, đạt tỷ lệ 100%.

 

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như số việc chuyển sang năm 2014 tiếp tục thi hành còn ở mức khá cao, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo tuy có giảm so với năm 2012 nhưng vẫn phát sinh nhiều và còn tình trạng đơn khiếu nại vượt cấp, khó khăn về cơ chế một số thủ tục thi hành án, biên chế vẫn còn ít, cơ sở vật chất còn thiếu, công tác tuyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự chưa thật sâu, đồng thời nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đương sự không cao, cố tình chây ỳ, kéo dài việc thi hành án.

Qua kết quả báo cáo của đồng chí Bùi Văn Tấn, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi và gợi ý một số vấn đề như trong năm qua về án dân sự có bao nhiêu bản án của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành nhất là về tranh chấp đất đai; về kết quả ra quyết định cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự nguyện thi hành án còn thấp, nên số tổ chức cưỡng chế vẫn còn cao; công tác bảo quản, xử lý tang tài vật như thế nào khi có tới 09 Chi cục chưa có kho vật chứng; nếu tỉnh triển khai việc Thừa phát lại trên địa bàn toàn tỉnh thì có hiệu quả không và có gặp khó khăn gì; về kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo thì trong các trường hợp đã giải quyết hoặc chuyển đơn có hợp lý chưa và đương sự có đồng thuận không…

Qua các vấn đề mà đoàn giám sát đã đưa ra, đại diện Cục Thi hành án dân sự Cục trưởng Bùi Văn Tấn đã tiếp thu và giải đáp các ý kiến một cách nghiêm túc.

 

Qua giám sát, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh đã kiến nghị Cục Thi hành án dân sự tiếp tục phát huy những thành tích đã được trong năm 2013 để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác năm 2014; khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện trong toàn ngành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác thi hành án dân sự; thực hiện việc điều động, tăng cường lực lượng chấp hành viên từ nơi có số lượng án ít sang huyện có số lượng án phải thi hành nhiều; tiếp tục quan tâm công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ công chức ngành. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm trong ngành; tăng cường công tác thông tin, truyền thông về công tác thi hành án dân sự để tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với các vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự; trong thực hiện nhiệm vụ không chỉ quá chú trọng đến thực hiện theo các chỉ tiêu Bộ Tư pháp  giao, mà phải quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người được thi hành án, đảm bảo các bản án có hiệu lực thi hành phải được tổ chức thi hành nghiêm túc, đúng luật, nhằm góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Ngọc Thật

Văn phòng Cục THADS